Mường Lò - Điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Tây Bắc
Ngày xuất bản: 26/06/2017 9:17:00 SA
Lượt đọc: 3074

 Cách thành phố Yên Bái khoảng 80km về phía Tây,  thung lũng Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, là một cánh đồng bằng phẳng, rộng thứ hai ở vùng miền núi Tây Bắc, được xứng với câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã nổi tiếng từ lâu. Không chỉ là vựa lúa lớn nhất tỉnh Yên Bái, Mường Lò còn là một địa danh vô cùng hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá những điểm đến mới.

 

Ai đó từng hỏi tôi, Mường Lò có gì? Mường Lò có nhiều cái hay, cái thú vị lắm, Mường Lò là mảnh đất hoang sơ, thuần chất, được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan đa dạng; Mường Lò có truyền thống lịch sử đấu tranh, yêu nước quật cường; Mường Lò cũng là nơi sở hữu kho tàng giá trị văn hóa truyền thống quý giá các dân tộc Thái, Mường, Tày. Đến với Mường Lò, du khách sẽ lần lượt trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với những tâm thái khác nhau.

            Mường Lò – phải chăng thiên nhiên quá ưu ái?

 

Cánh đồng Mường Lò. Ảnh : Sưu Tầm

Mường Lò là cánh đồng xếp thứ hai trong số bốn thung lũng lớn vùng miền núi Tây Bắc, chỉ đứng sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) nhưng đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu ) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La ). Nơi đây không chỉ là cánh đồng sản xuất lương thực lớn nhất khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái mà còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu ôn hòa, trong lành và vẻ hoang sơ cùng phong cảnh đẹp đến kỳ lạ.

Phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một “lòng chảo” khổng lồ, tạo nên bức tranh “lục thủy, thanh sơn” hùng vĩ với những triền núi bốn mùa mây phủ, bao quanh là những tán rừng xanh mướt, những thác nước đổ tràn từ trên cao xuống chân núi rồi len lỏi đi khắp cánh đồng, là dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng. Đông tới, xuân sang, sương mù càng trở nên đậm đặc hơn, tưởng chừng như ta đã lạc vào chốn “bồng lai, tiên cảnh” chứ đâu còn ở đứng giữa cánh đồng bát ngát.

Mường Lò được đổi sắc liên tục trong năm, khi thì mang gam màu trầm của đất, lấp loáng trong màu nước khi vào mùa đổ ải, rồi bất chợt khoác lên mình một màu xanh mướt tầm mắt của mạ non mới lớn, trời chuyển sang thu cũng là lúc cánh đồng Mường Lò sở hữu một màu vàng óng của nắng, của những bông lúa trĩu hạt bội thu. Cùng với thiên nhiên và bàn tay con người, cánh đồng Mường Lò trở thành một “kiệt tác nghệ thuật” khổng lồ chuyển hóa không ngừng, mỗi lần biến đổi lại mang những sắc thái, những vẻ đẹp khác nhau riêng biệt.

Đi hết cánh đồng, du khách được khám phá những cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng khác trong vùng, như: hang dơi Hốc (xã Sơn Thịnh), suối Mường (xã Đồng Khê), suối Thia (Nghĩa Lộ)… tất cả vẫn được giữ nguyên vẻ hoang sơ, kỳ vĩ vốn có do thiên nhiên ban tặng.

Sau một ngày dài dong duổi, thăm thú, du khách được đắm mình trong dòng nước khoáng nóng ở bản Hốc (xã Sơn Thịnh), bản Bon (xã Sơn A). Điểm suối nước nóng thì nhiều nơi có nhưng nguồn nước khoáng nóng thì không phải nơi nào cũng có. Du khách chỉ cần ngâm mình vài phút, da dẻ sẽ trở lên mịn màng và trắng hồng hơn hẳn. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh nguồn nước khoáng nóng tại hai điểm bản Hốc, bản Bon có tác động tốt cho sức khỏe: trị bệnh ngoài da, giảm viêm, giảm đau, hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, lọai bỏ độc tố, an thần… Tục tắm tiên được xem như nét đẹp văn hóa đồng thời vẫn được đồng bào nơi đây duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên du khách không dễ có thể bắt gặp cảnh tắm tiên của các thiếu nữ, các cô, các mẹ bởi họ chỉ tắm vào buổi sáng sớm hoặc khi tối muộn, khi ít người để ý nhất; còn ban ngày thì trẻ em và nam giới thỏa sức vùng vẫy.

Mường Lò – Mảnh đất quật cường trong lịch sử:

 

Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ. Ảnh : Sưu Tầm

Đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Yên Bái nói chung và Mường Lò nói riêng luôn tự hào với truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường trong lịch sử, với Cụm di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, tự hào với Chiến thắng Nghĩa Lộ (tháng 10/1952) mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiện hữu cho lịch sử hào hùng là Khu mộ mang tên 9 liệt sỹ quyết tử phá Căng Nghĩa Lộ (tháng 3/1945), là Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ kiêu hãnh và nhà bia ghi danh hơn 800 liệt sĩ trang nghiêm như khắc sâu hơn vào trang sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời khẳng định tấm lòng sắt son theo Đảng của đồng bào Tây Bắc.

Cách Cụm di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ không xa, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm bình yên giữa lòng Mường Lò càng làm cho đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò và các huyện miền Tây tỉnh Yên Bái như được gần Người hơn. Khu tưởng niệm được xây dựng thể theo nguyện vọng và mong ước muốn gặp Bác Hồ của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Quần thể gồm: nhà sàn, vườn cây, ao cá và những hiện vật về thân thế sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh.

            Chợ Mường Lò là điểm thương mại lớn nhất khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái. Được hình thành từ lâu đời, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hoá, trao đổi nông sản, thực phẩm của đồng bào các dân tộc. Vào thời Pháp thuộc, chợ được các đồng chí của ta sử dụng là điểm gặp gỡ, liên lạc bí mật nhằm nắm bắt tình hình địch, đồng thời là nơi làm công tác binh vận, tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành tự do tới đồng bào vùng miền Tây. Từ đây, nhiều nhân tố đã được cách mạng giác ngộ và hoạt động yêu nước tích cực trong lòng đồng bào. Chợ vừa là nơi kinh doanh, trao đổi, mua bán hàng hóa thông thường, đồng thời là điểm tụ hội văn hóa các dân tộc; kết giao bè bạn, nơi trai gái gặp gỡ, tâm tình; thưởng thức ẩm thực trong chợ, ngoài phố. Chợ Mường Lò có cơ cấu mặt hàng vô cùng phong phú và đa dạng, từ sản phẩm công nghiệp hiện đại đến những nông, sản phẩm dân dã; từ các mặt hàng thương mại đến những sản phẩm thủ công truyền thống. Đến chợ, du khách có thể dễ dàng mua được những sản phẩm làm quà cho người thân, bạn bè, như: trang phục, trang sức dân tộc, các đồ dùng thủ công truyền thống (chăn, đệm nằm, đệm ngồi, túi xách, gùi, dao, cuốc…); đặc sản địa phương (mật ong rừng, gạo, măng sặt, táo mèo…) với mức giá không cao.

            Mường Lò – Vùng văn hóa giàu có, phong phú và đa dạng:

 

Chị em phụ nữ Thái tắm bên suối. Ảnh : Thanh Miền

Vào Mường Lò, du khách không chỉ được ngắm núi non trùng điệp, cánh đồng bát ngát và khám phá về một vùng đất hoang sơ mà còn được thăm thú những bản làng xinh đẹp, trải nghiệm đời sống bình yên của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Tày… Nổi bật hơn cả là văn hóa nhóm Thái đen (Táy Đăm), nơi đây được biết đến là vùng đất tổ của người Thái đen ở Việt Nam.

Du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, sản xuất cùng với đồng bào Thái ở làng văn hóa - du lịch cộng đồng tại Bản Đêu (xã Nghĩa An), Bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), được sống trong những ngôi nhà sàn với biểu tượng khau cút, được tham gia lao động trên đồng ruộng, học dệt vải thổ cẩm, làm nghề đan lát, đi rừng hái thuốc, đánh bắt cá bên suối… đó sẽ là những thử thách không dễ dàng với nhiều du khách nhưng hứa hẹn những điều thú vị đáng có trong hành trình sống và được sống của mỗi chúng ta.

Về chiều, cùng với gia chủ, du khách được thưởng thức những món ăn dân tộc mới - độc - lạ nhưng cũng vô cùng ngon miệng, là canh rêu đá, cá suối, rau xôi, là thịt sấy, xôi ngũ sắc, bánh chưng đen hay những món ăn được chế biến từ côn trùng như: dế mèn, bọ xít, châu chấu, sâu chít… đã đạt đến tầm “nghệ thuật ẩm thực” của người Thái Mường Lò. Và tất nhiên không thể thiếu những chum rượu men lá do gia chủ tự nấu tự ủ từ những nguyên liệu sẵn có, rượu trong nhà người Thái chẳng bao giờ cạn, du khách có thể say mà sẽ chẳng hề thấy mệt.Top of Form

           Bản làng dường như muốn thức trọn đêm, rộn rã trong những câu khắp Thái, hát Lượn, tiếng khèn, tiếng Pí (sáo dọc) da diết, thiết tha khiến cho du khách khó lòng rời bỏ chốn này. Nồng nàn trong men rượu, dân làng cùng du khách tay trong tay với điệu xòe uyển chuyển, ngất ngây. Xòe làm cho người lạ bỗng thành quen, phảng phất hương vị của đất trời, ấm áp cùng tình người của đồng bào nơi đây. Về khuya, vây quanh bên bếp lửa, các cụ già trong nhà kể cho tụi trẻ nghe về câu chuyện lập bản, lập mường, về ngôi nhà sàn có biểu tượng “khau cút”, về lịch sử truyền thống của người Thái Mường Lò… Sau một ngày dài sống cùng thiên nhiên, sinh hoạt với đồng bào, du khách sẽ có giấc ngủ ngon lành để sáng mai thức dậy, ánh nắng chui qua khe cửa, ta bỗng thấy cuộc đời này thật đẹp biết bao.

Nếu may mắn, du khách có thể tham dự các lễ hội lớn của người Thái Mường Lò, như: sàn diễn Hạn Khuống (tháng Giêng), hội “Xên bản, xên Mường” (tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch), hội xuân chơi hang Thẩm Lé (tháng 2, tháng 3 Âm lịch), Tết “Síp xí” (ngày 13 - 14/7 Âm lịch)… hay đám cưới truyền thống, đó sẽ là những trải nghiệm thú vị cho những du khách phương xa lần đầu đến với mảnh đất này.

Trong hành trình của mình, du khách không chỉ được thăm quan, trải nghiệm vùng lòng chảo Mường Lò mà còn có thể kết hợp khám phá, thử thách với những vùng đất phụ cận cũng là điều vô cùng hợp lý, như: điểm du lịch sinh thái Suối Giàng xã Suối Giàng, bản văn hóa người Thái xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn); đi xa hơn chút nữa, du khách sẽ vỡ òa cảm xúc trên những mảnh ruộng bậc thang ở miền sơn cước Mù Cang Chải vào mùa nước đổ tháng 5 - tháng 6 hay mùa lúa chín tháng 9 - tháng 10.

            Guồng quay cuộc sống khiến chúng ta mải miết chạy theo những thứ xa hoa và lo toan vật chất mà quên đi điều mong muốn cuối cùng của con người chỉ gói gọn trong hai chữ “bình yên”. Hãy một lần rũ bỏ tất cả những bộn bề xung quanh, “xách ba lô lên và đi”, tin tôi đi, bạn sẽ không phải nuối tiếc nếu một lần đặt chân đến Mường Lò để khám phá, để tìm hiểu, cảm nhận và “ngấm” như câu ca:

“Mường Lò gạo trắng, nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

            Hồng Anh

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/