• Loading...
TRUNG TÂM QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH YÊN BÁI – CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG DU LỊCH TỈNH YÊN BÁI - WELCOME TO YEN BAI TOURISM.
 
Bảo tồn Nghệ thuật Xòe cổ của người Thái ở Thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò), tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 26/06/2017 2:24:00 CH
Lượt đọc: 1866

          Mường Lò - Nghĩa Lộ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, nơi có cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc Việt Nam. Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học về sự thiên di của các ngành Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt qua hai cuốn sử thi của người Thái Đen: “Quám tố mương” (chuyện kể bản mường) và “Táy pú sớc” – (Bước đường chinh chiến của cha ông) thì vào khoảng thế kỷ XI- XII ngành Thái Đen do Tạo Xuông, Tạo Ngần dẫn đường di cư từ Mường Ôm, Mường Ai đến Mường Lò sinh cơ lập nghiệp. Bởi thế, nơi đây vẫn được coi là vùng đất tổ của người Thái Đen ở Tây Bắc Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử cư trú trên vùng đất này, người Thái đã cùng nhau khai phá mường bản, ruộng đồng, đoàn kết xây dựng bản mường ấm no, hạnh phúc. Chính trong quá trình lịch sử này, cộng đồng đã sáng tạo ra các điệu xòe với sức sống mãnh liệt của nó. Từ xa xưa đồng bào Thái nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, họ luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ. Mỗi khi mùa màng bội thu, hoặc có niềm vui của bản làng mọi người lại nắm tay nhau nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hành động này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cứ có dịp vui mọi người lại nắm tay nhau xòe, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên các điệu xòe cơ bản. Như vậy, có thể nói đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, môi trường văn hóa và môi trường xã hội của tộc người, nó thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Thái. Nói đến Nghĩa Lộ - Mường Lò là nói đến người Thái và nói đến những vòng xòe. Xòe đã trở thành biểu tượng của văn hóa Thái, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của cả vùng. Sáu điệu xòe cổ là những gì cô đọng nhất, ấn tượng nhất của nghệ thuật này.

Điệu xòe khắm khen "Nắm tay". Ảnh sưu tầm

Mỗi điệu xòe đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật trong lao động sản xuất. Người Thái hiện nay có 36 điệu xòe nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sáu điệu xòe cơ bản sau:

Điệu "khắm khăn mơi lẩu" tức (nâng khăn mời rượu), đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiêp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái, bất cứ ai đến thăm nhà đều được đón tiếp rất trân trọng và hết sức chân tình, với những động tác mềm mại uyển chuyển, chén rượu mời khách được người thiếu nữ dâng lên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe và câu khắp mời rượu, thể hiện sự chân trọng đối với khách.

Điệu “nhôm khăn” tức (tung khăn) là điệu xòe sôi nổi nhất, thể hiện niềm vui, sự phấn khởi của con người trước những thành quả lao động của mình, mỗi khi có chuyện mừng vui của gia đình, của bản làng. Điệu xòe thể hiện niềm hân hoan của cộng đồng, khi có chuyện vui là nắm tay nhau cùng xòe, cùng tung khăn.

Điệu xòe "Đổn hôn" tức (tiến lùi) là điệu xòe thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng trong những lúc khó khăn nhất. Mỗi bước bước tiến lùi của điệu xòe cũng ẩn chứa quan niệm sâu xa về cuộc sống, cuộc sống có lúc yên bình, ấm no, hạnh phúc nhưng cũng có lúc gặp khó khăn, trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.

Điệu "phá xí" tức (bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng. Dù đi khắp bốn phương trời thì những người con của vùng đất Mường Lò vẫn luôn hướng về quê hương, hướng về cội nguồn. Điệu xòe hình thành từng nhóm 4 người và chia thành nhiều nhóm, có lúc tách thành nhiều nhóm nhỏ, diễn tả cuộc sống có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, tưởng chừng con người bị tách rời nhau nhưng bằng tinh thần đoàn kết, tất cả đã vượt lên mọi cản trở trong cuộc sống.

Điệu "khắm khen" tức (nắm tay): điệu xòe thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui hay gặp khó khăn trong cuộc sống, mọi người vẫn nắm chặt tay nhau để vượt qua. Quanh đống lửa, mọi người nắm tay nhau nhảy múa vòng tròn theo chiều quay của trái đất, theo nhịp đập của con tim. "Khắm khen" là điệu xòe cơ bản nhất trong nghệ thuật xòe của đồng bào Thái.

Điệu "ỏm lọm tốp mư" tức (vòng tròn vỗ tay): thể hiện niềm vui mừng, sự khát khao hướng tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, khi mọi người đã trao nhau những tình cảm chân thành đã đến lúc nói câu chào tạm biệt, mọi người chia tay nhau trong luyến tiếc và hẹn gặp lại trong niềm vui được mùa tiếp theo.

Như vậy, xòe cổ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái Mường Lò nói riêng và tộc người Thái vùng Tây Bắc nói chung. Đây là một nét văn hóa tiêu biểu của vùng Mường Lò góp phần làm nên linh hồn của văn hóa Thái. Nghệ thuật Xòe thái Mường Lò là tài sản văn hóa tinh thần vô giá và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL. Đây là niềm vinh hạnh lớn của đồng bào Thái Mường Lò – Nghĩa lộ.

 

Hoàng Chiều - TTQLDT&PTDL

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/