Chia sẻ
Gạo Khẩu hang (Cốm già), đặc sản nổi tiếng vùng đất Tú Lệ
Ngày xuất bản: 16/09/2019 2:49:00 CH
Lượt đọc: 69349

Nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được. Đó là giống nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò.

Trong quá trình sản xuất từ khi cấy lúa đến khi thu hoạch được những hạt gạo nếp dẻo thơm, đồng bào dân tộc Thái ở Tú Lệ đã làm được các sản phẩm từ cây lúa thơm ngon trở thành đặc sản nổi tiếng vùng Tây Bắc như cốm Tú Lệ, gạo Khẩu hang (cốm già)…

Khẩu hang là một loại gạo nếp đặc biệt bởi được làm từ loại thóc nếp Tú Lệ truyền thống vừa thơm vừa dẻo và về cách sơ chế từ hạt thóc non thành hạt gạo. Nếu như bình thường để có gạo nếp đồng bào trồng lúa nếp, để chín vàng trên bông và cắt về tách hạt, phơi khô, khi nào cần dùng thì xay xát để tách vỏ trấu lấy gạo. Nhưng với khẩu hang đồng bào gặt từ khi hạt thóc còn non, chỉ cần chín một nửa bông lúa là gặt về. Sau đó, được các bà các mẹ cẩn thận dùng tay tuốt từng bông lúa tách hạt. Để giữ độ thơm ngon, hương vị của lúa non người Thái đem số thóc đó đi đồ như đồ xôi đến khi hạt thóc chín là được. Tiếp đó,  phơi khô số thóc đã đồ chín như phơi thóc bình thường.

Để hạt gạo khi xay xát không bị gãy và có màu sắc đẹp, giữ được độ thơm ngon người ta phơi thóc đồ dưới nắng nhẹ, chủ yếu là phơi trong trời râm và có gió để hút nước đi. Nếu phơi dưới trời nắng to, nhiệt độ cao sẽ làm cho gạo bị gãy nát, màu trắng không đều, khi nấu chín sẽ không còn mùi thơm đặc trưng.

Hạt gạo khẩu hang được cho là ngon và làm khéo tay là có màu trắng trong, hơi đục không giống màu trắng bạc như gạo nếp thường.

Cách nấu gạo khẩu hang cũng đặc biệt và khó nấu hơn so với gạo nếp thông thường. Để có được xôi ngon, thơm dẻo các bà các mẹ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong việc đồ xôi. Gạo khẩu hang được ngâm với nước lạnh khoảng 10 - 15 phút trước khi xôi. Trong khi đồ chín phải chú ý lửa, lúc đầu khi nước chưa sôi có thể đun to lửa, khi nước bắt đầu sôi và bốc hơi thì cho lửa nhỏ vừa phải để cho hạt gạo chín từ từ, có như thế mới giữ được độ thơm ngon đặc biệt. Khi chín có thể giỡ xôi ra bát hoặc đĩa để dùng. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được mùi thơm dịu mát của cốm, vị ngọt của gạo non. Có được mùi vị này là do khi đồ thóc non đã giúp lưu giữ lại hương vị, độ đậm đà của gạo. Và khi phơi người ta cũng không phơi dưới nhiệt độ cao, giúp cho cơm sau khi đồ chín có được một mùi vị rất riêng.

Khẩu hang rất dễ ăn, nhiều chất dinh dưỡng, ai ăn khẩu hang một lần đều nhớ mãi hương vị của nó, mùi thơm dịu mát, độ ngon ngọt của gạo non hòa quyện vào với nhau làm thực khách mê say. Sau khi ăn, ai cũng muốn mua một ít về để làm quà cho gia đình và bạn bè. Vì khẩu hang đồ từ thóc non nên thời gian bảo quản không được lâu như thóc nếp già bình thường. Sau khi xay xát, khẩu hang có thể bảo quản ở nhiệt độ thường từ 10 ngày đến nửa tháng. Nếu được đóng gói cần thận trong túi ni nông thì sẽ để được 1 tháng. Còn để bảo quản bằng thóc sẽ lưu giữ được từ 5 đến 7 tháng. Muốn ăn khẩu hang ngon nhất thì nên ăn trong thời gian sớm nhất sau khi làm xong, lúc đó mùi vị và độ đậm đà còn lưu giữ được nhiều hơn, càng để lâu độ ngon của khẩu hang sẽ bị giảm.

Du khách gần xa có dịp ghé qua Tú Lệ hãy thưởng thức món xôi Khẩu hang để cảm nhận hương vị đặc biệt, cảm nhận cảnh sắc, con người và hương vị nơi đây./.

                                                                                 Bùi Kiểm

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/