Chia sẻ
Yên Bái – Món ngon đãi khách
Ngày xuất bản: 12/05/2017 2:38:00 CH
Lượt đọc: 96056

 Ai từng đến Yên Bái hẳn sẽ nhớ những thửa ruộng bậc thang lên tận lưng trời, những cô gái Thái xinh như hoa với điệu xòe làm mê đắm lòng người. Trải qua thời gian sinh sống, lao động và phát triển người Yên Bái hòa mình cùng thiên nhiên, trong quá trình đó hình thành tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng. Từ những bàn tay khéo léo cùng với cách chế biến giàu kinh nghiệm, phù hợp với khẩu vị, từ những nguyên liệu quen thuộc đã trở thành những món ăn mang hương vị núi rừng, hấp dẫn và ấn tượng đối với thực khách: xôi ngũ sắc, măng rừng, thịt trâu sấy…

 Xôi Ngũ sắc: Vào mỗi dịp lễ Tết, hội hè, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Gọi là xôi ngũ sắc thì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Xôi được làm từ gạo nếp Tú Lệ, gạo ngâm với nước lá các loại cây có màu sắc từ tự nhiên: màu xanh của lá dứa, màu đỏ, màu tím từ lá cơm đỏ cơm tím, màu vàng từ nghệ. Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy do chính tay người Thái làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này. Người Thái Mường Lò đã định cư ở vùng đất Tây Bắc từ lâu đời. Họ có bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Món xôi ngũ sắc là đặc sản hội tụ những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa triết lý âm dương và nhân sinh cao đẹp.

 

 

Ảnh : Sưu tầm

 Thịt trâu sấy gác bếp: là món ăn nổi tiếng của người Thái đen, làm từ thịt trâu tươi, chọn những bắp thịt ngon nhất đem ướp với sả, gừng, tỏi, ớt, hạt sẻn giã nhỏ (loại hạt chỉ có ở vùng Tây Bắc), trộn đều sau đó sấy trên than củi cho thịt chín từ từ, chín đều. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ được mùi vị đặc trưng và có thể dự trữ được trong thời gian dài. Với người Thái Đen nói riêng và người Yên Bái nói chung, món ăn đặc sản này sẽ được mang ra khi nhà có khách, mọi người cùng ngồi quây bên mâm cơm, nhâm nhi chén rượu và lai rai vài miếng thịt trâu thật là một trải nghiệm thú vị.

 

 

Ảnh : Sưu tầm

 Mọoc vịt: Vịt bầu Lục Yên có tiếng là giống vịt ngon, thịt chắc… cách chế biến vịt thông thường là các món vịt nướng, hấp, quay. Đến Lục Yên lại có món Mọoc – một món ăn khá đặc biệt, với những sự kết hợp tài tình của những sản vật sẵn có tại địa phương đã tạo nên một món ăn hấp dẫn, món ăn này không chỉ có mặt trong các bữa ăn thường ngày mà đặc biệt không thể thiếu được trong các ngày lễ tết của người Tày.

 

 

Ảnh: Sưu tầm

 Măng rừng: Là một tỉnh miền núi – măng rừng là món ăn dân dã, gần gũi. Khi những cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới cho cây cối, ruộng đồng (thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch). Cũng là lúc rừng măng như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Không phải nơi nào măng cũng ngon, có lẽ Yên Bái là mảnh đất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây măng. Đến Yên Bái vào mùa măng không thể bỏ lỡ những món ngon từ măng: măng đắng luộc chấm mẻ, măng giang chua nấu cá, măng xào thìa là, măng sặt om, măng nướng… giờ đây măng rừng Yên Bái còn theo chân du khách về miền xuôi để làm quà cho bạn bè và người thân.

 

 

Măng Sặt ( Ảnh : Sưu tầm )

 Cốm Tú Lệ: Đặt chân đến Tú Lệ vào ngày mùa, cả thung lũng ngập tràn hương thơm của lúa, của đất. Cốm nơi đây chọn nhặt từ lúa nếp không non quá mà cũng không già quá, qua quá trình gặt, tuốt, sàng sẩy, giã… cho ra từng hạt cốm nõn nà, trăm hạt như một. Cốm Tú Lệ đã được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân dần có được một thương hiệu không thể thiếu của quê hương Yên Bái.

 

 

Ảnh : Sưu tầm

 Rêu đá nướng: Là món đặc sắc nhất, rêu đá được người Thái không chỉ ở Nghĩa Lộ mà ở khắp vùng Tây Bắc chế biến thành những món ăn thơm ngon, đây là món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với nhiều người. Rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu. Món rêu ngon nhất là rêu trộn với các loại gia vị rồi đem nướng. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa, cũng không hơ khói. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao.

 

 

Ảnh: Sưu tầm

 Rượu thóc La Pán Tẩn: Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn - Mù Cang Chải có từ lâu đời. Những hạt thóc vàng kết tinh sự cần mẫn và sáng tạo của người Mông chính là nguyên liệu quý để làm ra rượu thóc. Men để làm ra sản phẩm rượu thóc phải là men lá. Men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dược của núi rừng như : hạt thảo quả, rễ cây ớt rừng, củ riềng…. Những loại này khi ủ thành men sẽ tạo thành những vị thuốc quý như : phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, không gây đau đầu. Còn gì thú vị hơn nếu một lần được đến với non cao La Pán Tẩn quanh năm mây phủ, được ngồi bên bếp lửa hồng của người Mông và nhâm nhi thứ rượu đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được phần nào nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông.

Ảnh: Sưu tầm

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/