Độc đáo Lễ hội cầu mùa của đồng bào Khơ Mú
Ngày xuất bản: 14/02/2018 2:08:00 CH
Lượt đọc: 82510

 Lễ hội có tính chất tâm linh lớn nhất trong năm của đồng bào Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn là lễ hội Cầu Mùa, thể hiện sự biết ơn tổ tiên xa xưa đã tìm ra hạt thóc, cây màu để nuôi sống con người và cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội gồm 5 phần: lễ cúng ma nhà, tổ tiên - rượu cần; lễ tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ; lễ cầu mưa; lễ trọc lỗ tra hạt. Không những vậy, trong lễ hội còn được tổ chức nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia như: ném còn, nhảy chữ thập, trèo cây không chạm bụng, múa ngửa người chui dây, đi cà kheo…

Điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển của những diễn viên không chuyên trong lễ hội Cầu Mùa

 

Lễ hội Cầu Mùa của đồng bào Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn thường được tổ chức trong những ngày đầu xuân năm mới. Cùng với ý nghĩa tâm linh, ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ trong một năm mới, lễ hội còn có nhiều nghi lễ được sân khấu hóa thành những khúc nhạc, điệu múa làm say đắm lòng người.

Trong lễ hội, không thể thiếu những loài cây, loài hoa của núi rừng thể hiện mong muốn của người Khơ Mú về mùa màng tốt tươi, năm mới mưa thuận gió hòa. Cây trong lễ cũng phải được lấy ở rừng về thì mới khỏe mạnh, có hồn thiêng của đất trời bảo vệ, khi mang về làm lễ thì cây trồng trong năm mới cũng sẽ được như cây trên rừng vậy. Đó là mong muốn bông lúa cũng to, mập như bông lau; lá cây lúa cũng xanh óng, mượt mà như lá cây chè vè; cây dương xỉ cho thời tiết mát mẻ, mưa ẩm thuận lợi cho cây lúa trổ bông… Nghệ nhân Vì Văn Sang cho biết: “Đặc biệt là trong lễ cầu mưa, không thể thiếu cây hoa chuối đỏ, bởi màu đỏ của hoa chuối đại diện cho mao của con thuồng luồng sẽ phun nước, mang lại nguồn nước dồi dào cho mùa màng tốt tươi. Ngoài ra còn có thần sấm, thần nước, thần rồng đều do những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đảm nhiệm”.

Một nét đặc sắc không thể không nhắc đến trong lễ hội Cầu Mùa và trong văn hóa tâm linh của đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn đó chính là tục thờ những dụng cụ lao động sản xuất như cuốc, xẻng, dao… và những con vật luôn gắn bó với nghề nông như trâu, bò. Trong lễ hội, những vật dụng đều được trang trí đẹp đẽ và đặt ở nơi trang trọng; con trâu, con bò cũng được tắm rửa sạch sẽ và cài lên sừng những bông hoa rừng đẹp nhất như một phần thưởng cho một năm lao động vất vả, động viên nhau cùng cố gắng lao động, cày cấy cho năm sau thóc lúa đầy bồ, của cải đầy nhà.  

Thầy mo ban nước cho các cô gái rửa tay trước Lễ gieo hạt

 

Người Khơ Mú từ thủa sơ khai đã rất yêu thích ca múa, để quên đi mệt nhọc trong quá trình lao động sản xuất hằng ngày mà đã được bà con phát triển thành các bài hát, điệu múa. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua điệu dân vũ chọc lỗ, tra hạt, diễn tả lại công việc gieo hạt, trồng cây. Tuy chỉ là một công việc đơn điệu nhưng đã được xây dựng thành một bài múa nhịp nhàng, uyển chuyển với sự phối hợp của cặp diễn viên nam và nữ. Nhạc cụ để biểu diễn cũng được cách điệu từ chính dụng cụ lao động sản xuất hàng ngày nhưng lại được sử dụng hết sức nhẹ nhàng, mang đậm tính nghệ thuật.

Với những nét đặc sắc, đầy ý nghĩa như thế, nên dù chỉ mang đến những trích đoạn của Lễ hội Cầu mùa mà đoàn nghệ thuật của xã Nghĩa Sơn đã vinh dự đại diện cho tỉnh Yên Bái tham gia Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2013 tại Hòa Bình. Ngay trong lần đầu tham gia, đoàn đã vượt qua rất nhiều những tiết mục của các tỉnh bạn xuất sắc giành giải A. Đoàn nghệ thuật của xã Nghĩa Sơn vinh dự được Viện Dân tộc học mời về thủ đô Hà Nội biểu diễn phục vụ khách du lịch đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Với trích đoạn "Múa thuồng luồng" và biểu diễn các trò chơi dân gian, đoàn đã nhận 2 giấy khen dành cho 2 tiết mục xuất sắc. Đặc biệt vừa qua, với trích đoạn “Đón mẹ lúa”, được biểu diễn tại Lễ hội đền Đông Cuông của huyện Văn Yên, đoàn nghệ thuật của xã Nghĩa Sơn tiếp tục giành giải A chung cuộc. Những kết quả đó không chỉ ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của những nghệ nhân, diễn viên mà còn cho thấy sự đầu tư đúng đắn của địa phương trong quảng bá, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Khơ Mú.

Lễ hội Cầu Mùa là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc Khơ Mú ở Văn Chấn, lễ hội sẽ được chức trong 2 ngày mừng 8 và mùng 9 tháng Giêng âm lịch tức ngày 23 – 24/2/2018. Đây là hoạt động văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Ở đó mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng, tâm linh, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội rất cần được quan tâm, đặc biệt là những người yêu văn hóa các dân tộc và các nhà tài trợ để lễ hội được duy trì cho các thế hệ mai sau.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, ông Lường Văn Si chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Lễ hội cầu mùa: “Để lễ hội diễn ra đúng với nghi thức và truyền thống, xã đã chuẩn bị chu đáo với sự góp mặt của trên 50 nghệ nhân, diễn viên với mong muốn mang đến cho du khách một lễ hội Cầu Mùa đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời quảng bá hình ảnh của con người Khơ Mú, mảnh đất Nghĩa Sơn nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung đến du khách bốn phương. Hiện nay mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai hội”./.

Nguồn : yenbai.gov.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/