Đôi nét về tập quán ăn uống của người Tày Lục Yên
Ngày xuất bản: 12/10/2018 2:09:00 CH
Lượt đọc: 84194

Người Tày ở Yên Bái sinh sống trên cả 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh, tập trung đông ở các huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên. Riêng người Tày ở Lục Yên cư trú lâu đời hơn các huyện còn lại, văn hóa cũng có một số nét riêng biệt, độc đáo. Về tập quán ăn uống, người Tày Lục Yên mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp miền núi. Tập quán ăn uống ở đây có thể hiểu là những thói quen trong các hoạt động liên quan đến ăn uống, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài và khó thay đổi. Tập quán ăn uống không chỉ là hoạt động sinh học duy trì sự sống mà còn là văn hóa. Qua tập quán ăn uống hoặc các món ăn của người Tày Lục Yên chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tâm lý tộc người, cung cách ứng xử của con người với thiên nhiên, con người với con người, cũng có thể biết được nhận thức văn hóa, đạo đức, gia phong hay địa vị của mỗi người trong xã hội.

Món thịt mắm cơm đỏ của người Tày Lục Yên

Người Tày Lục Yên chủ yếu sống ở nhà sàn, trong bữa ăn thường ngày, mâm cơm được đặt ở giữa nhà, hoặc để ở khu vực tiếp khách, cạnh cửa sổ chính. Khi ngồi vào mâm, người Tày Lục Yên ngồi theo thứ tự ông, bà, cha, mẹ, con cái từ trên xuống dưới, tính từ phía cửa sổ chính phía trên. Nồi cơm đặt ở vị trí cuối cùng. Khi nhà có cỗ lớn thì vị trí trung tâm là bàn thờ. Phía dưới bàn thờ là mâm trưởng họ rồi mới đến các mâm đàn ông, thanh niên, phụ nữ, trẻ em. Trước đây người Tày Lục Yên dùng mâm gỗ, xới cơm bằng đảm (đôi đũa cả làm bằng tre), nay đã đổi khác. Người ngồi cạnh nồi cơm, thường là người nội trợ (mẹ hoặc con gái) làm nhiệm vụ xới cơm cho cả nhà. Những quy tắc trên không bắt buộc mà các thành viên trong gia đình tự ý thức thực hiện. Nói về cách ứng xử trong ăn uống, tục ngữ người Tày có câu: “Cần ké kin khẩu khao, lục slao kin khẩu xáo, lục báo kin khẩu pay” (Người già ăn cơm trắng, con gái ăn cơm giã dối, con trai ăn cơm xay), ưu tiên thức ăn, đồ uống cho người già, trẻ nhỏ, người ốm đau hay phụ nữ mang thai, thể hiện đạo lý nhân văn. Khi ăn cơm mọi người ngồi khoanh chân, người già có thể một chân khoanh, một chân xổm, phụ nữ có thể ngồi hai chân xếp chéo sang một bên. Đôi đũa cả trong nồi phải để quay ra phía sau. Khi ngồi ăn không được gõ đũa, gõ mâm. Nếu đang ăn mà bị nấc thì lấy đũa vuốt dọc sống lưng 7 lần đối với nam, 9 lần đối với nữ. Người Tày Lục Yên có ý thức chờ đợi, họ chỉ ăn cơm khi đã có đủ người, thể hiện tính cộng đồng, cộng cảm rõ nét. Đặc biệt người Tày Lục Yên rất mến khách, cả khi gia chủ còn khó khăn, thiếu thốn. Khách đến nhà, chủ nhà luôn vồn vã, mời mọc, khách nhận lời thì đó là điều tốt đẹp, may mắn. Người Tày Lục Yên có câu: “Ám khéc, pét ám chủ rườn” (Một miếng khách, tám miếng chủ nhà) để nói rằng gia đình ăn là chính, còn khách ăn chẳng bao nhiêu.

Món Mọoc của người Tày Lục Yên

Trong các dịp tết nhất, lễ hội, người Tày Lục Yên ăn uống có khác hơn so với ngày thường. Ví dụ như ăn uống trong đám cưới, gia chủ sẽ cử ra một người trưởng bếp, có trách nhiệm cắt cử từng thành viên đi lấy lợn, mổ lợn, mổ bò, chế biến, nhặt rau, xào nấu. Nhà trai, nhà gái ăn uống chiếm phần lớn thời gian trong ngày cưới nên người Tày ở đây thường gọi đi ăn cưới là “pây kin lảu” (đi uống rượu). Người Tày ở Lục Yên không làm sinh nhật, mà chỉ tổ chức làm lễ “Oóc bươn” (Đầy tháng) cho trẻ con và lễ mừng thọ cho người cao tuổi. Lễ “Oóc bươn” được tổ chức khi trẻ tròn một tháng tuổi. Trong lễ này gia đình thường gói bánh “coóc mò” (sừng bò), bánh chỉ chừng một nắm gạo, không có nhân, luộc chín, được coi là bánh của trẻ con. Xong lễ, bánh được chia cho tất cả mọi người với mục đích tạ lễ, cảm ơn. Lễ mừng thọ thường được tổ chức vào các tuổi: 49 (thọ), 61 (khang), 73 (ninh), bằng hình thức “hắt pựt” hoặc các lễ cúng trường thọ khác. Đến dự lễ mừng thọ, mọi người đem theo lễ vật gồm gạo, rượu, vải. Làm lễ xong, mọi người cùng ăn uống đầm ấm, vui vẻ. Trong tang lễ, người Tày Lục Yên cũng như người Tày nói chung quan niệm, chết không phải là hết mà chỉ là sự trở về với tổ tiên. Sau khi chết con người biến thành “phi” (ma).“Phi” vẫn có nhu cầu ăn uống, vì vậy, trong những ngày tang lễ, con cháu phải cúng cơm cho người chết bằng các loại thức ăn như khi họ còn sống. Trong những ngày cử hành tang lễ, gia chủ kiêng ăn bún, lòng gà, lòng lợn, bầu, bí. Ăn uống trong các ngày tết được xem là phong phú nhất bởi người Tày Lục Yên ăn 5 cái tết trong một năm là: Tết “Kin chiêng” (Nguyên đán), “So slam bươn slam” (Mồng ba tháng ba), “So hả bươn hả” (Mồng năm tháng năm), “Síp xí” (Rằm tháng bảy). Ở tết Nguyên đán, công việc chuẩn bị được tiến hành từ giữa năm bằng việc nuôi sẵn lợn, gà. Đến tết Nguyên đán, người Tày Lục Yên thường làm các món: Lạp xường, thịt chua, thịt gà, chè lam, nựa tải, pẻng tải, khảu si, cao. Tết “So slam bươn slam” người Tày Lục Yên làm nhiều “pẻng lằng rày” (bánh trứng kiến). Tết “Síp xí” phải có món thịt vịt. Khi uống rượu người ta có thể uống cạch chén, uống chéo, uống đổi chén, uống thưởng, uống phạt. Qua các ngày lễ tết, có thể thấy rõ ý thức tâm linh và sự phong phú của tập quán ăn uống. Trong tập quán ăn uống của người Tày Lục Yên, đặc điểm nổi bật nhất là tính cộng đồng, được thể hiện bằng việc giúp nhau mổ lợn, làm cỗ, làm bánh; cùng đóng góp vật chất để tổ chức ăn uống khi gia đình hoặc làng bản có việc. Ăn uống biểu hiện tình cảm giữa con người với nhau. Trong đám cưới, ăn uống là sự hoan hỉ; trong đám tang là sự báo hiếu; trong lễ hội là sự chung vui; trong ngày tết là họp mặt tâm tình, tất cả đều là sự cố kết các mối quan hệ trong gia đình và trong xã hội.

Ngày nay, sống trong nền kinh tế thị trường, cùng sự giao thoa văn hóa và sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, tập quán ăn uống của người Tày Lục Yên cũng có đôi chút thay đổi, song vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Ở nhiều nơi giá trị ấy được phát huy tại các điểm du lịch văn hóa để phục vụ du khách, phát triển kinh tế địa phương. Tập quán ăn uống của người Tày Lục Yên được bảo tồn là thành tố tạo nên bản sắc riêng, góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa Việt Nam.

                                                                                                                        Nguồn : Quang Văn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/