Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch
Ngày xuất bản: 30/11/2018 3:30:00 CH
Lượt đọc: 77052

Nghĩa Lộ - Mường Lò là nơi những nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời của các dân tộc còn giữ được nguyên vẹn. Nơi đây khí hậu ôn hòa, nhiều thắng cảnh, cảnh quan môi trường thiên nhiên sạch đẹp.

Nét đẹp của các cô gái Thái trong hoạt động diễu diễn đường phố tại đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò.

Xác định rõ được thế mạnh này, thị xã đã tập trung khai thác và phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc với các hoạt động thăm quan, trải nghiệm không gian văn hóa đồng bào dân tộc Thái, Mường.

Đồng thời, kết hợp với du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh – tín ngưỡng. Thị xã đã bảo tồn và phát triển Xòe Thái trở thành nghệ thuật, biểu trưng riêng cho vùng đất Mường Lò – Nghĩa Lộ.

Năm 2013, thị xã đã lập kỷ lục "Vòng xòe cổ lớn nhất Việt Nam” với 2.013 nghệ nhân diễn viên tham gia. Năm 2015, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, hội Hạn khuống của người Thái được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, thị xã khuyến khích các xã, phường thường xuyên tổ chức các lễ hội đặc sắc, trong đó có Lễ hội rằm tháng Giêng, trọng tâm là hội Hạn khuống diễn ra vào tháng 1, tháng 2 dương lịch hàng năm; tết Xíp xí diễn ra vào tháng 8; Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò diễn ra vào tháng 9 – 10 hàng năm, thu hút hàng vạn lượt du khách.

Ngoài ra, thị xã cũng đang chú trọng phát triển du lịch thăm quan di tích, tâm linh với các danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa mang tầm khu vực và quốc gia, giàu truyền thống cách mạng cùng với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: Di tích lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã được xếp hạng, công trình văn hóa Nhà sàn Bác Hồ đã được công nhận là chi nhánh thuộc hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh; đền thờ danh nhân Cầm Hánh cũng đã được khởi công xây dựng…

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng

Du khách nước ngoài thích thú khi đến với khu du lịch cộng đồng ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi.

Năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại xã Nghĩa Lợi” và "Mô hình du lịch cộng đồng khu vực nông nghiệp - nông thôn xã Nghĩa An”.

Qua 5 năm triển khai, các mô hình đã đạt hiệu quả cao. Gia đình bà Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, là 1 trong 13 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng của xã Nghĩa Lợi. Bà Loan đã đầu tư gần 300 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà sàn đẹp đẽ, đúng bản sắc và mua sắm vật dụng, chăn, gối, đệm; tu sửa công trình vệ sinh và nhiều đồ dùng khác.

Hiện, bình quân mỗi tháng gia đình bà đón từ 15 - 20 đoàn khách. Năm 2018, đón trên 1.300 lượt khách, trừ mọi chi phí đem về thu nhập khoảng 100 triệu đồng, gấp hơn chục lần so với làm ruộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 nhân khẩu trong gia đình và việc làm theo thời điểm cho một số người dân trong bản.

Ở thôn Đêu 1, xã Nghĩa An, bà Hoàng Thị Phượng - người tiên phong làm du lịch cộng đồng cho biết, vừa làm, vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm, cùng với học tập, tham khảo cách làm trong và ngoài nước, qua 5 năm chỉ đạo và quản lý hoạt động khu du lịch làng nghề của xã, bà nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là được hòa mình vào với thiên nhiên, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương.

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có hơn 20 hộ làm du lịch cộng đồng với gần 500 chỗ nghỉ, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 13,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định bình quân từ 2,5 -7 triệu đồng/ tháng.

Đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối du lịch

Được sự quan tâm của tỉnh, Trung ương, hệ thống đường giao thông kết nối với các địa phương đang được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là nâng cấp quốc lộ 37, 32 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ. Mới đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại IC14 - Văn Yên dài khoảng 60 km.

Ngoài ra, thị xã đã liên kết các địa phương trong tỉnh thành các tuyến du lịch, như Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải liên kết xây dựng tua du lịch tham quan Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, đèo Khau Phạ...; Nghĩa Lộ - Văn Chấn tham quan chè Suối giàng - Cây di sản; Nghĩa Lộ - Văn Yên, tìm hiểu văn hóa người Dao, Lễ hội Quế, đền Đông Cuông.

Đồng thời, mở rộng liên kết các tỉnh khu vực Tây Bắc, xây dựng các tua tuyến du lịch gắn với các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Điện Biên Phủ...

Hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu di tích trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp, Hiện nay, toàn thị xã có 108 nhà hàng dịch vụ ăn uống, 27 khách sạn, nhà nghỉ với 314 phòng; 15 hộ du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả.  Năm 2018, thị xã đã đón và phục vụ 35.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 3.500 người, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017.

Quy hoạch phát triển du lịch thị xã Nghĩa Lộ đến năm 2035

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận đến năm 2035 được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 1998. Đồ án, khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Nghĩa Lộ hiện hữu và địa giới hành chính của 6 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Văn Chấn.

Mục tiêu của Đồ án là xây dựng và nâng cao khả năng phát triển không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ nhằm xây dựng thị xã trở thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trung tâm kinh tế, văn hóa phía Tây của tỉnh Yên Bái, làm cầu nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng núi phía Tây Bắc. xây dựng thị xã Nghĩa Lộ đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.

Nguyễn Nhật Thanh (Trung tâm TT và VH thị xã Nghĩa Lộ)

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/