Về Mù Cang Chải khi mùa nước đổ
Ngày xuất bản: 11/05/2017 9:38:00 SA
Lượt đọc: 91210

            Với địa hình đặc biệt và đặc thù của khí hậu, nên một năm, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chỉ gieo trồng một vụ lúa duy nhất, tháng 5- 6 là thời gian cày ải, gieo hạt, tháng 9-10 là vào vụ thu hoạch. Chính vì thế, mùa nước đổ và mùa lúa chín là khoảng thời điểm quan trọng của vụ mùa và đẹp nhất ở huyện vùng cao Tây Bắc này. Khác với mùa lúa chín rực rỡ, Mù Cang Chải vào mùa nước đổ có một vẻ đẹp thuần chất mà quyến rũ không kém khi sang thu.

ảnh sưu tầm

Do thiếu nguồn đất bằng để canh tác, đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải phải tận dụng vỡ từng mảnh ruộng nhỏ ở lưng chừng núi, thu phục thiên nhiên để sinh tồn nhưng vô tình lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn. Một năm, đồng bào nơi đây chỉ canh tác một vụ lúa chính vào dịp hè - thu. Không sở hữu vẻ đẹp màu mè, lộng lẫy như ở mùa thu, khi những thửa ruộng ngập tràn bởi sắc vàng của màu nắng và những bông lúa trĩu hạt; mùa nước đổ về, ruộng bậc thang nơi đây mang một vẻ hoang sơ, bình dị với gam màu trầm chủ đạo, đúng chất của một miền sơn cước vùng Tây Bắc.

Tháng 5 đến, vùng rẻo cao Mù Cang Chải hiện lên một vẻ đẹp khác biệt của mùa nước đổ, với màu nâu của đất hòa quyện cùng mây trắng, trời xanh và mặt nước nhấp nhánh, phán chiếu nhiều cung bậc của ánh sáng. Nếu ban ngày, những thửa ruộng bậc thang lung linh như dát vàng dưới ánh nắng mặt trời thì về đêm lại huyền bí dưới ánh bạc của mặt trăng, phủ trên từng lớp nước tạo thành những mảng sáng tối kỳ ảo, làm cho những thửa ruộng nơi đây trở nên xinh đẹp gấp bội phần.

Các thửa ruộng bậc thang trước khi cho nước vào phải được be bờ, đắp chặt, thành ruộng là một mối liên kết vững chắc tạo nên một “bức tường thành” giữ nước. Ở công đoạn này, nếu không đảm bảo kỹ thuật, thành ruộng có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, đồng thời sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống. Nước dẫn vào ruộng được đồng bào Mông nơi đây tận dụng từ những cơn mưa rào đầu tiên của mùa hạ, đó là lúc mưa nặng hạt nhất và cái nắng hè cũng chưa kịp chói chang. Để đảm bảo đủ nước, đồng bào còn đón thêm nguồn từ những khe suối, mạch nước theo ống luồng, ống bương dẫn vào ruộng để đổ ải. Nước sẽ đổ từ những thửa ruộng trên cao sau đó tràn xuống các ruộng dưới. Khi nước đã được đổ đầy trên các mảnh ruộng cũng là lúc đồng bào bắt đầu xuống đồng cày ải. Tinh thần đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng được thể hiện qua việc tập hợp nhiều nhóm người cùng chung sức làm từ ruộng nhà này sang nương nhà khác, tạo nên một vẻ đẹp nhân văn trong cảm xúc, được gọi tên “đất và người”.

Du khách đến với Mù Cang Chải vào dịp này sẽ thấy nơi đây ẩn chứa sự kỳ vĩ riêng biệt, lấp loáng phản chiếu vẻ đẹp bao la của đất trời, của tạo hóa và sức người khiến cho mảnh đất vùng cao trở nên đẹp khác lạ với bức tranh thủy mặc khổng lồ không nơi nào sánh được.

Từ đây, người dân bắt đầu bước vào vụ mùa mới trong năm, là: cày ải, gieo hạt, chăm sóc, bảo vệ… những thửa ruộng bậc thang thấm đậm biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí còn là nước mắt, là máu của đồng bào. Và rồi, những “nấc thang vàng” hứa hẹn sẽ đem về một mùa vụ bội thu, một cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho đồng bào khi mùa thu đến.

Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung không chỉ là một vựa lúa, một một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn trở thành một bản anh hùng ca về sức mạnh đoàn kết, là tinh thần dân tộc và sự sáng tạo độc đáo của những người con vùng cao trong quá trình cải tạo thiên nhiên, phục vụ cuộc sống sinh tồn và phát triển từ nhiều đời qua./.

                                                                                               Hồng Anh

TTQLDT&PTDLYB

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/