Xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích chùa Vĩnh Kiên
Ngày xuất bản: 18/02/2019 10:34:00 SA
Lượt đọc: 69888

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.

Chùa Vĩnh Kiên (hay còn gọi là chùa Đồng Do) được khởi dựng từ thời nhà Trần (thế kỷ XIV), tồn tại kéo dài tới thời nhà Lê (thế kỷ XVII), là sự kế thừa, tiếp thu và kết nối dòng chảy lịch sử, văn hóa truyền thống Việt. Chùa Vĩnh Kiên đã khẳng định dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự phát triển tôn giáo - tín ngưỡng Yên Bái nói chung và Phật giáo vùng sông Chảy nói riêng xuyên suốt một chiều dài lịch sử cực thịnh từ cuối thời nhà Lý qua thời nhà Trần sang nửa đầu thời nhà Lê, cho thấy sức lan tỏa và sự truyền tải mạnh mẽ của Phật giáo nơi vùng biên viễn - cương vực phía Bắc của quốc gia Đại Việt. Đồng thời xác định, vùng đất Vĩnh Kiên xưa đã xuất hiện và hình thành làng xã từ khá sớm; gắn liền với bước phát triển của vùng đất Vĩnh Kiên, góp phần tô đậm thêm vùng văn hóa sông Chảy – Yên Bái qua các thời kỳ lịch sử.

Trải qua thăng trầm, biến cố lịch sử, thời gian và sự phong hóa của thiên nhiên, chùa Vĩnh Kiên nay không còn, chỉ còn lại nền móng, những hiện vật khá đa dạng, từ đất nung, sành, gốm men đến đồ kim loại và không gian văn hóa; tuy nhiên, hình ảnh về ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Vĩnh Kiên vẫn nằm trong tâm khảm của mỗi người dân nơi đây.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa – khoa học như vậy, ngày 18/02/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quyết định số 244/QĐ-UBND, xếp hạng và cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích chùa Vĩnh Kiên. Theo đó, Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên Bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tích Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Kiên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đây là điều kiện cho các di tích có cơ sở pháp lý để phục hồi, trùng tu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ; gắn với phát triển du lịch ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.

 

Hồng Anh

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/