Độc đáo nghệ thuật hát "sắc bùa" của người Mường Xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 20/07/2017 9:21:00 SA
Lượt đọc: 74116

 Mùa xuân là lúc những cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận cùng nhau khoe sắc, phủ kín khắp bản làng, tạo nên một bức tranh phong cảnh lung linh, huyền ảo. Mùa xuân còn được coi là mùa của lễ hội. Trên khắp các nẻo đường vùng đất Quy Mông, huyện Trấn Yên lại vang lên những lời ca, tiếng hát, tiếng cồng, chiêng của đoàn sắc bùa trong niềm vui bản làng. Sắc bùa đã trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong những ngày đầu xuân đối với người dân tộc Mường nơi đây.

 

Phường bùa đi đến các nhà trong làng để hát chúc tết. Ảnh : sưu tầm

Hát “sắc bùa” hay còn gọi là "xéc bùa" (nghĩa là xách cồng) là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với một số nghi lễ trong nông nghiệp của người Mường, diễn ra vào dịp tết cổ truyền hàng năm. Bắt đầu từ mùng 01 tết kéo dài trong khoảng 1 tuần hoặc nửa tháng. Với ý nghĩa xua đuổi những xui xẻo của năm cũ, cầu mong một năm mới may mắn, gia đình làm ăn phát tài. Đội hát "Sắc bùa" thường là những người biết hát, biết đánh cồng, chiêng không giới hạn độ tuổi. Họ lập thành một đội gọi là "phường bùa", số lượng thường là 12 người trở lên. Đứng đầu phường bùa là ông cái, là người hát hay nhất và có tài đối đáp. Hát sắc bùa không thể thiếu các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, trống, kèn …. Ngoài việc sử dụng tạo ra âm thanh, cồng chiêng còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống của người Mường. Nó được coi như vật báu, tượng trưng cho sự giàu có, giúp xua đuổi tà ma, mang lại an lành cho mỗi gia đình, dòng họ . Đối với những hộ gia đình dù cuộc sống còn nghèo khổ nhưng họ vẫn cố giữ lấy trong nhà chiếc chiêng với mong ước một ngày nào đó gia đình họ sẽ có cuộc sống sung túc hơn.

Do người Mường kỵ máu và sát sinh trong ngày tết nên ngay từ ngày 30 tết các gia đình trong bản chuẩn bị trước 2 mâm cỗ. Một mâm dâng lên bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính của con cháu đến dòng họ. Cầu mong tổ tiên phù hộ một năm mới mạnh khỏe, an lành và xin tổ tiên cho ra làm lễ tại đình. Mâm lễ thứ 2 được đội ra đình. Tất cả các gia đình trong làng tập trung sửa soạn lễ vật và cùng dâng lễ. Cụ thủ từ thay mặt các gia đình trong bản tạ ơn thần linh đã ban cho dân bản một cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu và cầu mong thần linh trên trời phù hộ cho các gia đình sang năm mới mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau khi xong phần lễ tại đình lúc này phường bùa sẽ chuẩn bị đi chúc tết tại các gia đình người Mường trong bản. Trong trang phục đàn ông chít khăn màu, thắt hoa bên hai tai, quần áo có viền nẹp xanh, chân quấn xà cạp, tay cầm trống con. Phụ nữ chít khăn màu, áo dài đến nửa bắp vế, thêu chỉ xanh, đỏ, sặc sỡ. Thắt lưng màu hoa lý, trước ngực có yếm xây, mặc váy rộng hoặc quần dài trắng, cổ, tay đeo kiềng bằng bạc hoặc thau. Phường bùa xuất phát từ nhà để cồng chiêng. Trước khi xuất hành, thầy thường đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi, vừa đánh những bài khác nhau, tùy hứng như:

"Sắc bùa là sắc bùa ơi

Trông cho tết đến ăn xôi với chè

Sắc bùa là sắc bùa hòe

Trông cho tết đến ăn chè với xôi"

Tiếng cồng chiêng vang lên hòa quyện với tiếng hát mừng năm mới, khởi sắc trong giây phút đầu ngày hội. Không gian âm nhạc của các điệu cồng, chiêng cổ truyền chuyển động theo đường mòn trong làng. Lúc này bà con dân bản  nô nức đi theo phường bùa. Theo tục lệ của người Mường, phường bùa sẽ đi thăm nhiều nhà và hát những lời chúc tết. Khi phường bùa dừng lại ở trước ngõ của một gia đình và hát:

"Mở ngõ, mở ngõ

Trong nhà nghe rõ

Mở ngõ cho sắc bùa vào"

Chủ nhà mở cổng mời vào, phường bùa vừa đi, vừa đánh cồng chiêng và hát những bài hát chúc tụng, ca ngợi cảnh làm ăn thịnh vượng của gia chủ:

"Bước qua năm mới

Chúng tôi mừng tuổi ông bà

Năm mới, năm mới

Niềm vui phơi phới

Kính chúc ông bà

Khỏe mạnh đẹp lòng

An khang trường thọ

Làm ăn đắt đỏ

Con cháu hồng hào

Dồi dào hạnh phúc"

Theo trống lệnh của ông cái, nhạc kèn nhị nổi lên rộn ràng theo nhịp trống và sinh tiền. Đội sắc bùa lại hát tiếp những lời hát với ý nghĩa chúc con cái học giỏi, khỏe mạnh, chúc mùa màng bội thu. Sau khi hát xong cả đội Sắc bùa tiến vào cùng gia chủ sắp xếp lễ vật cúng tại miếu thổ thần. Đội sắc bùa  vào nhà và hát những lời hát chúc rượu chủ nhà và các vị bộ lão. Ông cái cầu khấn tổ tiên tại gia và xin phép tổ tiên cho dán lá bùa lên cột nhà trước bàn thờ. Sau đó đội Sắc bùa lại hát những câu hát mừng xuân và tiến ra sân vừa múa vừa hát:

"Sắc bùa là sắc bùa ta

Mời bà con cô bác ra xem sắc bùa"

Chương trình biểu diễn được sắp xếp thành một liên khúc hát múa tổng hợp..

"Sắc bùa là sắc bùa ta

Chúc sang năm mới mọi nhà bình yên

Chúc mừng gia chủ khương ninh

Xuân dương tấn trạch bùa linh  thay là

Sắc bùa là sắc bùa thương

Chúc cho gia chủ an khương lâu dài".

Xong buổi biểu diễn đoàn hát chào gia chủ và mọi người để đi đến nhà khác. Sau khi đi chúc tết các gia đình trong bản xong, đội Sắc bùa quay trở lại đình để làm lễ tạ và dự tiệc trưa cùng bà con dân bản.

Nghệ thuật Sắc bùa là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Mường nói chung cũng như Mường xã Quy Mông, huyện Trấn Yên nói riêng. Với ý nghĩa cầu bình yên cho dân bản, thể hiện tính đoàn kết của cộng đồng và mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Mong rằng lễ hội Sắc bùa sẽ được các cấp, các ngành quan tâm để lưu giữ và bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

 Hà An

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/