Lễ cúng rừng “Xên Đông”– Nghi thức độc đáo của người Thái Đen Mường Lò
Ngày xuất bản: 04/05/2017 9:23:00 SA
Lượt đọc: 67546

Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái, từ lâu đã được biết đến là vùng đất tổ của người Thái đen Việt Nam, cũng chính vì vậy mà các giá trị văn hóa truyền thống tộc người được bảo lưu khá tốt cho đến hiện nay. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc, là vùng đất bình an và rất nhiều những lễ hội truyền thống độc đáo được diễn ra hàng năm, điển hình như lễ Xên đông “cúng rừng” của người Thái.

ảnh sưu tầm

Cứ vào ngày 12 tháng giêng hàng năm, đồng bào Thái xã Hạnh Sơn cùng nhau sửa soạn lễ vật cho lễ Xên đông. Theo quan niệm của người Thái, gốc cây cổ thụ là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới nên lễ cúng Xên đông được tổ chức tại đây. Ban thờ được làm ngay dưới gốc cây, ngôi nhà thờ được dựng và trang trí chủ yếu bằng các vật liệu tranh, tre, nứa, lá và hoa giấy có màu xanh, đỏ... Đồng bào thường mổ trâu lấy đầu, đuôi, bốn chân, tiết, 1 ít thịt và nội tạng; gà, vịt, bánh trưng, bánh dầy… để làm 3 mâm lễ vật cúng tế thần linh.

Bắt đầu vào lễ cúng, thầy Mo ngồi trước ban thờ, ngồi phía sau là đại diện cho nhân dân trong xã cùng các cụ cao niên, nhân dân trong vùng. Thầy Mo cúng theo nghi lễ truyền thống, trong bài cúng, thầy Mo kính báo với Phi (ma rừng) về cuộc sống hiện tại, những điều đã làm được, chưa làm được do ma quỷ dữ làm hại con người nên cầu mong Phi phù hộ, che chở cuộc sống dân bản, trừ ác để dân có cuộc sống an lành. Thầy Mo sẽ lần lượt hỏi ý kiến các Phi về những việc cần làm và không nên làm, sau mỗi câu hỏi của thầy Mo nếu các Phi đồng ý thì hai đồng xu sẽ có một mặt sấp và một mặt ngửa, nếu các Phi không đồng ý thì hai đồng xu sẽ hai mặt giống nhau. Nếu các Phi cho rằng đó là điều sai phạm, không đồng ý sẽ rất tức giận, có khi hất tung cả đồng xu xuống dưới nền, các thầy Mo và đồng bào phải xin và hỏi nguyên do, đến khi nào các Phi đồng ý thể hiện trên hai mặt đồng xu thì các nghi lễ cúng tế mới được tiếp tục. Buổi cúng lễ Xên đông giống như một cuộc trao đổi, trò chuyện giữa thầy Mo và các thần linh cai quản rừng.

 Nghi thức cúng tế kết thúc thầy Mo và người dân cùng nâng chén rượu thụ lộc tại đây. Tất cả vàng hương được người giúp việc cho thầy Mo hóa trước ban thờ. Mâm cúng được đưa về nhà văn hóa cùng thụ lộc; gà, rượu, vịt thầy Mo mang về, mọi người cụng ly ăn uống vui vẻ, múa xòe, hát khắp mừng cho một năm mới.

Trước đây, sau khi cúng tế xong đồng bào treo Ta Leo ở đầu bản và cuối bản trong 3 ngày, nhằm mục đích thông báo cho những người làng khác kiêng không cho ai vào bản, đồng thời cấm dân bản lên rừng chặt cây, không được đặt chân lên rừng, kiêng sử dụng đồ dùng dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc từ rừng. Đồng bào quan niệm, thần rừng đã giúp con người cả năm phù hộ, che chở, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân, đây chính là dịp để cho các vị thần nghỉ ngơi và hưởng thụ những công ơn báo đáp của con người. Đây cũng là dịp đồng bào chúc mừng nhau những thành quả đã đạt được trong một năm qua, sau một năm miệt mài lao động vất vả, con người cũng cần được nghỉ ngơi, phải có dịp để cảm tạ các thần thánh thì cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Nhưng ngày nay tục lệ cắm Ta Leo ở đầu bản và cuối bản không còn nữa, mỗi khi tổ chức lễ Xên đông, tất cả người Thái từ già trẻ, trai gái ở các bản lân cận đều kéo nhau đến rất đông. Họ cho rằng, thần thánh ban lộc thì cùng nhau hưởng thụ, còn tục lệ không lên rừng chặt cây, lấy củi vẫn được giữ nguyên.

 Lễ Xên đông (cúng rừng) tuy có quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái. Đây là lễ cảm tạ thần rừng và những người đã có công khai phá, giúp đời sống nhân dân no đủ, hạnh phúc. Trong tâm thức của người Thái luôn sùng bái về các thần thánh cứu giúp con người, để có một cuộc sống bình an, làm ăn may mắn, có của ăn của để… Bởi vậy, đây là một nét văn hóa đặc sắc, có tính gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, nhắc nhau trách nhiệm và niềm vui sống trong cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ mai sau. Tục cúng rừng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ mội trường, ứng xử với thiên nhiên, trả lại cho môi trường những cánh rừng đại ngàn, là áo giáp chở che, điều tiết mưa thuận gió hòa tạo mùa màng bội thu cho con người.

 

 Lễ Xên Đông của cộng đồng người Thái còn là một luật tục có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, do vậy nó chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá Thái. Bởi thế, đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Làm đa dạng thêm các nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/