Lễ mừng cơm mới (Già-ì-xì-mờ-ra-né)– nét đẹp trong văn hóa của người Phù Lá Xá Phó
Ngày xuất bản: 02/07/2018 2:31:00 CH
Lượt đọc: 80295

Người Phù Lá ở Yên Bái là một trong 13 dân tộc bản địa cư trú lâu đời trên mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân gian truyền thống. Người Phù Lá có tên gọi khác là Xá Phó, ở nhà sàn loại nhỏ và cư trú chủ yếu ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Mặc dù có dân số ít nhưng đời sống tinh thần của họ lại khá phong phú và đa dạng, có rất nhiều nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng văn hóa Phù Lá trong đó phải kể đến nghi lễ mừng cơm mới là một nghi thức độc đáo tích hợp nhiều yếu tố bản địa.

Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào trung tuần tháng 8 tháng 9 âm lịch hàng năm, khi những hạt lúa cuối cùng đã chuyển hết sang màu vàng óng ả, đấy là lúc đồng bào chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới và làm lễ mừng cơm mới để cảm tạ trời đất, tổ tiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cơm mới được tổ chức trong ba ngày: Ngày thứ nhất là gặt lúa mới để chuẩn bị cho lễ cúng; Ngày thứ hai: lễ cúng cảm tạ trời đất, tổ tiên và ngày thứ ba là ngày kết thúc của lễ cúng.

Ngày thứ nhất, gia đình sẽ chọn ra một người đi gặt lúa từ rất sớm, người được chọn bao giờ cũng là người vợ của chủ nhà (người chuyên lo việc nội trợ trong gia đình). Trước khi gặt lúa người này phải dựng một sàn nhỏ trên nương, bày ba chén rượu, ba đôi đũa, một hòn đá, một quả trứng gà luộc, một nắm cơm và ba sợi chỉ trắng, rồi khấn thần lúa. Sau đó, dùng 3 sợi chỉ buộc vào ba cây lúa để không cho hồn lúa bay đi, rồi mới ngắt 6 khóm lúa ở cạnh đó. Việc cắt lúa được thực hiện từ tây sang đông. Người Phù Lá quan niệm rằng, khi gặt mà hướng về phía mặt trời mọc thì thóc lúa sẽ được nhiều.

Ngày thứ hai, là ngày chính lễ vì vậy cả hai vợ chồng chủ nhà cùng nhau ra nương gặt lúa. Theo phong tục, trong lúc gặt họ không được nói chuyện với nhau và mỗi người phải gặt đủ 15 bó lúa để cúng như ngày hôm trước. Sau khi đi gặt lúa về họ bắt tay vào chuẩn bị các lễ vật dùng để làm hai mâm cúng (một mâm cúng tổ tiên, một mâm cúng và một mâm cúng trời đất). Lễ cúng thường được diễn ra vào khoảng 7h – 8h tối.

Ngày thứ ba, là ngày kết thúc của lễ mừng cơm mới, việc gặt lúa vẫn được tiến hành trong im lặng, nhưng lần này tất cả mọi người trong gia đình đều cùng nhau đi gặt. Nhừng gì còn lại của lễ vật cúng cơm mới như: Trấu, cám, rơm… sẽ được đem đi cho gia súc gia cầm ăn.

Sau những nghi lễ bắt buộc, gia chủ sẽ chọn một ngày tốt rồi mới làm lễ ăn cơm mới chính thức. Lễ cúng gồm ba mâm cơm: mâm thờ mẹ (hoặc bà nội), gồm các loại thịt thú rừng sấy khô, hoa chuối đồ, củ gừng, củ khoai sọ và tám bát rượu to, nhỏ. Hai mâm thờ bố (hoặc ông nội) có các món tương tự, chỉ có điều đó là cơm cũ và không phải là tám bát rượu mà chỉ có một bát to và một bát nhỏ. Khi cúng, thầy mo cúng mâm bố trước, cúng mâm mẹ sau. Lúc này, bà chủ nhà hoặc người vợ của các người anh em chồng phải ngồi trước mâm cúng. Sau khi cúng xong, phụ nữ sẽ là những người được ăn cơm trước và ăn mâm có cơm mới. Bà chủ nhà sẽ gói một gói cơm mới và một bát rượu cho chồng, rồi đem thêm cơm mới cùng các thức ăn ngon trong mâm cúng mẹ chia cho các thành viên nam giới ngồi bên mâm cúng bố.

Lễ mừng cơm mới là một nghi lễ đặc sắc và khá độc đáo của người Phù Lá Xá Phó. Nghi lễ thể hiện nhiều giá trị thẩm mỹ cao đẹp trong đời sống, giáo dục con người biết tôn trọng thiên nhiên. Ngày nay, người Phù Lá Xá Phó ở đây vẫn thường xuyên tổ chức lễ mừng cơm mới, duy trì truyền thống văn hoá tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên việc tổ chức lễ cúng cơm mới đã đơn giản hơn cả về thời gian và quy mô tổ chức.

                                        

Video : nguồn Bộ Thông tin và Truyền thông. Trung tâm báo trí và hợp tác truyền thông quốc tế

 Đỗ Vân

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/