Du lịch Việt Nam kỳ vọng bứt phá trong năm 2023
Ngày xuất bản: 11/01/2023 3:34:00 CH
Lượt đọc: 21847

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023. Trong Hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo, thay đổi tư duy tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới để phát triển du lịch.

Dấu hiệu khởi sắc đầu năm

Ngay trong những ngày đầu năm 2023, du lịch quốc tế đã có những dấu hiệu khởi sắc đáng khích lệ. Thông tin từ các địa phương cho thấy khách quốc tế quay lại khá ấn tượng. Tại Đà Nẵng, trong dịp Tết Dương lịch 2023 (30/12/2022-2/1/2023) đã đón 159 chuyến bay quốc tế với tổng số khoảng 21.000 lượt khách. Cũng trong dịp này, số lượt khách quốc tế Thừa Thiên Huế đón 9.500 lượt, Quảng Ninh đón trên 12.000 lượt, Quảng Nam đón và phục vụ 89.000 lượt; TP. Hồ Chí Minh phục vụ 35.000 lượt, Hà Nội phục vụ 38.000 lượt, Khánh Hoà phục vụ 6.950 lượt, Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ 5.815 lượt. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Dương lịch 2023 chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nga, Đức, Tây Ban Nha; một số ít đến từ các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu...

Thị thực là vấn đề cốt yếu, tuy nhiên cũng cần nhiều giải pháp đồng bộ khách để thu hút khách quốc tế (ảnh minh họa)

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (TCDL) cho thấy, một số địa phương trọng điểm du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Quảng Bình... đã chủ động phối hợp cùng các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành để tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế. Vietnam Airlines, Vietjet Air đã phối hợp cùng một số địa phương tổ chức sự kiện chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên của năm 2023; tổ chức các hoạt động chào mừng tại sảnh sân bay, ga tàu, thu hút khách quốc tế tham gia, tạo không khí hứng thú và khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam “an toàn, thân thiện” tới du khách. TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Welcome to Hochiminh City 2023”; Sapa (Lào Cai) tổ chức “Chương trình chào đón đoàn khách đầu tiên đến tỉnh Lào Cai năm 2023”; Khánh Hoà tổ chức “Lễ đón chuyến bay từ Incheon, Hàn Quốc và chuyến bay từ thành phố Almaty, Kazakhstan “xông đất” đầu năm mới; Đà Nẵng đón 170 hành khách từ Seoul tới tham quan Đà Nẵng. Các hãng lữ hành đã tổ chức nhiều chương trình tour hấp dẫn, kết nối điểm đến, đồng thời triển khai quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế quay trở lại. Chỉ trong 3 ngày Tết Dương lịch (31/12-02/1/2023), Vietravel đã đón 200 khách quốc tế, Saigontourist đón 378 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 42 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng hàng loạt chương trình khuyến mãi, cùng chuỗi các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm để quảng bá điểm đến và liên kết để làm mới sản phẩm du lịch. Tại TP. Hồ Chí Minh, các công ty lữ hành đã xây dựng gói dịch vụ, chương trình khuyến mãi hấp dẫn liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí; mức giảm giá cao nhất ghi nhận là 55% và thấp nhất là 5%. TP. Hà Nội cũng đã tổ chức liên kết chuỗi các điểm đến gắn với bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc như: Vườn quốc gia Ba Vì; Thành cổ Sơn Tây - làng cổ Đường Lâm; chợ phiên tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng gốm Bát Tràng...

Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), TCDL; sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện của các địa phương, trung tâm du lịch; đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong dịp đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau 2 năm dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình.

Khách quốc tế tại khu vực hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội (ảnh Thu Trang)

Cần tháo gỡ nút thắt thị thực

Giám đốc Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, điều khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp lữ hành không phải là sản phẩm, các chương trình du lịch, các gói combo, các gói giảm giá, mà là các chính sách về thị thực. Nếu Việt Nam vẫn cứ áp dụng thị thực trong vòng 15 ngày thì sẽ rất khó khăn cho khách lưu trú dài ngày tại Việt Nam. Thông thường, khách du lịch châu Âu đến Việt Nam đều mong muốn được ở lại lâu hơn, từ 3-4 tuần. Việc gia hạn thị thực về mặt thủ tục cũng dễ dàng, tuy nhiên vẫn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch nếu gặp những ngày cuối tuần hoặc gặp những thời điểm đông khách hay những thủ tục cần nhiều thời gian hơn. “Khi các doanh nghiệp chào bán tour có liên quan đến thị thực thì đều có những hạn chế trong tương tác với khách hàng. Hy vọng rằng sau ngày 01/01/2023, Chính phủ cho áp dụng chính sách thị thực dài hạn hơn thì lượng khách đến du lịch Việt Nam và đặt tour cũng sẽ tăng dần hơn” - ông Vũ Văn Tuyên mong muốn.

Thị thực là vấn đề cốt yếu, tuy nhiên cũng cần nhiều giải pháp đồng bộ khách để thu hút khách quốc tế. Ông Hồ Đức Phú – Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường kết nối hàng không đến các thị trường mới, như Vietjet tiên phong mở và xúc tiến thị trường Ấn Độ, khách vào có dấu hiệu đông lên dần. Bên cạnh đó, cần phát triển các thị trường xa; việc chú trọng vào các thị trường trọng điểm là đương nhiên, tuy nhiên cũng không nên bỏ quên những thị trường khác. Ngoài các chính sách thị thực đã nói nhiều, nên chú trọng xúc tiến thông qua các road show Việt Nam tại các nước, hoặc nên mở thêm văn phòng đại điện của TCDL Việt Nam tại các nước. Trong nước, cần chú trọng công tác hạ tầng (đầu tư thêm nhiều nhà hàng phục vụ khách Ấn Độ, ăn chay, Hala food...); đảm bảo an ninh, đào tạo nhân lực chuyên biệt phục vụ cho các thị trường...

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, năm 2023, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, TCDL; sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý du lịch, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng khách đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. “Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mong chờ các gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt về tài chính tín dụng. Rất cần các nguồn lực xúc tiến mạnh mẽ vào các thị trường chính từ Bộ VHTTDL, TCDL, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Cần mở thêm nhiều đường bay quốc tế trực tiếp mới, cần thêm các dự án động lực tạo sản phẩm bứt phá cho điểm đến...” - ông Cao Trí Dũng kiến nghị.

Ông Lê Phước Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Việt Nam Xanh cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều điểm thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, để việc thu hút khách quốc tế đạt đưc hiệu quả cao, cần phải có những điểm mạnh riêng biệt. “Chúng ta phải xây dựng được thương hiệu du lịch quốc tế, quảng bá thương hiệu và các loại hình du lịch đến khách quốc tế. Ngoài ra, có thể mở rộng và khai thác thêm các điểm du lịch ẩm thực Việt, du lịch ẩm thực vùng miền... Điều quan trọng với khách quốc tế là đảm bảo an ninh, an toàn” - ông Lê Phước Huy chia sẻ.

(Tạp chí Du lịch)

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/