Giá trị văn hóa truyền thống từ nghệ thuật vẽ sáp ong
Ngày xuất bản: 31/12/2021 10:11:00 SA
Lượt đọc: 20929

Se lanh, dệt vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong là một trong những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Mù Cang Chải.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông nơi đây mà khó ở đâu có được. 

Để có được những nét vẽ sáp ong đẹp, bên cạnh kỹ thuật của người vẽ, dụng cụ quan trọng và đầu tiên phải có đó chính là bút vẽ. Những cây bút vẽ thiết kế chỉ bởi 2 lá đồng, một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, có một ô trống nhỏ ở giữa hai lá đồng để tạo thành nơi chứa sáp ong. Ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác, được nẹp vào thanh tre. 

Ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, hơn 20 năm qua, ông Lý Pàng Chua luôn được coi là người chế tác bút sáp ong nổi tiếng nhất. Ông Chua chia sẻ: "Bút vẽ có 3 loại: một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, càng mỏng manh vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Bút vẽ sáp ong có hình thù nhỏ gọn, thô sơ với đủ loại khác nhau được thiết kế với những họa tiết, hoa văn hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi...”. 

Không chỉ vậy, chiếc bút được thiết kế với các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, đinh, công, kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng…, bên trong là các hình ngôi sao, hoa bí, hoa tỏi, hoa mận, hoa đào, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá... Khi vẽ lên nền vải, người vẽ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, kết hợp điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên nền vải, đảm bảo đẹp và thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ Mông.

Cũng chính nhờ tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thông qua nét vẽ sáp ong, Khang Thị Bla - cô gái sinh năm 1998, dân tộc Mông ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha đã thể hiện, lồng tiếng toàn bộ tác phẩm của mình bằng tiếng Anh. Bla kể về quy trình vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống của đồng bào mình đầy sinh động và hấp dẫn khi tham gia Cuộc thi "Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc” do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức. Tác phẩm sau khi được đăng tải đã thu hút đông đảo lượng người truy cập, theo dõi, bình chọn, được Ban Tổ chức đánh giá cao và xuất sắc giành giải Nhất của Cuộc thi. 

Khang Thị Bla tâm sự: "Để làm được một bộ váy, người con gái Mông phải bỏ rất nhiều công sức. Mỗi bộ váy được làm ra là một minh chứng cho tính cần cù, chịu khó, khéo tay, hay làm của phụ nữ Mông. Ngay từ nhỏ, mỗi người đã phải học cách dệt vải, vẽ sáp ong. Không phải ai cũng vẽ đẹp ngay từ lúc làm mà phải kiên trì tự ghi nhớ trong đầu và phải tự thực hành, kiên trì rèn luyện tay nghề...”. 

Được biết, sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu nâu. Màu vàng là sáp non, màu nâu là lớp sáp già. Sắp ong phải được lấy hết mật, rồi đem nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy thành nước cốt. Người ta lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, trộn đều và đặt lên bếp. Nếu trộn hai thứ ngay từ đầu thì lên váy sẽ không được đẹp. Chảo để nấu sáp ong bao giờ cũng để nóng ở trên bếp; nếu không nóng như thế, sáp sẽ bị khô và không dính vào váy. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp để vẽ tiếp. 

Vẽ đến đâu quấn vải đến đấy để không bị bẩn. Vải được vẽ hoa văn xong thì bỏ vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng. 

Đối với những bộ trang phục vẽ sáp ong thì không nên phơi ở chỗ quá nắng, bởi sáp ong sẽ dễ bị tan; sau đó vải được luộc qua nước sôi một lần nữa. Sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan hết và để lộ ra những đường trắng trên vải, tạo thành những hoa văn trắng trên sắc nền chàm xanh. 

Sở dĩ người Mông dùng sáp ong để vẽ họa tiết, bởi khi công đoạn này đã hoàn thành, cả tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu chàm đen; còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được. Sau đó, người ta nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong trên vải sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục.

Bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc này không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông ở Mù Cang Chải - Yên Bái nói riêng, mà điều này còn giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/