Phải làm tốt du lịch nội địa để đón khách quốc tế an toàn
Ngày xuất bản: 03/11/2021 9:31:00 SA
Lượt đọc: 14455

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, việc mở cửa, phục hồi du lịch là cần thiết, nhưng trước mắt phải làm tốt du lịch nội địa, để từ đó đón khách quốc tế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy: Bảo đảm du lịch an toàn, làm từng bước chắc chắn để từ đó mở rộng nhiều thị trường quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTT&DL, từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Số người nước ngoài đến Việt Nam trong các tháng qua không nhiều và với mục đích công vụ.

Ước tính, khách du lịch nội địa tháng 9 vừa qua đạt 300.000 lượt. 9 tháng năm 2021 khách du lịch nội địa ước đạt 31,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng ước đạt 136.850 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020.

Làm từng bước chắc chắn để mở rộng nhiều thị trường quốc tế đến Việt Nam

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ VHTT&DL tổ chức sáng nay (28/10), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, thời điểm hiện nay, việc mở cửa, phục hồi du lịch là cần thiết: “Chúng ta dần dần mở cửa để từng bước khôi phục nền kinh tế, trong đó có du lịch. Tổng cục Du lịch đã làm việc với các bộ, ngành liên qua, các chuyên gia để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh với phương châm ‘an toàn tại điểm đến’, ‘khách du lịch an toàn’, ‘an toàn là trên hết’”.

Đề cập đến việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc, ông Phạm Văn Thủy cho biết, cho đến nay, Phú Quốc đã tiêm phủ hết 100% mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và đang tiếp tục tiêm mũi 2 cho toàn dân. Phú Quốc cũng lựa chọn các điểm đến an toàn trong địa phương mình trước, phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng các phương án dự phòng nếu xuất hiện ca dương tính với COVID-19...

Sau khi thí điểm tại Phú Quốc, ngành du lịch sẽ có lộ trình cho từng giai đoạn cụ thể, đánh giá để rút kinh nghiệm và mở rộng ra các địa phương tiếp theo như Hạ Long, Hội An… Lúc đó Tổng cục Du lịch sẽ có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, các cấp có thẩm quyền để mở rộng và bảo đảm du lịch an toàn, làm từng bước chắc chắn để từ đó mở rộng nhiều thị trường quốc tế đến Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, phải làm tốt du lịch nội địa, rồi mới đến đón khách quốc tế. Việc đón khách du lịch quốc tế đến với Phú Quốc không ảnh hưởng đến vấn đề khách nội địa. Với khách nội địa, cứ nơi nào bảo đảm vùng an toàn, khách du lịch an toàn thì từng bước mở cửa, phục hồi du lịch. Các địa phương muốn đón khách du lịch thì phải bảo đảm đúng các yêu cầu về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và của ngành du lịch.

Thị trường khách du lịch tiềm năng đến Việt Nam rất nhiều và đa dạng, trong đó có một số thị trường những năm gần đấy đến với Việt Nam và các tỉnh phía Nam nhiều hơn, đó là Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông… Bộ VHTT&DL đã có những buổi làm việc với các cơ quan ngoại giao để quảng bá, xúc tiến du lịch và thông tin đến khách quốc tế tại các thị trường này về điểm đến an toàn của Việt Nam.

Trước những băn khoăn về việc các địa phương có những quy định khác nhau gây khó khăn cho việc mở cửa du lịch, theo ông Phạm Văn Thủy, đúng là có sự vênh nhau tại các địa phương ở thời điểm ban đầu, nhưng hiện nay các địa phương có chung một quan điểm nhận dạng như thế nào là an toàn. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương bỏ đi những gì không cần thiết, để làm sao có điểm chung giữa các địa phương; phải làm tốt du lịch nội tỉnh, đến an toàn liên tỉnh, an toàn điểm đến, an toàn trong cung đường giữa các địa phương với nhau. Đó là quan điểm xuyên suốt.

Một số địa phương đã khôi phục lại du lịch nội tỉnh. Ảnh: Lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TPHCM khám phá huyện đảo Cần Giờ. Ảnh: baovanhoa.vn

Hỗ trợ kịp thời hướng dẫn viên, doanh nghiệp du lịch

Trong thời gian qua, các hướng dẫn viên du lịch, lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm và chuyển đổi công việc, địa bàn… nên khi mở cửa du lịch trở lại chắc chắn sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động. Tổng cục Du lịch đã kịp thời nắm bắt và dự báo về tình hình này để từ đó hướng dẫn các cơ quan chức năng, địa phương kịp thời hỗ trợ, bồi dưỡng, tìm kiếm các nguồn lao động.

Đối với một số lao động trong lĩnh vực du lịch không có việc làm trong cả thời gian dài, các doanh nghiệp du lịch cũng kiệt quệ và phải chuyển đổi ngành nghề, thì phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách, hướng dẫn song hành cùng với doanh nghiệp để phục hồi du lịch tại các địa phương, với phương châm bảo đảm an toàn điểm đến và cho khách du lịch.

Trong thời gian qua các doanh nghiệp đã luôn đồng hành với Tổng cục Du lịch hỗ trợ người lao động. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023.

Hiện nay, ngành du lịch đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực du lịch, trong đó tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng thời đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong lĩnh vực lưu trú.

Ngành cũng theo dõi, đôn đốc các địa phương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trên hệ thống, thực hiện việc theo dõi và cập nhật danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn làm nơi cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Song song với đó là xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài trong tình hình mới. Triển khai đề án tiếp nhận và phát triển website vietnam.travel và các mạng xã hội. Phối hợp, tham gia với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát.

Ngành cũng tăng cường công tác truyền thông về hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng số của Tổng cục Du lịch; xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; xây dựng và chuẩn bị ra mắt Tổng đài du lịch Việt Nam 1039 và ứng dụng VTV Travel; xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận số vaccine (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách quốc tế trở lại.

Nguồn : baochinhphu.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/