Đôi nét về lễ cưới của người Dao quần trắng
Ngày xuất bản: 17/02/2020 9:45:00 SA
Lượt đọc: 71860

Đồng bào Dao quần trắng ở Yên Bái chủ yếu cư trú tại huyện Yên Bình và Lục Yên. Cũng như nhiều ngành Dao khác, đồng bào Dao quần trắng bảo tồn khá bền vững các phong tục, tập quán truyền thống của mình. Bởi thế, nghi lễ kết hôn, trong đó, có nghi lễ rước dâu hiện vẫn cho thấy nhiều nét khá độc đáo so với các tộc người khác ở Yên Bái.

Cô dâu người Dao quần trắng trong ngày cưới. Ảnh: Thanh Chi

Để tiến tới hôn nhân, khi đôi trai gái yêu nhau, tìm hiểu chín muồi và bày tỏ nguyện vọng với gia đình được kết hôn thì gia đình nhà trai sẽ xin ngày, tháng, năm sinh của cô gái để nhờ thầy mo so tuổi hợp, xung định ngày xem mặt (chạm ngõ), ngày xin cưới, ngày cưới. Lễ vật trong đám cưới, nhà trai mang đến nhà gái những thứ như gạo, rượu, thịt lợn, gà, bánh kẹo, tiền mặt… cơ bản giống như các dân tộc khác.

Đến ngày rước dâu, nhà gái tổ chức ăn cỗ trước nhà trai và mọi lễ vật nhà trai phải mang đến nhà gái từ sáng sớm để kịp làm cỗ. Đồng thời, nhà trai ngày hôm đó cũng chọn giờ tốt để đến xin dâu. Khác hẳn với những dân tộc khác, đám rước dâu của nhà trai thường rất đông người, nhưng với người Dao quần trắng thì chỉ có 11 hoặc hơn một chút nhưng phải là số lẻ gồm ông trưởng đoàn, ông mờ, chú rể, hai phù rể cùng 6 chàng trai đi theo. Tất cả đều ăn mặc trang phục truyền thống gồm áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn vấn có chóp nhọn cao phía sau gáy.

Riêng ông trưởng đoàn có thắt thêm dải khăn màu đỏ thêu hoa văn rồng, phượng bên ngoài khăn vấn, hông đeo chiếc túi nhỏ thêu rất công phu. Lễ vật mang theo là một túm nhỏ gồm trầu cau, bánh keo, một chút tiền mặt buộc lẫn trong chùm giấy màu hồng cắt hình chim, cá, muông thú, hoa quả. Khi đoàn rước dâu đến gần cổng nhà gái, ông trưởng đoàn sẽ mang vàng mã ra đốt, với ý nghĩa tạ ơn thần linh thổ địa nơi nhà gái phù hộ và cho phép được vào khu vực nhà gái.

Đến chân cầu thang, các chàng trai đi cùng sẽ hát những câu hát chào hỏi, bày tỏ nội dung công việc được nhà trai giao phó những mong muốn của nhà trai với nhà gái. Khi được phép lên nhà, ông trưởng đoàn nhà trai trùm lên đầu chú rể chiếc áo dài màu vàng, rồi dắt lên cầu thang.

Trước khi bước vào lòng nhà, đoàn nhà trai được thầy mo nhà gái làm lễ trừ tà, tẩy uế bằng cách đọc thần chú và đặt một con dao, một ngọn đèn dầu, một bó giấy đỏ thay cho chậu củi lửa trước đây ở ngay phía trong cửa chính ngôi nhà. Sau đó, chú rể được dắt thẳng vào phòng cô dâu và cô dâu đã được đưa đi lánh tạm sang nhà khác.

Tiếp đó, đại diện nhà trai đến ngồi thưa chuyện với đại diện nhà gái ở vị trí ban thờ. Các chàng trai đi cùng cũng đứng ở gần đó hát những câu hát bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của đoàn nhà trai như thể để thưa trình với mọi người và cả tổ tiên nhà gái.

 Xong nghi lễ này, các vị đại diện nhà trai, nhà gái cùng ngồi ăn cỗ tại chỗ. Những chàng trai cùng đi, được mời một mâm ở vị trí trang trọng liền kề các vị đại diện. Riêng chú rể, hai phù rể thì ăn uống trong phòng ngủ của cô dâu.

Đến ngày hôm sau, cô dâu được về nhà trang điểm, thay trang phục để chuẩn bị cho lễ rước dâu. Trang phục cô dâu được thêu thùa rất công phu, quần màu đen, gấu thêu hoa, chân vấn xà cạp, đầu đội mũ cao với nhiều hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, cổ thắt dải vải thêu màu đỏ. Trang điểm xong, cô dâu cầm đôi qua vải che mặt bước lên cầu thang đi về phía phòng ngủ của mình. Có ý kiến lý giải rằng, việc che mặt còn là cách để tránh tà ma nhìn thấy vẻ đẹp của cô dâu mà bám theo làm hại.

Lúc này, chú rể và phù rể đã đi ra ngoài để chuẩn bị dự bữa tiệc với anh em họ hàng nhà gái. Lễ cúng giao dâu được diễn ra. Chú rể được gọi đến bên ban thờ, theo hướng dẫn của thầy mo nhà gái phủ phục bái lạy thực hiện nghi thức dâng rượu tổ tiên. Tiếp đến, chú rể đi về phía mâm có ông bà nội ngoại của cô dâu để bái lạy dâng rượu; sau cùng là dâng rượu ở những mâm có cha mẹ cô dâu ngồi ăn.

Trước khi đón dâu, vị đại diện nhà trai được mời đến trước ban thờ để thầy mo nhà gái trao cho cuộn giấy màu ghi chép họ tên cô dâu, ngày, tháng năm sinh để về làm nghi lễ nhập vào tổ tiên nhà trai. Trước khi cô dâu về bên nhà chồng, ông trưởng đoàn nhà trai đi đến phòng ngủ trùm đầu cô dâu chiếc áo dài màu vàng và cô dâu lại cầm đôi quạt che mặt bước ra, có hai phù dâu đi cùng, còn chú rể đã về nhà trước. Ông đại diện nhà trai dẫn đầu đoàn rước, tiếp đến là ông mờ.

Khi đến gần cửa chính, nhà gái đặt một cái nia có 4 bát cơm trắng đạy lá chuối đặt ở lòng nia. Ông trưởng đoàn ngồi xuống nếm mấy hạt cơm rồi xoay đít bát, xoay vòng cái nia tượng trưng cho việc được đón cả sự may mắn, sung túc của nhà gái. Các em của cô dâu đứng gần đó túm lấy áo của chị giữ lại thể hiện sự quyến luyến không muốn rời xa chị và nhà trai phải phát vốn cho các em rồi mới được đưa dâu.

Về đến nhà trai, cô dâu có khi phải chờ tới vài giờ mới đến giờ đẹp để được bước lên nhà chồng. Khi bước vào nhà, cô dâu, phù dâu và những người đại diện đoàn nhà gái cũng được thực hiện các nghi lễ xua đuổi tà ma, tẩy uế như bên nhà gái rồi cô dâu được dẫn thẳng đến phòng ngủ chú rể. Bữa cỗ của nhà trai lúc này cũng được diễn ra; đồng thời, thầy mo nhà trai thực hiện các nghi lễ với tổ tiên và nhập vía, tên tuổi cô dâu vào ma nhà, ma dòng họ bên chồng.

Đêm đầu tiên cô dâu và chú rể vẫn phải cách ly. Đến ngày hôm sau, vị trưởng đoàn, ông mờ nhà trai lại cùng dâu rể quay về nhà gái làm lễ lại mặt và ngày tiếp theo đi đến nhà ông đại diện nhà gái (ông mờ ngoại) để thực hiện nghi thức trả lễ trong vòng một ngày. Hoàn thành xong các nghi lễ trên, cô dâu trở lại nhà chồng để thu xếp đồ đạc quay về nhà vợ ở rể một năm và xưa kia là ở ba năm để làm lụng trả ơn bố mẹ cô dâu đã bao tháng năm vất vả sinh thành, dưỡng dục người vợ của mình.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/