Du lịch Việt hậu COVID-19: Hồi sinh và hứa hẹn bùng nổ
Ngày xuất bản: 05/05/2020 8:32:00 SA
Lượt đọc: 62884

Những ngày dịch bệnh COVID-19, chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt những thách thức lớn, khó khăn đến thế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình, du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi, bùng nổ mạnh mẽ với những chiến lược kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn nhằm tăng trưởng du khách trong và ngoài nước.

 

Du lịch nội địa được dự báo sẽ là thị trường phục hồi nhanh nhất của ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: Maika

Vực dậy du lịch nội địa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, lượng du khách đi du lịch Việt giảm sâu chưa từng có. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều tour tuyến bị huỷ, hàng không giảm giờ bay, khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí đóng cửa, cơ sở lưu trú ngừng đón khách… đã khiến những người hoạt động trong ngành công nghiệp không khói lao đao.

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - nhìn nhận, việc ngưng hoạt động cùng lúc nhiều khu kinh doanh vui chơi, với một doanh nghiệp là một tổn thất lớn. Nhưng hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đều cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện, bởi đặt sự an toàn của cộng đồng, du khách lên trước nhất.

“Mỗi hành động của doanh nghiệp hay người dân đều là để cùng với Chính phủ, cộng đồng sớm đẩy lùi dịch bệnh. Và khi chúng ta đồng lòng, mọi khó khăn sẽ qua nhanh” - ông Đặng Minh Trường nói.

Bên cạnh những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn tin tưởng, ngành Du lịch Việt Nam có lẽ là lĩnh vực sớm được phục hồi, đặc biệt du lịch nội địa - được “người trong cuộc” đánh giá - sẽ là thị trường đầu tiên vực dậy sau khủng hoảng.

Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế Giới (Neworld Travel) - bày tỏ quan điểm, một khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục là điểm đến an toàn, du lịch nội địa sẽ “lên ngôi”.

“Thị trường du lịch nội địa từ trước tới nay vẫn luôn là thị trường tiềm năng cho cả du khách trong nước và quốc tế, vì thế tập trung toàn lực phát triển du lịch nội địa là hướng đi đúng đắn lúc này. Còn riêng với thị trường du lịch nước ngoài, ít nhiều sẽ cần đến một thời gian tương đối để khôi phục dần” - ông Tùng lý giải thêm.

Còn ông Lưu Đức Kế - Phó Tổng Giám đốc Cty Du lịch Việt - lại chú trọng đến việc khai thác tuyến điểm mới, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường và nên chọn những nơi không có dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa. Ngoài ra, nỗ lực mở rộng hợp tác với một số thị trường mục tiêu (Mỹ, Nhật Bản, Australia…) để xây dựng chiến dịch tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam.

Sẽ sớm hồi sinh

“Cuộc chiến” với dịch bệnh tuy ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch nước ta, tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - lại có một góc nhìn khác. Ông đánh giá rằng, việc toàn ngành du lịch “đóng băng” sẽ là cơ hội để chúng ta dành thời gian nhìn lại mình, rà soát và hoàn thiện từ nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm du lịch mới hay đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ du khách được tốt hơn sau khi hết dịch.

Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh thêm, việc đào tạo và giữ nhân lực cần hết sức lưu ý bởi khi dịch qua đi, du lịch trở lại guồng quay và có sự phát triển đến mức nào thì một phần phụ thuộc vào nguồn nhân lực dồi dào.

Đa số doanh nghiệp lữ hành có chung quan điểm, việc làm cần triển khai ngay sau dịch bệnh là công tác quảng bá, tạo sản phẩm hấp dẫn và đa dạng, khuyến mãi kích cầu du lịch. Đây là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy nhu cầu du khách bù lại quãng thời gian bị “kìm kẹp”. Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị gói sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước như mở cửa khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen ở Quang Hanh, Cẩm Phả; khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa sẽ đưa show diễn “Vũ điệu trên mây” (từng được Kỷ lục Guinness trao chứng nhận “Show nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam”) trở lại phục vụ du khách, dự kiến vào tháng 7-8. Nhiều khách sạn, hãng hàng không cam kết sẽ không đứng ngoài cuộc khi thực hiện chương trình kích cầu giảm giá vé/phòng từ 30%-50%.

“Với các kế hoạch nói trên của doanh nghiệp, cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng tôi tin rằng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam hồi sinh và bùng nổ với nhiều kết quả đáng khích lệ thời kỳ hậu COVID-19” - ông Đặng Minh Trường lạc quan.

Nguồn : laodong.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/