Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2021) Ngành văn hóa- thể thao và du lịch Yên Bái: Vững bước trên con đường phát triển
Ngày xuất bản: 29/08/2021 10:13:00 SA
Lượt đọc: 10871

Tiền thân là Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành văn hóa Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong bối cảnh đất nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngành văn hóa Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Các thế hệ văn nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ ngành văn hóa đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, cùng với cả nước phục vụ kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thừa ủy quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Thanh Chi)

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Trong Tuyên cáo ngày 28/8/1945, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập. Từ đó, ngày 28/8 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành văn hóa. 

Sau nhiều lần đổi tên để phù hợp với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, ngày 13/7/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin. Tổ chức, bộ máy của Bộ qua các thời kỳ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn. Ngày 31/7/2007 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành, Bộ VH-TT&DL được thành lập trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao; tiếp nhận phần quản lý Nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. 

Công tác quản lý Nhà nước về VH-TT&DL cũng như việc gắn kết giữa các lĩnh vực trong ngành và giữa ngành với các ngành khác được tăng cường, đóng góp ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. 

Trải qua chặng đường 76 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, ngành văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Suốt chiều dài lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công tác văn hóa thông tin là vũ khí sắc bén, những cán bộ văn hóa là đội quân tinh nhuệ trên mặt trận văn hóa tư tưởng luôn đi sâu, bám sát cơ sở để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác thông tin, tuyên truyền giữ vị trí hàng đầu trong năm bước công tác cách mạng với phương châm "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.  

Ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa kháng chiến. Những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, nâng tuyên truyền thành nghệ thuật, tiếp sức, cổ vũ, khích lệ sức chiến đấu, sản xuất, động viên tinh thần lạc quan cách mạng, giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Đặc biệt, với những dấu ấn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom” và "Đọc sách có hướng dẫn” trong giai đoạn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại và chi viện miền Nam (1965-1975) đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. 

Từ sau hòa bình lập lại cho đến nay, công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu trên mọi mặt của đời sống xã hội, cùng với những diễn biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới mở ra thời cơ và vận hội lớn, song cũng xuất hiện những nguy cơ và thử thách không nhỏ đòi hỏi công tác văn hóa phải đổi mới mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI để văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó, làm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Với tiền thân là Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành văn hóa Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong bối cảnh đất nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngành văn hóa Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, sáng tác thơ ca, tuyên truyền cổ động, báo tin chiến thắng từ chiến trường, biểu dương những tấm gương anh hùng trong chiến đấu và gửi gắm những tình cảm của địa phương với tiền tuyến… 

Các thế hệ văn nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ ngành văn hóa đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, cùng với cả nước phục vụ kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. 

Năm 2008, Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái được thành lập. Qua 13 năm trưởng thành, ngành luôn vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo tiền đề phát triển vững chắc cho hoạt động văn hóa tỉnh Yên Bái. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành ngày càng được bổ sung về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, ngành VH-TT&DL Yên Bái đã không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh về cơ cấu tổ chức, chủ động xây dựng các chương trình hành động, đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, tạo bước tiến mới cho sự nghiệp văn hóa, nâng cao dân trí, xóa bỏ dần các hủ tục, tạo ra động lực ngày càng to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền được tổ chức sôi nổi với nội dung, hình thức phong phú, đổi mới thường xuyên, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước đã trở thành nhịp cầu giữa "ý Đảng” và "lòng dân”, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Phong trào văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ bạn bè, du khách. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ngày càng phát triển theo hướng kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh tới bạn bè trong và ngoài nước.

Hoạt động thư viện, bảo tàng, phát hành phim từng bước phát triển và nâng cao về chất lượng phục vụ nhân dân. Ngành VH-TT&DL đã quan tâm đổi mới, đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển vượt bậc các loại văn hóa nghe - nhìn với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Nhiều mô hình mới được tổ chức thực hiện như: thư viện lưu động, chiếu phim lưu động, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở. 

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" không ngừng phát triển sâu rộng, được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 80% hộ gia đình văn hóa, 66,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 86,1% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 71 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Lĩnh vực di sản văn hóa được quan tâm đổi mới hoạt động. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có 118 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 105 di tích cấp tỉnh); 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 4 di sản văn hóa được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ; Hạn Khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải). 

Sở đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Sở VH-TT&DL các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện đang tiếp tục phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội đồng Bảo vệ Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái chuẩn bị các điều kiện để tham dự và bảo vệ Hồ sơ tại Hội nghị của Ủy ban liên chính phủ UNESCO.

 

Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các hoạt động lễ hội, sự kiện du lịch góp phần giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Yên Bái, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương. Tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch tăng lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hàng năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng 19,6%. 

Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh, góp phần phát triển thể chất, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con người Yên Bái. Tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Thực hiện dự án lắp đặt thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh là 40,6% trên tổng số dân. 

Với những thành tựu đạt được, ngành VH-TT&DL Yên Bái được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất; nhiều năm liền được Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua và nhiều bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành. 

Tự hào với những thành tựu 76 năm xây dựng và trưởng thành, ngành VH-TT&DL Yên Bái sẽ nối tiếp truyền thống, vững bước đi lên trên con đường phát triển, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần đưa sự nghiệp VH-TT&DL của tỉnh phát triển bền vững, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, vì mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.

Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/