Nghề dệt vải sợi lanh, tạo hình hoa văn trên trang phục của người Mông xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải
Ngày xuất bản: 24/05/2021 9:27:00 SA
Lượt đọc: 19205

Nghề dệt vải sợi lanh, tạo hình hoa văn trên trang phục của người Mông hoa có từ lâu đời, tồn tại ở 9/13 xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải, trong đó có người Mông ở xã Dế Xu Phình, nơi có tới hơn 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những người phụ nữ Mông từ bao đời nay vẫn cần mẫn trồng lanh, dệt vải, tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm mang nét đặc trưng riêng có.

Cây lanh có một vai trò vô cùng quan trọng đối với người Mông, nó được xem như là một nguyên liệu hữu dụng để dệt vải, mà từ xa xưa đến nay vẫn được người Mông ưu chuộng. Ảnh : Nguồn internet

 

Hàng năm cứ đến tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch, tùy theo thời tiết từng năm, đồng bào dân tộc Mông nơi đây bắt đầu gieo trồng cây lanh hay còn gọi là cây gai đầu. Đến khoảng tháng 5 – 6 âm lịch,khi cây lanh phát triển cao 2 đến 3 mét, vỏ xanh đậm và bóng,  đồng bào tiến hành thu hoạch. Cây lanh được cắt về róc bỏ hết lá, phơi nắng ba đến bốn ngày và phơi sương hai đêm (ngày cất đêm phơi), cuối cùng phơi thêm một nắng là lanh có thể tước lấy sợi.

Người dân tước vỏ lanh thành từng sợi. Ảnh : nguồn internet

Quá trình tước và nối sợi lanh là công đoạn cần thời gian ít nhất khoảng 20 ngày. Một cây có thể tước được từ 8 - 12 sợi, sợi dài nhất có thể tới 1,6 mét. Vỏ lanh khi tước xong được bó thành từng bó đều nhau cho vào cối giã khoảng nửa tiếng cho mềm rồi nối lại. Nối lanh phải tuân thủ nguyên tắc nối ngọn với ngọn, gốc với gốc và các đoạn nối phải to đều, sợi bé thì bổ sung thêm sợi, sợi to thì tước bớt lanh đi. Người phụ nữ Mông tranh thủ chắp nối lanh vào bất cứ lúc nào khi đôi tay rảnh. Sau khi nối, sợi được đưa lên guồng xe một lần nữa để tránh bị đứt sợi,sau đó các sợi này được cuộn tròn mang đi ngâm nước trong thời gian 15 – 20 phút cho mềm.

Mỗi suốt sợi nhỏ được cuộn lại trên guồng thu thành các bó sợi lớn, sau đó được bà con đem đi tẩy trắng bằng cách ngâm với nước tro bếp, rồi luộc chín trong thời gian khoảng 30 – 60 cho bong hết vỏ xanh. Sau đóngười Mông rắc một lớp tro nguội lên tro bếp còn nóng, lấy một mảnh vải lanh trải lên trên đặt các cuộn sợi vào đó, dùng một tấm vải khác phủ lên sợi rồi rải thêm một lớp tro nữa ủ sợi trong 5 ngày rồi giặt sạch và mang lên guồng sợi phơi khô. Đồng bào đun sợi và giặt sợi đến 3 lần nhưng những lần sau chỉ cần ủ trong một đêm. Riêng luộc lần cuối đồng bào cho thêm sáp ong cho sợi trắng, mịn và dai chắc. Công đoạn tiếp theo là lăn miết các mối lanh để không bị lộ các mối nối, lăn xong đồng bào tiếp tục gỡ lanh và xếp sợi dọc thành các con chỉ, mỗi con chỉ gồm có 10 hoặc 12 sợi và mang đi dệt.

Se sợi từ vỏ cây lanh là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong quá trình dệt vải. Vì vậy hình ảnh dễ gặp trong đời sống người H’Mông là những người phụ nữ luôn tay tranh thủ nối sợi trước cửa nhà, trên đường lên rẫy, hay xuống chợ. 

Ảnh : Nguồn internet

Người Mông có hai kỹ thuật dệt gồm dệt vải và dệt dây. Dệt vải người ta phải giăng sợi cho đủ số sợi dọc của khổ vải, dệt theo nguyên tắc đan lóng gồm những sợi đan dọc theo chiều dài khung cửi đan với sợi ngang do các con thoi vận chuyển. Vải của người Mông hoa Yên Bái thường có khổ không cố định tùy theo kích cỡ của người sẽ được may và dệt vải khổ rộng hay hẹp, thường rộng khoảng 20 – 40 cm. Cứ 12 sợi được tính thành một chùm, để may áo cho trẻ em họ thường dệt khoảng 5 chùm, may áo cho người lớn dệt 10 – 12 chùm. Sau khi vải được dệt xong dùng tro bếp tẩy cho trắng và đem đi lăn cho bóng mịn, mềm.

Dệt dây dùng để dệt dây buộc xà cạp, đồng bào dùng các sợi cạnh nhau buộc thắt một đầu, buộc vào các ngón chân để sợi được căng ra sau đó dùng tay luồn sợi ngang qua sợi dọc đan thành dây.

Sau công đoạn dệt là đến công đoạn vẽ sáp ong, rồi nhuộm chàm. Để vẽ sáp ong cần công cụ và nguyên liệu gồm chảo đun sáp ong, sáp ong và bút vẽ. Sáp ong sau khi được nấu nóng chảy, người Mông nhúng bút vẽ vào sáp rồi vẽ các hoa văn lên trên vải trắng và đem đi nhuộm chàm nhiều lần cho chàm ăn vào vải, những chỗ vẽ sáp ong nước chàm sẽ không thấm vào. Khi vải lên mầu vừa ý mang đi phơi khô sau đó nhúng vào nước sôi, sáp ong tan ra để lại các hình hoa văn, họa tiết trắng trên mầu xanh lơ.

Họ đun nóng sáp rồi dùng bút nhúng sáp nóng chảy vẽ trực tiếp lên vải. Không giống như nhiều người lầm tưởng sáp ong tạo ra màu sắc mà thật do không ngấm nước sáp sẽ giữ được màu ban đầu của vải khi đem nhuộm.

Ảnh : nguồn internet

Phần hoa văn trên vải từ những nét vẽ sáp ong sẽ được mang đi thêu. Người Mông hoa dùng chỉ thêu sợi tơ tằm to vừa bền sợi, vừa bền mầu. Chỉ mầu đen được đồng bào nhuộm từ cây chàm, mầu vàng và mầu cam nhuộm bằng cây măng đằng, chỉ mầu đỏ được nhuộm bằng mầu cánh kiến hoặc một cây gọi là thuốc quả ớt. Đồng bào sử dụng nhiều kỹ thuật thêu hoa văn khác nhau như thêu chéo mũi, thêu lát, thêu xoắn mũi, thêu luồn sợi…Tùy từng bộ phận trên trang phục mà kỹ thuật thêu được sử dụng khác nhau. Sau đó bằng kỹ thuật ghép vải đồng bào tạo ra các mảng mầu và đường nét hoa văn khác nhau trang trí nền y phục. Các hình chủ yếu: hình vuông, tam giác cân, hình chữ nhật, hình thoi… thường gặp ở cổ áo, ống tay áo, nẹp hai bên của áo xẻ ngực của cả nam và nữ.

Thông thường một bộ trang phục phải mất từ 2 đến 3 tháng mới có thể hoàn thiện, với những bộ cầu kỳ để dành đi lễ, đi hội thì phải cần đến 5 tháng mới có thể làm xong. Từ khâu dệt vải lanh, nhuộm vải, cắt may, khâu, thêu họa tiết đều được làm thủ công, vì vậymỗi bộ trang phục được đồng bào rất trân trọng.

Từ những tấm vải lanh đượm mồ hôi công sức, những người phụ nữ Mông Hoa . Ảnh : nguồn internet

Nếu như trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông xã Dế Xu Phình nói riêng, huyện Mù Cang Chải nói chung chỉ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng thì hiện nay, với các sản phẩm như váy, áo, khăn quàng, túi…đã trở thành  hàng hóa, quà tặng cho người thân của những khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Mù Cang Chải. Nghề dệt vải sợi lanhkhông chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người Mông nơi đây./.

Bùi Kiểm

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/