Nghệ thuật Hát Đối (Cò lảu) trong đám cưới của người Nùng xã Phan Thanh, huyện Lục Yên
Ngày xuất bản: 17/08/2021 9:39:00 SA
Lượt đọc: 10709

Nghệ thuật Hát đối (Cò lảu) vốn đã gắn bó sâu sắc với đồng bào người Nùng từ lâu, nó không chỉ hiện hữu trong các diễn xướng, lễ hội mà còn gắn với nhiều hoạt động trong đời sống hàng ngày của cộng đồng. Đặc biệt, khi muốn tìm người yêu hay kết duyên thì nam thanh nữ tú đều dùng những ngôn từ có trong “Cò lảu” để kết giao tìm hiểu, chính vì vậy mà ai cũng phải học ngay từ khi còn rất nhỏ. Có thể nói, nghệ thuật hát đối là món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Nùng nơi đây. Vì vậy, trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Nùng không thể thiếu những làn điệu “Cò lảu” đong đầy yêu thương và đầy tính nhân văn.

Khác với các loại hình nghệ thuật trình diễn khác như: Hát Sli, hát Lượn, hát Sình Ca…được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, các dịp lễ hội thì hát đối (cò lảu) của người Nùng chỉ được cất lên trong không gian đám cưới. Vì vậy, hát “Cò lảu” vừa mang tính chất giải trí, vừa mang tính chất của một nghi lễ tín ngưỡng dân tộc. Tùy vào từng đề tài mà họ sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như: thể thơ tự do, tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn…

Không gian diễn xướng diễn ra ở ngay tại nhà của cô dâu chú rể, cuộc đối đáp này diễn ra rất sôi nổi và náo nhiệt dường như không có hồi kết.Mỗi khi có đám cưới, hai bên gia đình phải chuẩn bị từ trước đó 1 đến 2 tháng và phải chọn ra được người đại diện cho gia đình, người này phải có tài ăn nói, biết chữ, biết làm thơ và nhất là phải thuộc lòng một số bài hát đám cưới cổ truyền để trong cuộc hát còn đối giữa đại diện hai bên gia đình. Trong quá trình cử hành các nghi lễ, mọi hoạt động trao đổi đều thể hiện bằng lời ca như bày đồ sính lễ, giới thiệu của hồi môn, cảm ơn họ hàng làng xóm đến dự lễ cưới, chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc…những bài hát này rất phong phú, nội dung cơ bản là giống nhau nhưng việc sử dụng từ ngữ có phần khác nhau giữa những người trình bày. Với người Nùng ở Phan Thanh, Lục Yên thì ai đến dự đám cưới cũng đều háo hức, chờ mong được nghe hát đối đáp trong đám cưới của nhà trai và nhà gái. Mặc dù trong nhà có đám ồn ào, náo nhiệt đến mức nào đi nữa nhưng đến khi có tiếng hát mừng cất lên thì dù người đó là khách hay anh em họ hàng đến giúp cũng đều ngừng lại, im lặng để lắng nghe, không kể già hay trẻ, nam hay nữ. Cô dâu chú rể sẽ không tham gia vào quá trình hát đối đáp này.

Hát đối trong đám cưới của người Nùng được chia thành 17 mục và sắp xếp theo trật từ mục 01 cho đến mục 17, cụ thể như sau: Hát căng dây đón đường diễn ra ở cả nhà trai và nhà gái; Hát giữ cửa tại nhà gái khi đoàn nhà trai vượt qua được chặng chăng dây lên cầu thang nhà sàn; Hát trải chiếu diễn ra sau khi đoàn nhà trai được mời vào nhà gái; Hát mời ngồi là khi chiếu đã được trải gọn gàng và nhà gái có lời hát mời nhà trai ngồi thì lúc này đoàn nhà trai mới được ngồi lên chiếu; Hát mời nước chè, trầu cau để hai bên gia đình trò chuyện kết tình thông gia; Hát trình tổ tiên đại diện gia đình nhà trai dẫn chú rể ra trước bàn thờ tổ tiên kèm theo những lời hát để tổ tiên nhà gái nhận mặt con rể mới; Hát nộp gánh kế tiếp là bài hát trình nộp gánh trước tổ tiên; Hát dâng vải khi đứng trước bàn thờ tổ tiên con rể dâng lên mẹ vợ một tấm vải để tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành và nuôi dưỡng vợ của mình; Hát bái tổ tiên được chia làm 2 phần: thứ nhất là bái tổ tiên, ông bà (những người đã khuất), thứ hai là anh em họ hàng nhà gái (những người còn sống); Hát tạ ơn bố mẹ vợ để tạ ơn công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ vợ; Hát xin dâu là lúc kết thúc những nghi thức tạ ơn; Hát tạ ơn bố mẹ chồng; Hát mừng con dâu, con rể; Hát mừng chăn màn; Hát mừng phù dâu, phù rể; Hát mời ăn uống; Hát tạm biệt.Trong mỗi bài hát “Cò lảu” thường có một nhân vật trữ tình vừa cụ thể lại vừa mơ hồ. Nghĩa là, nhân vật trữ tình trong lời hát thường là các ông mối, bà đưa, cô đón, phù dâu, phù rể…nhưng tùy vào từng đám cưới mà nhân vật trữ tình này là những con người cụ thể được trân trọng điểm tên. Họ là những đối tượng cụ thể trong đám cưới nhưng lại không cụ thể trong từng lời ca tiếng hát.

Nghệ thuật “Cò lảu” có thể coi là di sản văn hóa có tính đại diện của cộng đồng người Nùng ở xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, thể hiện được những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện sự thân thiện, đoàn kết gắn bó trong cộng đồng tộc người. Với bản chất là nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, “Cò lảu” phản ánh sự đa dạng trong văn hóa cũng như sự sáng tạo của tộc người trong suốt quá trình hình thành, phát triển./.

Một số hình ảnh của nghệ thuật hát " Cò Lảu " trong đám cưới người Nùng ở xã Phan Thanh, huyện Lục Yên :

Đỗ Vân

 

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/