Sớm giải quyết vướng mắc trong đào tạo nhân lực du lịch
Ngày xuất bản: 13/04/2022 8:17:00 SA
Lượt đọc: 17192

 Ngay khi phát triển mạnh nhất, du lịch Việt Nam đã phải trăn trở với những vấn đề về nhân lực. Sau dịch Covid-19, bất cập càng nhiều hơn.

Trong Hội thảo "Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh hệ thống đào tạo, phục vụ nhu cầu mới. Nhưng có tìm hiểu thực tế mới thấy, chính trong hệ thống đào tạo cũng gặp khó khăn, cần sớm tháo gỡ. 

Nhân lực du lịch - đụng đâu cũng vướng

Nhân lực làm nên chất lượng dịch vụ du lịch. Thế nhưng đây luôn là điểm yếu của du lịch Việt Nam, kể cả trước khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Theo các chuyên gia, ngay từ năm 2019 và trước đó, nguồn nhân lực đã phát triển không có định hướng rõ ràng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, không tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp... Ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn bày tỏ: “Từ xưa đến nay, chỉ ở các khách sạn có một tỷ lệ nhất định nhân lực qua đào tạo, còn nhân lực ở hầu hết các nhà nghỉ, nhà nghỉ cộng đồng đều không qua đào tạo”.

Dịch Covid-19 khiến tình trạng càng thê thảm hơn và hiện nay chúng ta thiếu nhân lực trầm trọng. Cho rằng Việt Nam nằm trong số những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch, GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết: “Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2021, gần 60% lao động du lịch mất việc làm hoặc bị cắt giảm. Đáng tiếc nữa là theo một khảo sát độc lập tại TP Hồ Chí Minh, trong số lao động chuyển nghề thì có tới 43,66% lao động có thâm niên từ 5 đến 10 năm, 51,31% lao động có trình độ đại học, 90% lao động có trình độ trên đại học... đã chuyển sang nghề khác. Vừa rồi đi khảo sát, tôi hỏi quản lý buồng phòng mà có người còn không biết tính công suất buồng”.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao chứng chỉ sau sát hạch nghiệp vụ buồng, tháng 3-2022

Dưới góc độ người quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội, chủ đầu tư khách sạn De L'Opera Hà Nội nêu khó khăn: “Trước đại dịch, khách sạn có 168 lao động. Dù cố gắng duy trì các chính sách để giữ chân lao động, như: Bảo đảm mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, trợ cấp cho nhân viên, điều chỉnh từng bước tăng ngày công theo tình hình kinh doanh, nhưng do thu nhập bị giảm sút nhiều, nhiều lao động phải làm việc cầm chừng, nay khách sạn chỉ còn 103 người. Ngoài các vị trí bị bỏ trống thì khách ít, hoạt động cầm chừng nên kỹ năng nghề của lao động đang làm cũng giảm đi nhiều. Cạnh tranh tuyển dụng sau Covid-19 đang vô cùng khốc liệt. Nhiều lao động đã nghỉ, chúng tôi gọi đến còn dè dặt vì hiện nay khách chưa đông, chưa được làm đủ 100% thời gian nên thu nhập chưa như mong muốn. Một số đòi hỏi nếu quay lại phải điều chỉnh mức lương. Có lao động đã được tuyển dụng nhưng đến ngày đi làm lại đề nghị xem xét lại vì có nơi khác mời làm việc với chế độ đãi ngộ cao hơn”.

Thị trường nhân lực du lịch đang diễn ra tình trạng cạnh tranh khốc liệt, nhất là ở các vị trí trung, cao cấp. Chẳng hạn, cũng lĩnh vực 5 sao, Hà Nội có 12 khách sạn, doanh nghiệp nào cũng mới bắt đầu gượng dậy sau thời gian dài chống đỡ với Covid-19 đầy khó khăn, nếu không có sự trao đổi chặt chẽ, khả năng tranh giành lao động có tay nghề cao của các cơ sở này rất dễ diễn ra. 

Khắc phục những bất cập trong đào tạo nhân lực du lịch

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, không cách nào khác là chúng ta buộc phải đẩy mạnh, đẩy nhanh đào tạo nhân lực du lịch. Tuy nhiên, dưới góc độ đào tạo cũng gặp những khó khăn mới do dịch Covid-19. Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành đóng cửa, tuyển sinh tại các trường đào tạo ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Các trường lại phải thay đổi hình thức đào tạo sang online, học viên không có cơ hội thực tập, hành nghề... Chất lượng đào tạo cũng là vấn đề bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực du lịch hiện nay”.

Dưới góc độ của cơ sở đào tạo du lịch, các trường buộc phải tìm cách thích ứng. TS Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng: “Để tạo ra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, các cơ sở đào tạo cần bám sát cập nhật chủ trương, đường lối để linh hoạt thực hiện các giải pháp bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành”. TS Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, phát triển du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho rằng: “Nhiều vị trí không nhất thiết phải thực hành, thực tập trực tiếp. Ví dụ như thực hành, thực tập các kỹ năng chăm sóc khách hàng online, các kỹ năng bán hàng online, các hoạt động vận hành cơ sở lưu trú hay doanh nghiệp du lịch online... Do đó, việc thực hành, thực tập cần được linh hoạt theo các kỹ năng mới. Đây cũng là một cách thích ứng với điều kiện mới, góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành”.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Đính, hiện nay, chúng ta cần khẩn trương làm ngay cả hai phần việc. Thứ nhất, thu hút lao động có kinh nghiệm, có tay nghề trở lại làm việc bằng cách thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế... Thứ hai, đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường... giờ đây cũng rất quan trọng”.

Nguồn : qdnd.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/