Thống nhất tiêu chí để phục hồi các hoạt động du lịch an toàn, bền vững
Ngày xuất bản: 28/10/2021 9:10:00 SA
Lượt đọc: 10469

Sau khi Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kích cầu nhằm phục hồi ngành du lịch.

Khôi phục du lịch là yêu cầu cấp bách

Thời gian qua, với nỗ lực, quyết tâm chống dịch của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát tốt. Đến thời điểm này, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực đưa ra giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới, trong đó có ngành du lịch.

Phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch khẩn trương khôi phục hoạt động an toàn, chắc chắn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các phương án từng bước mở lại hoạt động du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm; cùng với đó, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch từng bước hoạt động trở lại.

Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa du lịch là điều nên làm ngay để nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không; cần có quy định chi tiết đối với du khách đi theo tour du lịch lữ hành (bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến…) khác với xe vận tải hành khách thông thường.

"Tất cả các hoạt động từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách giữa người với người", Phó Thủ tướng lưu ý.

Về hoạt động thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các hiệp hội du lịch khẩn trương làm việc với tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa; trao đổi với các bộ, ngành để có kiến nghị cụ thể về thời điểm, quy mô, quy trình thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý khi có ca mắc…; báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi gặp vướng mắc.

Lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16%.

Đứng trước khó khăn và thách thức lớn như vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch dự thảo thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc và đã được Thủ tướng phê duyệt. Du lịch nội địa đã được khôi phục bằng sự ráo riết của các cơ quan, ban ngành và những người làm du lịch...

Đón đầu việc "mở cửa bầu trời", lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn châu Âu nhằm rộng đường đón và phục vụ khách khi hoạt động du lịch quốc tế và trong nước được mở trở lại.

Chứng nhận này của ngành du lịch được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế…

Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để ngành du lịch tự tin có thể khôi phục lại trong thời điểm này.

Chính phủ đang tạo mọi điều kiện để ngành du lịch triển khai các hoạt động kích cầu, phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cũng cho biết, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng sẽ giúp quá trình đi lại dễ dàng hơn nhưng muốn thúc đẩy hoạt động du lịch lúc này công tác kết nối cần an toàn. Hiện tại, Hội Lữ hành Hà Nội tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố là những trung tâm du lịch lớn để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc đưa đón, phục vụ khách an toàn.

Điều các doanh nghiệp lữ hành quan tâm hiện nay là các tỉnh, thành phố cần làm rõ các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Đặc biệt, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí, điều kiện đón khách an toàn.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ đã tạo điều kiện để các địa phương mở cửa du lịch trở lại nhưng nhiều nơi dường như chưa thực sự nắm bắt tốt thời cơ, vì thế du lịch nội địa cũng vất vả, chật vật khi khôi phục. Dù rằng doanh thu của du lịch nội địa không quyết định đến toàn ngành nhưng sự khởi động sẽ tạo ra sự hứng khởi cho ngành du lịch nói chung và lan tỏa đến các ngành khác. Mặt khác, nếu du lịch nội địa khởi sắc, sôi động, khách quốc tế sẽ cảm nhận được là Việt Nam chúng ta đã là điểm du lịch an toàn và đáng đến sau khi dịch bệnh qua đi...

Do vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các địa phương xây dựng các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn "thích ứng an toàn với dịch COVID-19" của Bộ Y tế và chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn : suckhoedoisong.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/