Tục thờ cúng Bàn Vương của người Dao xã Nậm Lành huyện Văn Chấn
Ngày xuất bản: 13/08/2021 8:27:00 SA
Lượt đọc: 11498

Thờ cúng Bàn vương là một tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Dao nói chung. Ở bất cứ nhóm Dao nào, họ nào cũng đều chú trọng đến việc thờ cúng này. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Với người Dao đỏ ở xã Nậm Lành huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái vì thế cũng vẫn duy trì phong tục này trong trong đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Ảnh : nguồn internet

Bàn Hồ - Bàn Vương được tộc người Dao coi là thủy tổ của mình nên việc thờ cúng rất được chú trọng. Bàn Vương được đồng bào Dao coi là một loại ma nhà và được cúng bái chung với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Người Dao Đỏ ở xã Nậm Lành cúng Bàn Vương vào tất cả các dịp lễ tết trong năm như: tết, thanh minh, xíp xí, lễ cúng chay, lễ cấp sắc… Trước kia, có lễ cúng riêng cứ ba năm cúng một lần và cúng liền ba năm: năm thứ nhất gọi là làm lễ Lạc Khánh, năm thứ hai gọi Hoàn Nguyên, năm thứ ba làm lễ to gọi là Đại Lễ. Ngày nay, người Dao Đỏ ở đây chủ yếu cúng lễ Bàn Vương kết hợp với các lễ khác của gia đình và dòng họ được tổ chức trong năm.

Theo truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ, đặc biệt là trong “Quá sơn bảng văn” (Bình hoàng khoán điệp), Bàn Hồ là con long khuyển được Bình Vương gả con gái và phong là Bàn Vương sau khi có công lớn giết được Cao Vương. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 con trai, 6 con gái) đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ như các họ của người Dao ngày nay. Vì vậy, Bàn Hồ - Bàn Vương là thủy tổ, là vị thánh lớn nhất, được hầu hết các ngành Dao thờ cúng. Họ cho rằng việc thờ cúng này liên quan tới vận mệnh của mỗi con người, dòng họ và của cả một tộc người. Qua câu chuyện này có thể thấy, cộng đồng người Dao thừa nhận Bàn Vương là ông tổ của mình và gọi là “Piền hùng sỉnh tỉa” (Bàn hoàng thánh đế). Từ đó, người Dao thờ cúng Bàn Hồ rất tôn nghiêm.

Trước lễ cúng Bàn Vương, công tác chuẩn bị được đồng bào làm rất kỹ lưỡng, như nuôi 2 con lợn (gọi là lợn thần), một để cúng Bàn Vương, một để cúng tổ tiên và các vị thần;đồng thời nấu rượu, để vào hai chum riêng (một chum cúng Bàn Vương, một chum cúng tổ tiên và các vị thần). Trường hợp bị thiên tai mất mùa hoặc điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn thì đồng bào làm lễ cúng nhỏ khất với Bàn Vương, năm sau mùa màng bội thu sẽ làm lễ cúng chính thức.

Trong lễ cúng Bàn Vương, người Dao có một số kiêng kỵ: các thầy cúng và tất cả mọi người dự lễ phải ăn chay, không ai được quở mắng nhau, vợ chồng gia chủ phải cách ly, lúc ra về không ai đươc chê bai…

Đến ngày đã định, gia đình cử người đi đón các thầy cúng và nhờ những người giúp việc đến cùng gia đình sắm lễ cúng Bàn Vương. Từ sáng sớm, dòng họ đã cử người đến nhà đón các thầy đến làm lễ lập đàn cúng và lập đàn cho các thánh tướng và âm binh của ba thầy cúng. Thầy thứ nhất gọi là "vìn nhửng sai" có nhiệm vụ cúng trả hai con lợn thần cho Bàn Vương và các đời tổ tiên, thầy cúng thứ hai gọi là "sài pành piến" cúng cầu khấn sức khỏe và các thần lúa, thần chăn nuôi; thầy thứ ba gọi là "cu sai" làm nhiệm vụ cúng trả các lễ vật, vàng mã cho thần chăn nuôi, thần lúa gạo, các bậc tổ tiên gần…. Ngoài ra, còn có thêm hai thầy cúng giúp việc cho các thầy chính.Trong lễ cúng, hai cô gái trẻ chưa chồng (biào xía hay ke đàng xía) và hai chàng trai trẻ chưa vợ (biào ton hay ke đàng ton) được mời đến hát đối đáp, kể về công ơn của Bàn Vương.

Đúng ngày lành, giờ tốt, ba thầy cúng được mời đến nhà gia chủ làm lễ lập đàn cúng; treo hai bộ tranh Tam Thanh cạnh ban thờ tổ tiên (chỉ những người làm thầy cúng mới có bộ tranh này), làm phép tẩy uế, vẩy nước phép khắp nhà, làm phép trấn an, dán các bùa phép (viết bằng chữ Nôm Dao trên giấy bản) quanh nhà, rồi khấn mời ma Bàn Vương, tổ tiên và các thần cùng âm binh của các thầy về dự lễ chẩu đàng. Hai đôi nam nữ (biào xía và biào ton) đứng sau các thầy vái lạy, đón chào các vị tổ tiên, Bàn Vương và các thần, thánh. Trên đàn cúng, sắp đặt lễ vật gồm: một con lợn (lợn thần) đã mổ, một bát gạo, một bát nước, một chai rượu, một ít tiền âm phủ, 5 chiếc chén và 5 đôi đũa. Ba thầy cúng và có thêm ba người đàn ông đứng tuổi ngồi vào hai ghế dài kê song song đối diện hai bên đàn cúng. Thầy cả trịnh trọng khấn, tế lễ, dâng lợn thần cho Bàn Vương, cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình và gia tộc. Sau đó, hai thầy phụ và ba người đàn ông lần lượt đọc những bài cúng kể về sự khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao…Tiếp đó, hai đôi nam nữ hát đối đáp kể về công ơn đã sinh ra các họ người Dao của Bàn Vương. Những người phụ lễ bày tiếp con lợn thần thứ hai đã mổ lên bàn cúng ở gần ban thờ tổ tiên cùng các lễ vật: gạo, rượu, bánh…để thầy cả cúng tế lễ các bậc tổ tiên, các vị thần, thánh của gia chủ và dòng họ của gia chủ.

Sau khi cúng tế Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh của gia chủ và gia tộc của gia chủ, các thầy cúng hóa tiền, vàng và làm lễ tiễn đưa Bàn Vương, tổ tiên, các vị thần, thánh về lại cõi dương gian. Các biào xía, biào ton hát bài tiễn đưa và vái chào từ biệt Bàn Vương, “ma” các bậc tổ tiên, các vị thần, thánh.

Tục thờ cúng Bàn Vương (Bàn Hồ) cùng các sinh hoạt tín ngưỡng- văn hóa dân gian khác đều mang tính phổ quát toàn bộ dân tộc Dao, là biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc  Nghi lễ này như một sợi dây bền chắc nối liền quá khứ, hiện tại của nhóm người Dao Đỏ góp phần liên kết cộng đồng và tạo nên đời sống tinh thần phong phú. Chính nhờ sự kết nối từ trong các gia đình, dòng tộc, xã hội cộng đồng xuất phát từ nghi lễ này, xuất phát từ một ông tổ chung đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng người Dao nói chung trên cả nước./.

Trần Chiến

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/