( Ký- Phóng sự ) Bài 3: “Điểm nghẽn” trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”
Ngày xuất bản: 26/03/2018 8:57:00 SA
Lượt đọc: 68328

Một trong số đó là thiếu sự gắn kết, hợp tác phát triển du lịch nói chung và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng.

Điểm du lịch suối khoáng nóng tại xã Hát Lừu Trạm Tấu đang được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

Tuy đã thu được kết quả đáng mừng nhưng lĩnh vực du lịch của tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế, phát triển chưa xứng với tiềm năng: lượng khách du lịch đến Yên Bái còn ít, doanh thu thấp, số ngày lưu trú trên địa bàn mới đạt bình quân từ 2-3 ngày và lượng khách quay trở lại không nhiều.

Hệ thống cơ sở lưu trú còn ít và thiếu các cơ sở có chất lượng cao; sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch còn yếu; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế; chưa thu hút đầu tư xây dựng được các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác du lịch còn thiếu và yếu...

 Trong những năm gần đây, Yên Bái và nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc cũng đã thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Sau thời gian thực hiện hợp tác du lịch giữa Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ, hiện nay, Yên Bái đã và đang tham gia tích cực vào chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tuy nhiên, du lịch Yên Bái vẫn chưa xứng với tiềm năng.

 Điều nhiều người có thể nhận thấy rõ đó là các sản phẩm du lịch của tỉnh hiện còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn, hệ thống dịch vụ sơ sài, các loại hình vui chơi giải trí còn ít. Quy mô và hình thức các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và thị trường chưa rõ nét nên ít có khả năng thu hút khách du lịch.

 Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Yên Bái lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017 - 2022, đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, du lịch Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế song cũng có không ít khó khăn, hạn chế, đó là: dịch vụ du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao, nhất là dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, hoạt động kinh doanh lữ hành phát triển chậm, chưa xây dựng được và hình thành các tour, tuyến du lịch.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do Yên Bái là tỉnh miền núi, phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chất lượng hạ tầng về kinh tế - xã hội còn thấp; hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch chưa thuận lợi; nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch còn thấp, thiếu tính chuyên nghiệp.

Tham quan, tìm hiểu mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng của anh Nguyễn Đức Ninh ở thôn Cầu Có, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên mới thấy việc phát triển, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách là việc là vô cùng khó và cần có thời gian rất dài. Mặc dù đã có chủ trương từ nhiều năm trước, có sự lựa chọn và đầu tư cho các hộ gia đình đủ điều kiện nhưng chỉ có một vài hộ gia đình có thu nhập thêm từ du lịch cộng đồng.

 Anh Ninh tâm sự: "Trong số các hộ được chọn làm du lịch cộng đồng thì giờ chỉ có gia đình tôi còn duy trì được nhưng cũng chỉ phục vụ khách ăn uống trong mùa lễ hội…”.

Mặc dù đã đầu tư nâng cấp nhà cửa, mua sắm đồ làm bếp, thậm chí mua máy móc làm cốm, nghiên cứu nấu rượu cốm, nhưng gia đình anh Ninh cùng các hộ khác trong nhóm phát triển làng du lịch cộng đồng của xã vẫn khó khăn trăm bề.

Ngoài việc Đông Cuông chỉ thu hút khách du lịch tâm linh thì văn hóa truyền thống ở đây bị mai một càng khiến cơ hội trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách càng ngày càng ít đi. Không thể thu hút khách khi nhu cầu của họ không được đáp ứng, khi bản sắc văn hóa của cộng đồng gần như mất hết, đơn giản như việc không còn nghệ nhân để giới thiệu về những làn điệu then, điệu xòe.

 Bà Nguyễn Thị Sứ - Bí thư Chi bộ thôn Cầu Có cho biết thêm: "Để hình thành làng du lịch cộng đồng, chúng tôi đã lựa chọn và hình thành 3 nhóm là nhóm nhà sàn, nhóm ẩm thực và nhóm đan lát. Đã có 27 hộ được hỗ trợ vốn với số tiền 20 triệu đồng/hộ và thực sự nó chỉ như muối bỏ bể. Trong điều kiện người dân chưa có kiến thức về phát triển du lịch, cơ sở vật chất nghèo nàn, người dân không có điều kiện đầu tư… thì Cầu Có rất khó có tên trên bản đồ du lịch”.

 Trong khi đó, hiện nay, sự tăng trưởng nhu cầu du lịch gần gũi với thiên nhiên, nhất là đối với du khách phân khúc cao cấp thì đòi hỏi chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp hơn thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Một trong những khó khăn trong phát triển của du lịch Yên Bái là sự phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn, giữa các cơ quan ban, ngành, địa phương có liên quan còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, hoạt động hợp tác phát triển du lịch nói chung và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng, nhìn chung vẫn mang tính tự phát, nặng về hình thức, còn manh mún, dàn trải, thiếu sự liên kết phối hợp đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Du khách mua sản phẩm lưu niệm trên tuyến phố văn hóa thương mại của thị xã Nghĩa Lộ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, do Yên Bái là một tỉnh kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất, các công trình phục vụ du lịch từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chưa cao, đến nay, rất ít nhà đầu tư đến đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Với các di tích lịch sử tuy đã được đầu tư tôn tạo nhưng còn thiếu đồng bộ, giá trị nhỏ. Việc phát triển, tạo mới nguồn tài nguyên du lịch chưa theo kịp mức độ phát triển kinh tế và sự đòi hỏi của thị trường.

 Ngành kinh tế du lịch mới được xây dựng và hình thành nên sự gắn kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, trong nước và quốc tế rất hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến du lịch chưa có chiến lược, kế hoạch dài hạn, cụ thể, chưa xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá cho mỗi giai đoạn và thị trường khác nhau.

Hiện, tỉnh vẫn chưa có bộ công cụ quảng bá hữu hiệu, chưa có khả năng thực hiện các chương trình quảng bá lớn tại các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Các tour, tuyến du lịch hình thành chưa rõ nét, chưa có sự gắn kết với các chương trình, hoạt động, sự kiện du lịch trong khu vực.

 Ông Thắng bộc bạch: "Công tác quản lý Nhà nước, quy hoạch phát triển du lịch tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập. Cụ thể như: hệ thống các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn phát triển không theo quy hoạch, trái tuyến giao thông, kiến trúc chưa phù hợp với cảnh quan, thiếu các trang bị nội thất tiêu chuẩn, không có khuôn viên cây xanh, chất lượng buồng giường chưa cao, các dịch vụ phụ trợ chưa đầy đủ, trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn của du lịch, lực lượng lao động trong các cơ sở dịch vụ du lịch chưa có nghiệp vụ chuyên sâu… Vì vậy, du lịch Yên Bái chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”.

 Hiện nay, Yên Bái mới xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết Khu du lịch An Bình - hồ Thác Bà, còn một số khu, điểm khác hiện mới bắt đầu nghiên cứu quy hoạch.

Đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực… là mục tiêu mà Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Điều đó cũng đòi hỏi du lịch Yên Bái phải năng động hơn, sáng tạo hơn, quan tâm hơn trong khắc phục khó khăn, đánh thức tiềm năng để du lịch cất cánh, xứng với tiềm năng của miền đất của danh thắng và bản sắc, để du lịch Yên Bái thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.

TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

 Du lịch tại Tây Bắc còn thiếu các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang, cũng như liên kết theo không gian lãnh thổ và liên kết ngành chưa chú trọng liên kết doanh nghiệp. Chưa tạo thành chuỗi liên kết, sản phẩm du lịch trong các vùng có sự trùng lắp cao, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, thiếu các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, tiểu vùng, sản phẩm du lịch chất lượng cao...

 

Nguồn : Thành Trung - Lê Thương ( baoyenbai.com.vn )

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/