Bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Ngày xuất bản: 01/12/2017 8:47:00 SA
Lượt đọc: 75037

Theo thống kê, toàn tỉnh có 714 di sản văn hóa thuộc nhiều loại hình. Đến nay có 90 di tích văn hóa của Yên Bái được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

 

Tiết mục múa chai trong Lễ hội Khai hạ của người Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngay khi nước nhà độc lập chưa đầy 3 tháng, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 "Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện”. 

 

Sắc lệnh gồm các nội dung cơ bản như: khẳng định việc bảo tồn "cổ tích” "là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm "cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể). 

 

Đông phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam thay thế cho Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; "cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.

 

"Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông phương Bác cổ Học viện. Khi dự thảo ngân sách cho toàn quốc, cho từng kỳ hay từng tỉnh; ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Ủy viên tài chính mỗi kỳ, mỗi tỉnh phải dự tính khoản trợ cấp cho Đông phương Bác cổ Học viện”.

 

Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng Sắc lệnh số 65 đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. 

 

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là "Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. 

 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xác định yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, hòa cùng dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thiên phú và sự sáng tạo lao động của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã tạo nên một vùng đất nhiều tiềm năng về văn hóa. 

 

Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn được tổ chức tại đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh có 714 di sản văn hóa thuộc nhiều loại hình. Để thực hiện giữ gìn, phát huy di sản văn hóa gắn với sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh thành tỉnh phát triển, cùng cả nước, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều giải pháp để bảo tồn phát huy những di sản văn hóa. 

 

Từ giá trị gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, ngành văn hóa – thể thao và du lịch Yên Bái đã xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể hệ thống di tích, có lộ trình tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích; sưu tầm nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị lịch sử cao (trong đó có hơn 500 hiện vật của các dân tộc thiểu số)... 

 

Sau nhiều cố gắng, đến nay có 90 di tích văn hóa của Yên Bái được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia là: Lễ đài sân vận động Yên Bái; Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ cuộc Khởi nghĩa Yên Bái; Chiến khu Vần; hồ Thác Bà; Căng và Đồn Nghĩa Lộ; Di tích khảo cổ học Hắc Y; đền Nhược Sơn; Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đền Đông Cuông; đèo Lũng Lô; bến Âu Lâu; Khu ủy Tây Bắc; nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ. 

 

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa 30 dân tộc anh em, sau nhiều thời gian tìm tòi phụng dựng, đến nay, có 45 di sản phi vật thể của tỉnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, có 3 di sản được công nhận cấp quốc gia là: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ; Hạn khuống của người Thái. 

 

Hiện tỉnh đang phối hợp với Viện Văn hóa và một số tỉnh trong khu vực xây dựng hồ sơ Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, nhiều làng văn hóa dân tộc, nghề truyền thống như: làng cổ Pang Cáng của người Mông; làng văn hóa Ngòi Tu (Cao Lan); bảo tồn làng nghề: dệt thổ cẩm Thái, nghề rèn dân tộc Dao, xe lanh, chạm khắc bạc của người Mông… được đầu tư bảo tồn và phát triển. 

 

Gìn giữ và giáo dục truyền thống về văn hóa, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác khôi phục và bảo tồn lễ hội được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm lễ hội văn hóa dân gian và lễ hội diễn ra ở các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia như: lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; lễ hội đền Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; lễ hội đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên… 

  

Hội thi bóc bưởi - một nội dung trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc.

 

Để bảo tồn văn hóa, công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm. Qua xem xét, nhiều nghệ nhân dân gian thuộc các dân tộc thiểu số đã được tỉnh xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"...

 

Những kết quả đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) của Yên Bái những năm qua là hết sức ý nghĩa. Thể hiện không chỉ phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. 

 

Từ công tác bảo tồn văn hóa, nhiều di sản được khôi phục, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/