Con trâu trong truyện cổ dân gian các dân tộc Yên Bái
Ngày xuất bản: 09/02/2021 8:42:00 SA
Lượt đọc: 27479

Trong kho tàng truyện cổ dân gian các dân tộc tỉnh Yên Bái, hình tượng con trâu tuy ít xuất hiện nhưng lại được phản ánh khá phong phú. Đó là động vật sống hoang dã trong rừng, bên suối, thường hay phá hoại mùa màng, nương rẫy, có khi phá cả mương phai, đập nước, làm chết người (Sự tích Đát Ô Đồ của đồng bào Cao Lan). Nhưng trước sự thông minh, tài giỏi của con người, trâu hoang dại, hung dữ được con người thuần hóa, nuôi dưỡng lại trở thành bạn hiền gắn bó với con người, nhất là người nông dân.

 Người xưa mượn truyện thần thoại để giải thích việc trâu giúp người sản xuất. Người Dao ở Phúc Lợi (Lục Yên) cho rằng, trước kia mặt đất không có cỏ, Ngọc Hoàng cho người nhà trời đem hạt cỏ xuống gieo giúp, dặn rằng: “Đi 12 bước mới được gieo một hạt”. Người nhà trời xuống đất bị vấp ngã, quên mất, chỉ nhớ mang máng nên đi một bước gieo 12 hạt, thành thử cỏ mọc nhiều quá, loài người không sao phát được. Người kiện trời. Ngọc Hoàng bèn giao người nhà trời đó xuống làm trâu cày bừa, kéo gỗ, kéo xe, phá đường cho mọi người đi, nhưng chỉ được ăn cỏ, lúc trâu chết, con người có thể lấy bộ sừng trâu làm cái tù và thổi (Sự tích con trâu kéo cày). Họ còn giải thích qua câu chuyện (Tại sao trâu lại làm việc cho người) kể về hai người bạn thân là Hoàng Tiên và Trần Do. Hoàng Tiên nghèo túng, vay tiền của Trần Do đi buôn xa với câu thề thốt cửa miệng: “Mày yên tâm, nếu sau này có chuyện gì xảy ra nhất định tao sẽ làm không công cho mày suốt đời”. Sau ba năm buôn bán, Hoàng Tiên giàu có trong khi ở quê thiên tai hạn hán xảy ra, mùa màng thất bát, gia súc chết hàng đàn, nhà Trần Do lâm vào cảnh khốn cùng. Trần Do đành tìm đến bạn hỏi nợ thì Hoàng Tiên cãi phắt: “Tao mượn tiền mày khi nào, có gì làm chứng”. Nào ngờ đêm ấy, sấm sét nổi lên, mưa bão suốt đêm, trời bắt Hoàng Tiên biến thành trâu để trả nợ cho bạn, cùng bạn làm ăn suốt đời để thực hiện lời thề thốt trước kia phải chuộc lỗi với bạn.

Trâu trong 12 con giáp (Ảnh: Internet)

Người xưa quan niệm, việc “Trâu kéo cày”, trâu làm việc gắn bó suốt đời với người nông dân là do “trời” giúp. Với quan niệm như vậy, người xưa muốn nhắc nhở, răn dạy con người phải biết ơn trời, biết sống trung thực, thủy chung với bạn bè, người tốt. Gạt bỏ yếu tố hoang đường, kỳ ảo, các truyện cổ đều ít nhiều phản ánh quá trình đấu tranh với thiên nhiên, chinh phục và thuần dưỡng loài trâu rừng phục vụ con người.

Quá trình chinh phục, thuần dưỡng loài trâu rừng hoang dại không hề đơn giản, dễ dàng. Để vây bắt một con trâu bạc dưới đáy vực Ô Đồ, nhà vua đã phải điều động quan quân triều đình đến, tát cạn vực sâu nhiều ngày mà vẫn không bắt được, thậm chí còn bị trâu bạc lồng lên, phá vỡ cả đập chắn, mương phai, cuốn trôi ba cô công chúa và binh lính ra ngoài sông Chảy (Sự tích Đát Ô Đồ). Ngay cả khi loài trâu đã được thuần dưỡng cũng có lúc ngang ngạnh bỏ đi “ăn vụng lúa”, phá hoại hoa màu, cây cối, khiến con người phải “làm chuồng nhốt trâu”, phải “chọc sẹo trâu” để chăn dắt (Sự tích con trâu kéo cày). Trâu còn cùng bò lên tận Mường Trời kiện với vua Trời về việc “người bắt đi cày bừa” vất vả, người đánh mắng, đối xử bất công, nhưng trước lý lẽ đối kiện của người, trâu đành chịu thua, chịu nhận “kiếp trâu cày” (Loài vật kiện trời của dân tộc Mường Văn Chấn). Thần thoại Mường có các bài cúng “Mo trâu” phản ánh việc thuần dưỡng súc vật, tạo nên sức kéo, thay thế lao động nặng nhọc vất vả của con người từ thời “lang Đá Cần” để “làm nên hột lúa trắng lúa nâu”.

Trâu không chỉ giúp con người sản xuất, trâu còn tận tình cùng người lập nên bản làng. “Sự tích Mường Hồng” của đồng bào Tày kể: vùng này xưa kia chỉ có cây cối rậm rạp, lúa lương gieo đều chết vì lụt, nhà cửa dựng lên đều bị sạt lở, chỉ đến khi xuất hiện một chàng trai đội lốt thần trâu nước đến giúp sức, con người mới bạt núi san khe làm thành ruộng, dựng được bản làng tươi đẹp. Có bản, có làng nhưng thiên nhiên vẫn không ngừng đe dọa. Ma “Tô luông” (thuồng luồng) trong truyện cổ “Thần trâu trắng” của dân tộc Thái thỉnh thoảng quẫy mình, dậy lũ, cuốn phăng ruộng đồng thì Trâu trắng lại ra quân lao xuống suối sâu, nước lũ, đánh lui thuồng luồng cứu dân. Trâu cảm phục con người, chứng kiến con người dùng trí khôn đốt cháy hổ, beo, làm da lông của chúng bị loang lổ, còn trâu buồn cười quá ngã lăn ra đất, vập mồm vào đá mà bị gãy hết răng hàm trên (truyện “Sự tích con trâu kéo cày” của người Dao và truyện “Trí khôn” của người Việt).

Từ kẻ thù hung dữ, trâu trở thành bạn của người. Có rất nhiều gia đình nông dân gắn bó với con trâu, cái cày trên đồng ruộng, hoặc các chàng trai mồ côi nghèo khổ từ thân phận đi chăn trâu thuê cho nhà giàu được thần, Phật nhà trời giúp đỡ mà thay đổi thân phận. Chàng trai Tồng Của trong truyện “Tồng của gọi được chim Dư Vay” của dân tộc Mông được vua Thủy Tề gả cho con gái trở nên giàu có, được vợ giúp kế cho con “nghé đực” của chàng đánh thắng con “trâu cà to lớn” của tên vua độc ác, giữ được hạnh phúc và có tài gọi được chim Dư Vay, làm được nhiều việc thiện giúp dân. Chàng trai Rì Tủa trong truyện “Rì Tủa” của dân tộc Mông lấy được công chúa út và đánh tan giặc xâm lược, trở thành người anh hùng. Con trâu gắn bó với gia đình chàng Út đông anh em (6 anh em), cả 5 anh đều bị chết trận, chàng Út vừa cùng trâu cày ruộng, vừa tìm cách làm một cái khèn 6 lỗ, chỉ một mình chàng thổi khèn mà tập hợp được bà con đứng dậy đánh tan quân giặc (Sự tích Khèn Mông). Chàng Hơn vật nhau với trâu rừng, đánh chết trâu rừng để bảo vệ trâu nhà, rồi trên đường đi làm ăn đã giết chết gấu rừng, đánh tan bọn cướp, trở thành người chỉ huy đội quân các dân tộc Khơ Mú, Mông, Dao, Thái đánh tan giặc Hán trên dãy núi Pa Quai, giải phóng quê hương, lấy được vợ đẹp, được dân bản suy tôn làm Tạo Mường (Mường Hơn đánh giặc). Truyện cổ “Chàng trai mồ côi lấy vợ bùng bài” của dân tộc Dao Lục Yên thì kể về một anh chàng mồ côi suốt ngày cùng trâu cày bừa trên một thửa ruộng ruộng xa, lấy được một cô gái xinh đẹp vốn là một loài cá “bùng bài” hóa thân, được vợ bầy mưu tính kế, không những lấy lại được vợ trong tay tên vua độc ác, mà còn được đổi ngôi lên làm vua. Chỉ có chàng trai mồ côi chăn trâu tên Sượi trong truyện “Suối nước mắt” của dân tộc Thái vùng Mường Lò là chết do bị tên Hơn ghen ghét hãm hại, nhưng bù lại chàng đã được nàng Ban xinh đẹp yêu thương chung thủy, họ chết bên nhau biến thành dòng suối Nậm Xia và những sợi rêu xanh quấn quýt, mối tình của họ được bà con truyền tụng đến ngàn đời.

 Hình tượng con trâu từng bước được nâng cao. Trâu hòa đồng với người, hóa thân thành hoàng tử, thành chàng trai tuấn tú, thành trâu thần linh thiêng. Con trâu bạc trong “Sự tích Đát Ô Đồ” tuy hung dữ nhưng biết để lại cho ông già Cao Lan một đoạn dây chạc hóa bạc giúp ông giàu có, trâu vô tình làm chết người nhưng nhờ đó mà bản chất tốt đẹp của bà con dân tộc Cao Lan vùng Yên Bình được tỏa sáng, khiến nhà vua cảm động, ban cho đồng bào làm lương vườn không phải nộp thuế, vì vậy hàng năm bà con vẫn đến thờ cúng thần tại thác Ô Đồ linh thiêng. Khôn ngoan như chàng Lợn trong truyện “Vua lợn và vua cam” của dân tộc Cao Lan, như thằng Cầy trong truyện “Thằng Cầy làm vua” của dân tộc Dao nhưng cũng phải nhờ đến Trâu thần ngầm giúp mới trở thành vua cai trị thiên hạ.

 Con trâu bước vào truyện cổ dân gian để rồi được nhân dân đề cao, phát triển hơn nữa, nhập vào lễ nghi tập tục của con người. Trâu là lễ vật để tế trời đất, thần linh, cầu xin Vua Trời cho “sinh quý tử” (Hoàng tử rùa của dân tộc Mông). Trâu được thờ cúng, được “gánh bánh chưng”, ăn tết, tham dự hội cầu mùa, được cúng vía trong các tập tục, lễ hội hàng năm. Thấp thoáng trong các truyện cổ của nhiều dân tộc, các nghi lễ tập tục liên quan đến con trâu đã chứng minh, con trâu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của con người.

Nguồn : vanhoanghethuatyenbai.gov.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/