Để Tà Chì Nhù trở thành điểm đến hấp dẫn - Bài I: Nhận diện tiềm năng
Ngày xuất bản: 18/12/2018 9:00:00 SA
Lượt đọc: 64296

Rất lạ, cứ mỗi lần lên đỉnh Tà Chì Nhù cao tới gần ba nghìn mét, dù mệt đến mấy nhưng cứ ngắm nhìn bốn phương trập trùng núi non, mây lồng với gió, phong cảnh đẹp mê hồn và đổi thay từng mùa là tự dưng tan biến bao mệt mỏi, ưu tư.

 

Tà Chì Nhù là điểm đến hấp dẫn, ngày càng thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm và khám phá. (Ảnh: Thanh Miền)

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu Trịnh Văn Xuê, nguyên là cán bộ công tác lâu năm trong ngành nông nghiệp của huyện nên khi nói đến Tà Chì Nhù là như chạm vào anh bao trắc ẩn.

Anh bảo, hơn hai chục năm về trước, ở độ tuổi sung sức, bước chân anh đã trải khắp các ngọn núi cao ở Trạm Tấu vì khi thì đi khảo sát cho việc bảo vệ rừng, nghiên cứu môi trường canh tác và khi thì đi đôn đốc người dân đưa gia súc chăn thả mùa đông trên núi về nơi tránh rét...

Thế nhưng rất lạ, cứ mỗi lần lên đỉnh Tà Chì Nhù cao tới gần ba nghìn mét, dù mệt đến mấy nhưng cứ ngắm nhìn bốn phương trập trùng núi non, mây lồng với gió, phong cảnh đẹp mê hồn và đổi thay từng mùa là tự dưng tan biến bao mệt mỏi, ưu tư. Và rồi, sau mỗi lần lên với Tà Chì Nhù lại đọng thêm ở trong anh bao dự cảm và ao ước nơi đây một ngày nào đó sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch.

"Ai dè, những dự cảm ấy lại thành hiện thực nhanh thế! Hơn chục năm trước, đường lên Trạm Tấu, lên xã Xà Hồ - nơi có đỉnh Tà Chì Nhù vẫn còn gian nan lắm! Nhưng không hiểu bằng kênh thông tin nào mà hồi đó đã có nhiều đoàn từ Hà Nội đi phượt lên đỉnh núi này. Nay thì du khách lên thường xuyên rồi!” - anh Xuê tâm sự.

Nói về cái hấp dẫn khi lên với Tà Chì Nhù, tiếp xúc với nhiều du khách và họ bảo rằng, nó hấp dẫn ngay từ cửa ngõ của huyện Trạm Tấu. Bởi lẽ, khi đi hết cánh đồng Mường Lò bằng phẳng, tươi đẹp là bất ngờ mở ra trước mắt một không gian núi non hùng vĩ, suối khe rì rầm thác chảy và được khâu nối bởi một cung đường tựa như sợi chỉ mềm uốn lượn.

Hấp dẫn nữa là, chỉ cách nơi phố thị hiện đại Nghĩa Lộ hơn chục cây số là đã đến được vùng không gian văn hóa của người Mông với nét độc đáo của trùng trùng những cánh đồng bậc thang tươi tốt. Người Mông thân thiện, chất phác, giàu nghị lực và có trang phục, nét văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo. Thêm nữa là, một phố huyện xinh xinh được bao quanh bởi những bản làng người Thái giữa đại ngàn thông vi vút gió reo.

Riêng với Tà Chì Nhù, cái hấp dẫn khi đến đây là chính lúc ta đang mải miết bám theo những con dốc cao tồng tộc để leo thì đến độ lưng chừng núi và cảm giác đã hơi thấm mệt thì ở lưng núi bỗng hiện ra một thảo nguyên.

Thảo nguyên ấy bất ngờ cho du khách được sống và cảm nhận một không gian có thật chứ không phải là trong phim ảnh về một miền thảo nguyên ở xứ Trung Hoa hay Mông Cổ cùng hình ảnh những người dân du mục cưỡi trên lưng ngựa thổi sáo và mải miết theo chân bầy gia súc. Đẹp nữa là ở đây trời luôn đầy nắng và gió.

Nắng hong vàng những thảm cỏ xanh và khi mùa thu đến, nền cỏ xanh bao la ấy lại nhường cho màu của sắc tím hoa mua. Gọi là hoa mua vì lá có hình rất giống với lá mua, nhưng loài cây này lại là cây thân đốt, lụi mọc theo mùa.

Dáng hoa cũng khác hoa mua và chỉ có một điểm chung là màu tím biếc đẹp mê hồn. Chả thế mà không ít cặp uyên ương chẳng ngại non cao, dốc đá để lên đây chụp cho mình bộ ảnh cưới lãng mạn như thể chụp ở bên những cánh đồng hoa ôn đới ở châu Âu.

Leo tiếp lên đến đỉnh núi, bước chân của du khách sẽ luôn bị cuốn hút trước sự hùng vĩ của núi non, những đường trúc uốn vòm xen lẫn kỳ hoa dị thảo. Nhiều du khách, nhất là dân nhiếp ảnh đã tự đúc kết vẻ đẹp của Tà chì Nhù là cái đẹp theo mùa. Ví như, lúc sang xuân là mùa của mây.

Mây bồng từ chân núi dâng lên thành đại dương bao la, rồi chỉ còn nhô lên những đỉnh cao nhất được du khách đặt cho những cái tên: đảo Tà Chì Nhù, đảo Tà Y Chơ, đảo Tà Xùa và quần đảo Phu Song Sung... Biết bao người mê đắm cảnh sắc Tà Chì Nhù còn đặt cho nơi đây những cái tên mĩ miều: "Xứ sở của nắng và gió”; "Chốn bồng lai tiên cảnh”; "Chạm đến Thiên đường”, "Nơi cưỡi gió săn mây”...

Đỉnh Tà Chì Nhù độ giữa xuân trở đi còn đẹp nữa, bởi đây là mùa đỗ quyên khoe sắc cùng muôn loài hoa tươi thắm theo tên gọi của người Mông. Giới chơi ảnh nghệ thuật là những người hiểu về thời tiết, cảnh sắc Tà Chì Nhù chẳng kém gì người bản địa.

Nhiều người đã lên đây tới mấy lần để "săn mây” và tự rút ra cho mình kinh nghiệm về thời điểm săn mây đẹp nhất, ấy là lúc bình minh và lúc hoàng hôn. Gió nhẹ và ánh sáng khi ấy sẽ tạo nên nhiều sắc độ, gam màu đẹp nhất.

Sự tương phản của ánh sáng còn tạo nên những khối mây lập thể kỳ vỹ giữa đại dương mây. Họ còn thích thú một điều nữa là, dù ở địa hình núi cao, là nơi nằm trong vùng có số ngày mưa khá nhiều trong năm, nhưng riêng ở Tà Chì Nhù lại có số ngày nắng, tạnh khá nhiều, nên mùa săn mây, săn hoa đỗ quyên, hoa mua... mỗi mùa thường kéo dài cả tháng.

Theo nhiều chuyên gia du lịch phân tích, vì sao người nước ngoài, trong nước trước đây thường tổ chức du lịch lên Sa Pa rồi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (nóc nhà Đông Dương)? Là vì, ngoài nhu cầu chiêm ngưỡng cảnh quan thì họ còn muốn được thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm chinh phục thiên nhiên, khám phá, tìm kiếm cảm giác mạo hiểm...

Đến nay, đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét đã có cáp treo lên tận đỉnh thì du khách đến đây đa phần hướng tới mục tiêu chính là đi ngắm cảnh. Bởi thế, trên dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu du lịch khám phá, trải nghiệm khả năng chinh phục thiên nhiên... của con người như ở Phan Xi Păng trước đây.

Ở phổ không gian du lịch rộng lớn, hiện nay, các hãng kinh doanh du lịch cơ bản vẫn hoạch định tour theo lộ trình đảm bảo các yêu cầu: nhanh, thuận lợi; qua được nhiều điểm du lịch hấp dẫn; chi phí thấp...

Nếu nhìn ở khía cạnh này thì Tà Chì Nhù hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu đó. Chẳng hạn, về tuyến thì Tà Chì Nhù nằm trên trục từ Hà Nội du khách có thể đi qua các điểm: Đền Hùng rồi theo quốc lộ 32 đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ; tiếp đến là đi tới vùng Mường Lò, Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái; đi nữa là lên với Sa Pa hoặc rẽ trái từ Lai Châu về Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Ở phổ hẹp hơn, Tà Chì Nhù nằm liền kề nhau trong cụm các điểm du lịch: Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; điểm du lịch sinh thái Suối Giàng, huyện Văn Chấn, vùng du lịch cộng đồng, du lịch di tích, danh thắng vùng Mường Lò...

Bởi thế, trong khu vực này, ngoài việc khám phá, trải nghiệm Tà Chì Nhù, du khách cùng lúc sẽ được tiếp cận với một Mường Lò đa sắc màu văn hóa các tộc người và nổi tiếng với cảnh quan tươi đẹp, ẩm thực đặc sắc và độc đáo; vùng có nhiều suối khoáng nóng và nền y học cổ truyền khá nổi tiếng phù hợp cho những ai có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng.

Vùng Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang - nơi có những tuyệt phẩm tạc vào vách núi để khách mãn nhãn khi đứng ngắm hoặc cùng dù lượn "Bay trên mùa vàng”. Còn với điểm du lịch Suối Giàng, được coi là thủ phủ của chè Shan tuyết cổ thụ, với những cây chè vài trăm năm tuổi và nằm trong không gian sinh sống của người Mông với nét cảnh quan nguyên sơ và đời sống văn hóa hãy vẫn còn đậm nét truyền thống.

Cùng với những tiềm năng trên, còn phải kể đến Tà Chì Nhù nằm trong vùng Tây Bắc chất chứa bao điều bí ẩn đang khơi nguồn cảm hứng cho du khách gần xa tò mò khám phá và trải nghiệm. Là tương lai gần của việc kết nối miền Tây Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai để đưa khách từ Hà Nội lên đây được rút ngắn chỉ còn vài tiếng đồng hồ...

Nguồn : baoyenbai.com.vn

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/