Để di sản thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững
Ngày xuất bản: 15/01/2020 10:06:00 SA
Lượt đọc: 69088

Sự phong phú, hấp dẫn của các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia là cơ sở để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Năm 2019, tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) lần thứ 26, Việt Nam lần đầu tiên nhận 2 giải thưởng, trong đó có giải “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Sự phong phú, hấp dẫn của các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia là cơ sở để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Nhưng, làm thế nào để phát huy tiềm năng vốn có của di sản trong khai thác phát triển du lịch một cách bền vững, vừa góp phần tôn tạo, bảo tồn di sản lại đang là bài toán dành cho cả người làm du lịch và nhà quản lý.

Văn hóa bản địa là một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch của Việt Nam.

Việt Nam đã đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, dự kiến đón trên 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020. Sau này, khoảng 5 đến 10 năm sau, khách quốc tế đến Việt Nam có thể là 30 triệu lượt hay 50 triệu lượt. Nhưng chúng ta đón khách vào rồi đưa khách đi đâu, ở đâu, xem cái gì? Chúng ta không thể phát triển du lịch bằng cách đưa khách đến, xếp hàng vào thăm mấy di tích xưa may ra còn giữ được…

Đó là khẳng định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch.

Ông Bình nhận định: Di sản là tài nguyên quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam nhưng hiện nay, nhiều nơi, nhiều di sản đã bị xâm hại nghiêm trọng do khai thác quá mức. Một số di sản còn bị hoang phế. Nhiều nơi, di sản vẫn chưa thực sự được tôn trọng. Nhiều khu đô thị mới đầu tư ồ ạt, lấn sang cả khu di sản.

Điển hình của năm 2019 là vụ việc xây dựng công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng, xây chùa gần Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), hiện tượng lấn biển xây dựng ở Hạ Long (Quảng Ninh), hay mới đây nhất và thông tin về đề nghị lấp hồ Thành Công (Hà Nội) để xây nhà cao tầng…

Với di sản văn hóa phi vật thể cũng tương tự. Hiện nay, nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc đang mất đi rất nhanh. Trong khi đó, du lịch lại “sống” được nhờ các văn hóa đặc biệt này. Nếu chúng ta không có những hành động kịp thời nhằm bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo tồn, phát huy di sản thì khi du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta lấy cái gì để phục vụ khách?

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, nhiều năm trở lại đây, về mặt chủ trương, chính sách, chúng ta đã đề cập thường xuyên hơn đến việc bảo vệ di sản, phát huy di sản trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu không từ những chính sách mà biến thành hành động thì không bảo vệ, phát huy được giá trị.

Với di sản văn hóa phi vật thể, không thể phủ nhận, chúng ta đã quan tâm nhiều hơn, đã có nhiều thành tựu với bảo tồn, phát huy nghệ thuật Xòe Thái, hát Xoan, ca Trù… Nhưng, chúng ta cũng còn hàng trăm, hàng ngàn di sản văn hóa độc đáo khác có thể trở thành nguồn lực cho phát triển du lịch nhưng chưa được quan tâm bảo tồn, phát huy tương xứng.

Trong khi thực tế, nếu người làm du lịch và cơ quan quản lý cùng tích cực “nhập cuộc” thì có thể giải quyết tốt vấn đề này. Việc Chi hội Du lịch cộng đồng vừa tham gia thành công dự án khôi phục không gian làng truyền thống, đúng bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc kết hợp phát triển du lịch cộng đồng thành công ở A Lưới, Thừa Thiên - Huế vừa qua là một điển hình.

“Khi văn hóa bản địa trở thành sản phẩm du lịch, mang lại quyền lợi cho người dân, biến thành phương thức sống của họ thì sẽ được cộng đồng tự giác, nỗ lực bảo tồn”. ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được quan tâm nhiều năm. Có thể thấy rõ nhất qua hàng loạt các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh.

Sau khi được ghi danh, việc bảo tồn, phát huy các di sản này còn được UNESCO giám sát rất chặt chẽ. Nếu chúng ta bảo vệ không tốt, lập tức, di sản sẽ bị rút khỏi danh sách của UNESCO. Ngược lại, UNESCO cũng đồng hành tích cực với chúng ta để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Những người làm du lịch luôn tự hào và mong muốn các di sản được bảo tồn, khai thác hiệu quả. Giải thưởng điểm đến du lịch di sản hàng đầu thế giới của WTA dành cho Việt Nam năm 2019 đã nói lên sức hấp dẫn của di sản Việt Nam đối với thế giới và cũng cho thấy chúng ta đã khai thác khá tốt di sản cho du lịch.Chúng ta cũng hiểu câu chuyện di sản cần bảo tồn nhưng để bảo tồn thì cần có nguồn lực vật chất cũng như ý thức bảo vệ di sản.

Phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn lực đáng kể cho bảo tồn di sản và việc phát triển du lịch song hành với bảo vệ di sản đã được quan tâm nhiều năm nay. Tuy nhiên, để huy động tốt hơn nguồn lực xã hội trong khai thác di sản cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam thì vẫn cần nâng cao hơn nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch.

Đồng quan điểm với ông Đinh Ngọc Đức, nhưng ông Vũ Thế Bình cũng chia sẻ rằng, việc bảo tồn, phát huy di sản trong phát triển du lịch một cách bền vững là hoạt động lâu dài, không thể làm ào ạt. Chưa kể, di sản liên quan đến quyền lợi vật chất của nhiều tầng lớp xã hội nên càng khó, phải làm từ từ và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Năm 2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã quyết định đưa  “Di sản – Nguồn lực phát triển du lịch” thành chủ đề chính của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người làm du lịch sẽ cùng phân tích thực trạng, đề ra những giải pháp thiết thực, ý tưởng hay, mô hình thành công để cả nước cùng học tập. Việc này cũng không chỉ thực hiện một lần mà cần kiên trì trong nhiều năm tới…

Nguồn : cand.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/