Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học – điểm tham quan trong lòng phố núi
Ngày xuất bản: 27/07/2017 8:44:00 SA
Lượt đọc: 83584

Bên cạnh nhịp sống hiện đại của thành phố, ta vẫn có thể tìm đến những nơi lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của đất nước. Một trong những địa điểm đó là di tích khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (hay gọi tắt là khu di tích Nguyễn Thái Học). Đây là nơi an nghỉ của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, cũng là nơi ghi dấu tinh thần anh dũng quyết hy sinh cho phong trào cách mạng của đất nước những năm đầu thế kỷ XX.

Khu di tích nằm trong công viên Yên Hòa, bên cạnh đại lộ cùng tên chiến sĩ Nguyễn Thái Học, nằm cạnh khu trung tâm mua sắm Vincom, có vị trí thuận lợi cho các loại hình giao thông để mọi người đến thăm quan, tìm hiểu. Khu di tích Nguyễn Thái Học được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 5/3/1990 theo quyết định số 177 VH/QĐ đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái. Và được chính thức khởi công xây dựng vào đúng ngày giỗ lần thứ 70 của các vị anh hùng là ngày 17/6/2000. Sau 3 đợt tôn tạo chính là: đợt 1 năm 1991; đợt 2 năm 1995-1996; đợt 3 năm 2001-2002 đến nay thì khu di tích đã hoàn thiện và đang được giữ gìn.

Hiện nay, khu di tích mang đậm màu sắc lịch sử - văn hóa với tổng diện tích là 10.391m bao gồm: nhà đón khách, khuôn viên cây cảnh, khu tượng đài, bia tưởng niệm và khu lăng mộ.

Đi qua khu vực nhà đón khách và khuôn viên cây cảnh chúng ta sẽ đến với hai phần chính của khu di tích.

 Cụm tượng đài Nguyễn Thái Học và các đồng chí (nguồn: kienthuc.net,vn)

Trước tiên là phần khu tượng đài có diện tích là 56m, là cụm tượng đài gồm có 5 nhân vật lịch sử với chiều cao các nhân vật là 6m đứng trên một đám mây cách điệu, bao quanh chân tượng là nhóm phù điêu cao gần 3m. Các nhân vật trong cụm tượng đài:

+ Nhân vật đứng chính giữa là vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp truy bắt và sa vào tay giặc ngày 20/2/1930, chúng đưa ông lên Yên Bái xét xử và tử hình vào ngày 17/6/1930. Ông đã chứng kiến sự hy sinh của các đồng chí của mình trước khi bị thực dân Pháp chém đầu, ông ung dung bước lên hô to: "Việt Nam vạn tuế". Ông đã để lại cho chúng ta sự kính trọng và thương tiếc về một con người anh hùng của dân tộc.

+ Nhân vật thứ hai đứng cạnh nắm tay Nguyễn Thái Học là Nguyễn Khắc Nhu (hay cụ xứ Nhu). Ông bị thương nặng trong trận đánh Hưng Hóa và Lâm Thao (Phú Thọ), sau nhiều lần tìm cách tự sát cuối cùng ông đã tự tử ở nhà lao Hưng Hóa thể hiện ý chí quyết tử vì dân tộc.

+ Người đứng sau Nguyễn Thái Học ở bên phải là Phó Đức Chính, một trong những người có vị thế trong Việt Nam Quốc dân đảng. Với khí phách hiên ngang của tuổi trẻ, ông bước lên máy chém là người thứ 12 hô: “Việt Nam vạn tuế” và nằm ngửa xem lưỡi dao chảy rơi xuống thế nào. Một hành động làm ai cũng phải cảm phục.

+ Kế tiếp là Ngô Hải Hoằng (cai Hoằng) đứng thứ ba bên trái sau cụ xứ Nhu. Ông là người trực tiếp tham gia và chỉ huy trong trận đánh ở Yên Bái, ông là một trong bốn người đầu tiên bị tử hình vào ngày 8/5/1930.

+ Nhân vật cuối cùng - nhân vật nữ duy nhất trong cụm tượng đài là bà Nguyễn Thị Giang, một trong số ít nữ đảng viên trong Việt Nam Quốc dân đảng. Bà vừa là người đồng chí đắc lực vừa là người vợ chung thủy của nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học. Sau khi chứng kiến phút hy sinh oanh liệt của chồng, bà thăm mộ của Nguyễn Thái Học và đồng chí đã ngã xuống, rồi rời Yên Bái về làng Thổ Tang (quê của Nguyễn Thái Học) tự sát.

 Bia ghi lời của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon 6/1930 (nguồn: kienthuc.net,vn)

Ở giữa khu tượng đài và khu mộ là một tấm bia cách điệu với dòng chữ vàng ghi lời của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon: "Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".

 

Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930 (nguồn: kienthuc.net,vn)

Như chúng ta đã biết, khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 do tổ chức Việt Nam quốc dân đảng thực hiện, bắt đầu từ ngày 9/2/1930 và diễn ra vào 1giờ sáng ngày 10/2/1930, nghĩa quân chia làm 3 nhóm đánh vào đồn Dưới, đồn Cao và nhà sỹ quan ở giữa 2 đồn. Tuy nhiên, nghĩa quân chỉ chiếm được đồn Dưới, giết và làm bị thương một số sỹ quan của Pháp còn ở đồn Cao có thiếu tá Lơ Tacông vẫn giữ thế thủ. Đến 7 giờ sáng thì quân Pháp có quân đến tiếp ứng nên đến 9h30’ nghĩa quân bị bắt và ngày 20/2/1930 thì Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí bị bắt. Thực dân Pháp đã tử hình 17 yếu nhân của ta tại khu lính tập trong hai đợt và chôn ở vùng tận cùng của nghĩa trang thị xã Yên Bái lúc bấy giờ. Khu mộ hiện nay rộng 70m, có kiến trúc vừa hiện đại vừa truyền thống. Chính giữa là 2 lăng mộ tập thể, xây hình chữ nhật đặt trên 4 trụ vuông, lát đá hoa cương đen cao chừng 1m song song với nhau, cách nhau khoảng 7m. Bước vào khu mộ, bên phải là một khối hình vát mô phỏng lưỡi máy chém của thực dân Pháp lát đá hoa cương đen, mặt trên ghi một trong hai câu thơ của Nguyễn Thái Học đọc trước khi lên máy chém "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang". Đối diện bên phải là một bảng vàng lưu danh 17 vị anh hùng an nghỉ nơi đây sau 2 đợt hành hình của thực dân Pháp: Đợt 1 vào ngày 8/5/1930 có 4 người: Ngô Hải Hoằng, Đặng Văn Tiệp, Đặng Văn Lương, Nguyễn Thanh Thuyết; Đợt 2 vào ngày 17/6/1930 có 13 người: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Đào Văn Nhít, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tứ, Bùi Văn Cửu, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Hà Văn Lạo. Bao quanh phần mộ là 17 cột trụ to, tròn, cao tượng trưng cho 17 vị nghĩa sĩ bị xử chém, 17 cột này được nối với nhau bằng một vòng tròn khuyết với dòng chữ bất hủ: "Không thành công cũng thành nhân" của Việt Nam Quốc dân đảng.

Khu di tích cũng đã đón nhiều vị lãnh đạo đến thăm quan và trồng cây lưu niệm như: đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Phạm Gia Khiêm…

Đến thăm quan khu di tích khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong khởi nghĩa 2/1930, nhân dân địa phương và du khách sẽ hiểu thêm về nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, cũng như khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Di tích là một trong những địa chỉ thăm quan về lịch sử của thành phố Yên Bái, đến đây du khách vừa hòa mình vào không khí linh thiêng vừa cảm nhận tâm hồn được tĩnh lại sau những xô bồ của cuộc sống hiện tại.

Ly Ly

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/