Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II sẽ diễn ra từ ngày 24-29/11 tại tỉnh Đắk Nông
Ngày xuất bản: 20/11/2020 4:05:00 CH
Lượt đọc: 17581

 Tiếp nối thành công của Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II với chủ đề  "Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông" sẽ diễn ra từ ngày 24-29/11 tại tỉnh Đắk Nông.

Ảnh: Sưu tầm

Được tổ chức với quy mô toàn quốc, lễ hội dự kiến có sự góp mặt của các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lễ hội cũng thu hút sự tham gia dự của các tỉnh, thành phố nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có nghề dệt thổ cẩm phát triển như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang….

Các hoạt động lễ hội được tổ chức phong phú như: Khai mạc lễ hội và lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Trình diễn “Fashion Show – thổ cẩm”; lễ bế mạc; Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020. Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động còn có các sự kiện tiêu biểu: Bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020; Lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu; Hoạt động từ thiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tham gia lễ hội văn hóa thổ cẩm năm 2020, tỉnh Yên Bái tham gia trưng bày quảng bá giới thiệu 01 gian hàng diện tích 18m2 trưng bày giới thiệu điểm đến, tour du lịch Yên Bái thông qua tờ rời, tập gấp, bản đồ, sách du lịch, chương trình tour…các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, Mông; sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh như: chè Púng Luông, trà táo mèo, sản phẩm chế biến từ quế như tinh dầu quế, trà quế…

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hoa văn, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của Đắk Nông trong cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; qua đó khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống nghề dệt, thêu thổ cẩm, góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc./.

                                                                                    Bài Bùi Kiểm

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/