Nghệ thuật trình diễn Khèn của người Mông – huyện Trạm Tấu
Ngày xuất bản: 24/05/2021 5:13:00 CH
Lượt đọc: 25054

Cây Khèn theo tiếng Mông được gọi là Khềnh. Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Mông. Cây Khèn từ lâu đã làm bạn với người đàn ông Mông, đi đâu họ cũng mang theo cây Khèn bên mình.

Chiếc khèn - linh hồn sống của dân tộc Mông. Ảnh : nguồn internet

 

Để chế tác được cây Khèn có âm thanh tốt, người Mông phải chọn những  nguyên liệu có chất lượng. Nguyên liệu để làm ra một cây Khèn bao gồm: Gỗ pơ mu, cây sặt, vỏ cây đào, lá đồng, bạc trắng, mỡ lợn, vỏ con ve sầu. Việc chế tác Khèn phải là người đàn ông cókinh nghiệm và hiểu biết về nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Bên cạnh đó, các công đoạn chế tác khèn đều được làm thủ công nên đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt là nghiêm túc trong từng công đoạn nhất là phải có một đôi tai thẩm âm chuẩn mới tạo ra được những chiếc khèn có âm thanh đặc trưng. Cấu tạo của cây Khèn bao gồm: Thân Khèn (Cáng khềnh); Đuôi khèn, Ống khèn; Lam khèn (lý khềnh) và Đai khèn. Khèn có ba loại có kích cỡ khác nhau: Khèn đại, Khèn trung và Khèn tiểu, việc chế tác các loại khèn có kích cỡ khác nhau tùy vào nhu cầu sử dụng của nghệ nhân.

Khèn là một trong những loại nhạc cụ không thể thiếutrong đời sống văn hóa của người Mông. Khèn có mặt trong hầu hết mọi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng và là vật linh thiêng trong các nghi lễ cũng như lễ hội của người Mông. Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông rất độc đáo, họ muốn tạo ra âm thanh ở ống khí nào bịt đầu ngón tay vào nốt của ống đó, thổi hơi vào hay hít hơi ra khỏi ống khí, tần suất rung của lưỡi lam được cộng hưởng trong bầu hơi, tạo ra âm thanh theo ý tưởng của người thổi khèn.

Ảnh : nguồn internet

Khèn không chỉ là nhạc cụ mà nó còn là đạo cụ độc đáo trong các điệu múa của những người đàn ông Mông. Vì vậy, nghệ thuật trình diễn khèn là sự kết hợp giữa âm thanh và động tác múa. Người Mông thổi khèn không bao giờ để đôi chân đứng yên mà phải nhảy theo nhịp điệu của khèn. Trong các lễ hội, múa khèn không chỉ có một người múa mà ba bốn người hoặc có thể là nhiều người cùng nhau nhảy múa, đá chân vào nhau rất đều và nhịp nhàng. Động tác trình diễn khèn rất đa dạng và phong phú: múa nhảy đưa chân, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến lại một bước lùi làm thế nào đó để mũi chân này chạm vào gót của chân kia. Những động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động theo vòng quay rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc. Tuy nhiên, trong nghệ thuật trình diễn khèn thì mỗi nhóm người Mông lại có động tác với tiết tấu khác nhau, nhưng chủ yếu được chia ra thành hai thể loại chính: trình diễn múa khèn trong lễ hội và trình diễn múa khèn trong tang ma.

Múa khèn trong lễ hội mùa xuân gồm có 5 động tác. Trong những ngày này trai gái các bản tập trung vui chơi ở nhưng nơi có địa hình bằng phẳng, thích hợp, lúc này các chàng trai sẽ lấy ra các nhạc cụ mang theo như khèn, nhị, kèn môi, sáo… để thổi những bài gọi bạn, tìm bạn, bài tình yêu đôi lứa. Người biết múa khèn sẽ vừa thổi vừa múa để thu hút sự chú ý của các thiếu nữ Mông, tài năng của các chàng trai thể hiện sẽ được các cô gái trong và ngoài bản đánh giá. Người múa khèn giỏi phải là người biết nhiều điệu múa và các kiểu múa kết hợp linh hoạt các động tác tay, chân và toàn thân. Đây cũng chính là dịp để các chàng trai trong bản đua tài, thi nhau về sức mạnh và độ khéo léo để thu hút được các cô gái đến xem. Nhưng dù múa ở bất kỳ tư thế nào thì vẫn phải thổi được các bài nhạc thật hay thay cho lời tâm sự hoặc thách đấu đối phương thi đấu tiếp.

Ảnh : nguồn internet

Múa khèn trong tang ma gồm có ba động tác chính. Khác với lễ hội mùa xuân, người thổi khèn trong đám tang thường là những người đã có tuổi, thổi khèn giỏi có bài bản, am hiểu lý lẽ và gốc rễ cội nguồn dân tộc Mông. Theo quan niệm của người Mông thì chết là về với thế giới bên kia, con người sẽ trở về bên cạnh tổ tiên. Vì vậy, khi chết mà không có tiếng khèn, điệu múa khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên. Các giai điệu và điệu múa khèn trong đám tang thường là các điệu để an ủi động viên người nhà, tiễn đưa và chỉ đường dẫn lối người chết tìm về với tổ tiên. Hướng dẫn cho linh hồn người chết về thế giới bên kia sống kiếp khác với đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, gia súc gia cầm và không về làm phiền đến con cháu nữa. Các giai điệu thổi khèn và múa khèn còn thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã chết.

Ảnh : nguồn internet

Qua đây, chúng ta có thể nhận thấynghệ thuật trình diễn khèn của người Mông Trạm Tấu là di sản mang tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, chưa đựng  nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa. Vì vậy, việc bảo tồn di sản văn  hóa phi vật thể này của người Mông sẽ góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

Đỗ Vân 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/