Phát huy giá trị Di tích lịch sử đèo Lũng Lô
Ngày xuất bản: 30/07/2019 8:43:00 SA
Lượt đọc: 77166

Với tổng chiều dài 15km, nối bản Dạ, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) với huyện Phù Yên của tỉnh bạn Sơn La - đèo Lũng Lô là một trong những địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc ta như một huyền thoại khó phai mờ.

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La trao đổi với phóng viên bên Di tích lịch sử đèo Lũng Lô.

Trên phạm vi 18km chiều dài và 3km chiều ngang qua địa bàn xã thượng Bằng La là con đường 13A huyền thoại, ban ngày máy bay địch đánh phá ác liệt, ban đêm là không khí khẩn trương, tấp nập của hàng vạn dân công, bộ đội vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường…

Các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia mở tuyến đường Lũng Lô kể rằng, đèo Lũng Lô vốn là con đường mòn có độ dốc lớn và sườn núi đá cheo leo, riêng đoạn đường dài 3km qua Khe Thắm và cánh đồng Mỏ là suối sâu, sình lầy. Năm 1947, thực dân Pháp quay lại tái chiếm Văn Chấn - Nghĩa Lộ và hiểu rõ đèo Lũng Lô là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nên tấn công quyết liệt để chiếm giữ.

Song, du kích xã Thượng Bằng La với tinh thần chiến đấu quả cảm và ý chí quật cường đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Tiểu đoàn 115 đánh trả nhiều trận quyết liệt, làm thất bại âm mưu chiếm giữ đèo Lũng Lô của địch.

Sau khi Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ, quân, dân các dân tộc tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ quan trọng là mở con đường từ bến phà Hiên thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua bến Âu Lâu, tỉnh Yên Bái, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120km, ngoài địa hình núi cao, vực sâu còn phải đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, gian khổ đó, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã động viên quân, dân tập trung sức lực ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lụt, chống biệt kích và máy bay địch đánh phá. Trong đó, xã Thượng Bằng La được chọn là nơi tập trung vũ khí, quân lương để tiếp tế cho chiến dịch.

Trước tình hình đó, tháng 2/1954, thực dân Pháp tiếp tục tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Cùng với Âu Lâu, Hưng Khánh, Vực Tuần, Cò Nòi, đèo Lũng Lô là địa bàn máy bay địch ném xuống gần 12.000 tấn bom, thậm chí có những ngày địch ném xuống 200 quả bom.

Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 - 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ, với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", "Địch phá, ta lại sửa ta đi; địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm", Ủy ban kháng chiến xã Thượng Bằng La được giao nhiệm vụ khảo sát và lãnh đạo lực lượng tham gia mở đường qua đèo Lũng Lô. Quân và dân xã Thượng Bằng La cùng với lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến các địa phương trong tỉnh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, quyết tâm phá đá, mở đường.

Sau hơn 200 ngày đêm, đã huy động 124.458 lượt công binh và dân công tổ chức thành các tiểu đội, trung đội trên cơ sở của thôn, bản và xã, tham gia 173.197 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với chiến khu Vần và chiến trường Điện Biên Phủ, giúp hàng vạn ô tô, xe thồ chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho chiến dịch lịch sử.

Hàng vạn tấn quân lương, quân trang, vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực xã Thượng Bằng La đã vượt đèo Lũng Lô vào chiến trường Điện Biên Phủ đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh và huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình trồng cây dược liệu của Hợp tác xã Lũng Lô - Văn Chấn.

Năm 2011, nhân kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2011), đèo Lũng Lô huyền thoại của quân và dân ta đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đặc biệt, giá trị Di tích lịch sử đèo Lũng Lô còn được thế hệ ông cha từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhắc đến với những địa danh trên đèo như: "hang vũ khí” hay còn gọi là "hang Đại tướng” - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng chân trên đường ra trận và "hang thương binh” - nơi tạm nghỉ của các thương binh trước khi trở về hậu phương điều trị.

Ngoài ra, một phần đèo Lũng Lô thuộc xã Thượng Bằng La còn là trọng điểm 7A, bản Dạ là trọng điểm 7B, có Binh trạm T.100 và cánh rừng mênh mông - nơi che giấu hàng trăm ô tô, xe thồ chờ đêm xuống để vượt đèo ra trận. Khu vực bản Mỏ là trọng điểm 7C qua xưởng sửa chữa ô tô và trạm thương binh; bản Vằm là trọng điểm 7D - nơi đặt trụ sở Ban Chỉ huy công trường đường 13A, cũng là nơi làm việc của các đồng chí cán bộ cao cấp.

Do đó, đây cũng là những trọng điểm đánh phá rất ác liệt của quân địch. Minh chứng để lại tại trụ sở UBND xã hôm nay vẫn còn một quả bom từ thời Pháp do lực lượng công binh và dân quân xã Thượng Bằng La tháo gỡ đang được treo làm kẻng thông báo. Cho đến hôm nay và cả mai sau, con đường tiếp tế của quân ta vào chiến trường Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô đã, đang và sẽ mãi trở thành kỳ tích lịch sử về tinh thần quả cảm, anh dũng của quân đội và nhân dân ta, trong đó có quân, dân Yên Bái nói chung và quân, dân xã Thượng Bằng La anh dũng nói riêng.

Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch mở đường 13A nói chung và đèo Lũng Lô nói riêng, lực lượng công binh và dân công tỉnh Yên Bái đã vinh dự được nhận lá cờ thi đua xuất sắc nhất của ngành Giao thông công chính. Đây là phần thưởng vô cùng cao quý và có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bởi con đường 13A lịch sử, văn hóa ấy cùng mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc hai tỉnh: Yên Bái, Sơn La.

Chiến tranh đã lùi xa, song giá trị lịch sử văn hóa của đèo Lũng Lô vẫn mãi trường tồn cùng sự phát triển và đi lên của dân tộc. Con đường 13A huyền thoại năm xưa nay đã được đổi thành đường 32A, đoạn qua Yên Bái. Để bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa đèo Lũng Lô và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu về Di tích lịch sử đèo Lũng Lô, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, từng bước hoàn thiện quy hoạch khu Di tích.

Qua đó, đã hướng dẫn xã Thượng Bằng La thành lập Ban quản lý Di tích đèo Lũng Lô; phát huy giá trị của Di tích gắn với phát triển du lịch; xây dựng 2 điểm du lịch cộng đồng tại khu Di tích và nông trang Noong Tài thuộc khu vực đèo Lũng Lô. Những kết quả của việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Di tích đèo Lũng Lô sẽ góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng trong sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/