Phát triển du lịch vùng đất quế
Ngày xuất bản: 02/10/2019 3:55:00 CH
Lượt đọc: 81936

Văn Yên - quê hương của đại ngàn quế thơm đang dần trở thành điểm du lịch lý tưởng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Sản phẩm quế Văn Yên được đông đảo khách gần xa ưa chuộng. (Ảnh: Thanh Miền)

Đẩy mạnh phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đón và phục vụ 700.000 lượt khách, trong đó 699.000 lượt là khách nội địa và 1.000 lượt khách quốc tế, Văn Yên đã xây dựng đề án, đề ra các yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch. Huyện xác định các hoạt động du lịch phải gắn với những sự kiện, kỷ niệm lớn của huyện, tỉnh và đất nước.

Trong từng hoạt động phải có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện được nét đặc trưng của sản phẩm du lịch, làm nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc từ các lễ hội độc đáo riêng có ở mảnh đất, con người Văn Yên.

Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch thường niên như: Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ ba năm 2019, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn năm 2019 vào tháng Mười.

Đồng thời, Văn Yên đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp tham gia của các doanh nghiệp, người dân và du khách trong lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách tiếp cận với dịch vụ du lịch. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội nhằm thu hút vốn đầu tư cho phát triển du lịch theo hướng có hiệu quả nhất; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về du lịch; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, bảo vệ cảnh quan môi trường…

Nâng cao chất lượng du lịch, củng cố các điểm du lịch đã có, Văn Yên tập trung đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch của huyện như: xây dựng, quảng bá, nâng cao chất lượng của làng du lịch cộng đồng thôn Cầu Có, xã Đông Cuông, làng du lịch cộng đồng Bản Tát, xã Nà Hẩu; du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, thác Quang Minh; thăm quan rừng quế và khám phá bản sắc văn hóa người Dao các xã Viễn Sơn, Đại Sơn; khai thác du lịch tâm linh tại 20 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là đền Đông Cuông xã Đông Cuông, đền Nhược Sơn xã Châu Quế Hạ và các lễ hội dân gian.

Đặc biệt, Lễ hội đền Đông Cuông đang được huyện lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các di tích cấp tỉnh như đình Khe Lợ xã Yên Phú, đền Đại An xã An Thịnh, đền Phúc Linh xã Lâm Giang, đền Trái Đó xã Yên Hợp đang bị xuống cấp sẽ được huyện trùng tu, nâng cấp.

Để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, nhiều điểm du lịch mới sẽ được Văn Yên xây dựng trong năm 2019 - 2020 để du khách đến với Văn Yên sớm được khám phá, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Dao gắn với đình Tháp Cái xã Viễn Sơn - nơi thờ ông tổ nghề trồng quế của người Dao; thăm đồi hoa Ánh Dương xã Mậu Đông; thưởng ngoạn làng du lịch cộng đồng Cao Sơn gắn với khai thác du lịch suối nước nóng xã Phong Dụ Thượng. Bước đầu đã có 5 hộ gia đình ở thôn Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng kinh doanh du lịch homestay kết hợp với tắm suối nước nóng Làng Ngõa, tham quan khung cảnh thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực và văn hóa dân tộc Tày.

Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, khám phá nhiều hệ thống hang động, rừng nguyên sinh tại xã Nà Hẩu; quần thể thác nước tại xã Quang Minh; đình Tháp Cái, xã Viễn Sơn gắn với bản sắc văn hóa, khôi phục truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, chế tác và truyền dạy thổi sáo Cúc Kẹ của người Xa Phó.

Văn Yên còn thành lập một đội văn nghệ dân tộc Tày tại xã Phong Dụ Thượng biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Tày, người Thái phục vụ du khách; đồng thời lựa chọn các món ăn, đặc sản đặc trưng độc đáo của huyện như: canh bồi bổ sức khỏe, thịt ướp chua của người Dao đỏ; rượu men lá (VIS) của người Dao Viễn Sơn; các loại bánh của dân tộc Tày; gà cẩm, ốc nứa, bánh dày của dân tộc Mông xã Nà Hẩu để du khách thưởng thức và trải nghiệm cách chế biến; lựa chọn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương với số lượng lớn để giới thiệu tại nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế, trang phục dân tộc, gạo nếp Nà Hẩu, mật ong rừng, thịt sấy gác bếp… để du khách sau mỗi trải nghiệm luyến lưu rời vùng đất quế mang theo những kỷ niệm và hương vị khó quên.

Văn Yên đã và đang huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch vùng đất quế một cách bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và bảo vệ tài nguyên môi trường. Một vùng du lịch xanh, đượm hương quế cùng cảnh quan di tích lịch sử, phong tục tập quán say lòng người đang vẫy gọi du khách bốn phương về vùng đất quế. 

Văn Yên đang xây dựng các tour và thực hiện các điểm khai thác du lịch nội huyện như tour đền Trạng -  đền Đông Cuông - đền Nhược Sơn - đền Phúc Linh; tour thác Quang Minh - đình Lắc Mường - đình Chạng - suối nước nóng Phong Dụ Thượng; tour đình Yên Phú - đình Tháp Cái - rừng quế Viễn Sơn. Hai tour nội tỉnh gồm thành phố Yên Bái - hồ Thác Bà - Nà Hẩu - Suối Giàng - Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Tú Lệ - Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái - thác Quang Minh - đình Lắc Mường - đình Chạng - suối nước nóng Phong Dụ Thượng - Tú Lệ (Văn Chấn) cũng được xây dựng. Các tour ngoại tỉnh cũng được hình thành như: đền Hùng - đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) - đền Tuần Quán - Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học - đền Đông Cuông - đền Nhược Sơn (Yên Bái) - đền Bảo Hà - đền Cô Tân An - đền Thượng (Lào Cai) và tour Hà Nội - đền Đông Cuông - khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - làng du lịch cộng đồng Bản Tát - Lào Cai.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/