UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo “ Bài trí, sắp xếp trong di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Đông Cuông, huyện Văn Yên”
Ngày xuất bản: 19/03/2018 9:03:00 SA
Lượt đọc: 65788

Ngày 15/3 UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo “Bài trí, sắp xếp trong di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Đông Cuông, huyện Văn Yên”.

Dự hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Trần Thành – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa và các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực di sản văn hóa như Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh; Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lâm Biền và đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, phong thủy…cũng đến dự.

Về phía tỉnh có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan; Lãnh đạo huyện Văn Yên.

Đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng Ngàn và Thần Vệ quốc đã có công lãnh đạo dân binh đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ bờ cõi. Đền được phát triển từ một miếu cổ thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời nhà Trần. Trải qua thời gian đền được tu bổ tôn tạo nhiều lần, lớn nhất vào các năm 1790, 1924, 1995. Năm 2000, đền được công nhận là di tích cấp tỉnh. Năm 2009 được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh Ủy – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nêu rõ về tầm quan trọng của di tích Đông Cuông đối với tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay hạng mục đền chính đã xuống cấp, để đảm bảo mỹ quan chung cho khuôn viên di tích thì hạng mục đền chính cần được tu bổ, tôn tạo lại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, tri ân các bậc tiền nhân đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Nhận thức được tầm quan trọng đó, UBND tỉnh Yên Bái đã lập dự án tôn tạo hạng mục đền chính bằng nguồn vốn xã hội hóa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Việc bài trí, sắp xếp tượng và đồ thờ trong đền chính sau khi hoàn thành là việc làm quan trọng cần được bàn bạc kỹ lưỡng, sao cho không trái với quy định thờ cúng trong đạo mẫu, đồng thời mang nét đặc trưng truyền thống của đền Đông Cuông so với các ngôi đền khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi với các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa. Các ý kiến đưa ra nhiều giải pháp và ý nghĩa riêng, nhưng tựu chung đều hướng đến xây dựng ngôi đền đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho việc cúng tế và rước mẫu.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh nêu ý kiến: “Đền Đông Cuông là ngôi đền có từ lâu đời, việc đạo mẫu du nhập và biến đổi ứng với văn hóa các vùng, miền là chuyện dễ hiểu, đây có thể xem là nơi phát tích thờ mẫu Thượng ngàn của nước ta. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo cần giữ được tính nguyên gốc của ngôi đền cũ về hướng, gian hậu cung phải là nhà sàn theo truyền thống đồng bào Tày trong vùng…”

Giáo sư Trần Lâm Biền cho ý kiến: “Đây là ngôi đền có vị trí tuyệt đẹp, quay hướng nam – là hướng của sự sinh sôi nảy nở, hướng của vũ trụ, phía trước ngôi đền có dòng nước chảy qua tạo sự hòa hợp âm dương đất trời. Phần hậu cung phải làm 2 cầu thang lên xuống ở hai bên để tránh phạm húy khi ra vào…”

Cuối cùng đồng chí Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị nêu kết luận:

- Việc tu bổ, tôn tạo hạng mục đền chính cần tuân thủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa, kiến trúc phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của ngôi đền, đồng thời phải phù hợp với văn hóa của đồng bào Tày Khao trong vùng.

- Cần có quy hoạch, đảm bảo tính tổng thể hài hòa về kiến trúc các hạng mục và cảnh quan xung quanh ngôi đền.

- Đền mang kiến trúc chữ Công. Hướng và vị trí thực hiện như khuôn mẫu cũ. Vật liệu thi công đền chính là nhà gỗ cột tròn, tường xây, mái lợp ngói vẩy. Thiết kế bên trong cần đảm bảo không gian đáp ứng yêu cầu chiêm bái của nhân dân.

- Phương án bài trí cần tôn trọng tính nguyên gốc. Gian hậu cung là nhà sàn thờ mẫu Thượng Ngàn và quan Hoàng Báo, tượng đặt ngang nhau, tượng quan Hoàng Báo đặt thấp hơn tượng mẫu. Hai bên đặt 2 cầu thang lên xuống.

- Vị trí các ban thờ giữ nguyên như hiện nay. Vật liệu ban thờ có thể cân nhắc giữa bê tông và gỗ sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và tính lâu dài./.

                            

                                                                                  Hà Trọng Lĩnh

                                                                   TTQLDT&PTDL

 

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/