Yên Bái: Nghĩa Lộ phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch
Ngày xuất bản: 07/11/2021 11:04:00 CH
Lượt đọc: 9328

Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan, con người cùng bản sắc văn hóa đặc sắc, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) có nhiều tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch. Do vậy, những năm qua, thị xã đã triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư tạo sức bật cho thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển gắn với mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Hàng thổ cẩm được bày bán ở chợ Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch đến cơ sở homestay Luật Phượng, xã Nghĩa An giảm sút chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Tuy nhiên, nhờ tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của người Thái trên các trang mạng xã hội nên nguồn thu của gia đình bà vẫn được duy trì. 

"Thông qua hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, gia đình tôi đã xây dựng lò sấy để làm các sản phẩm như: trâu sấy, lợn sấy, lạp sường và các đồ chấm mang đặc trưng của người Thái nơi đây nên thu nhập của gia đình vẫn được duy trì do tăng doanh thu từ bán hàng” - bà Hoàng Thị Phượng - chủ homestay Luật Phượng chia sẻ.

Cùng với các cơ sở lưu trú, ẩm thực, các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác cũng được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm đầu tư, phát triển. Bà Trần Thị Thiên Lý - một tiểu thương ở chợ Mường Lò cho biết: "Trước đây, tôi chỉ có 1 sạp hàng với ít hàng hóa nhưng mấy năm gần đây được Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng chợ, đẩy mạnh phát triển du lịch nên tôi có điều kiện mở rộng kinh doanh. Cũng nhờ đó, nhiều trang phục dân tộc của người Thái như: áo cỏm, vòng xòe, khăn thổ cẩm… được du khách biết đến, tìm mua để làm quà tặng khi đi du lịch”. 

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có 1.836 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và gần 50 khách sạn, nhà nghỉ, homestay; trong đó, có nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị: Viettel, FPT, Điện Máy Xanh, Media mart... đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch, những năm qua, thị xã tập trung phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa OCOP như: gạo Séng cù, gạo Hương chiêm, thịt hun khói, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh... gắn với phát triển du lịch công đồng tại các xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa An, Nghĩa Phúc. 

Bên cạnh đó, thị xã đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, tạo sức bật cho thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển; chuyển đổi mô hình quản lý chợ; đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, khang trang. Các sản phẩm thế mạnh địa phương được thị xã quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, góp phần thu hút du khách, tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về quy định của pháp luật trong kinh doanh, thương mại gắn với du lịch. 

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: "Ngoài việc triển khai, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Phòng tham mưu với thị xã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển các loại hình kinh doanh: khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. 

Với những giải pháp hiệu quả, đúng hướng trong phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch, nên dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 1.512 tỷ đồng, bằng 70,5% kế hoạch; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 160 tỷ đồng, bằng 63,5% kế hoạch; số lượt du khách ước đạt 101.600 lượt người, bằng 56% kế hoạch, doanh thu đạt 67,9 tỷ đồng, bằng 60,1% kế hoạch.

Giai đoạn 2021 - 2025, Nghĩa Lộ đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã văn hóa - du lịch. Do vậy, thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ du lịch, thương mại, dịch vụ để giúp các cơ sở kinh doanh duy trì, phục hồi hoạt động trong đại dịch; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về du lịch, kinh doanh dịch vụ; tiếp tục quán triệt thực hiện Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, tham gia đầy đủ các chương trình kích cầu du lịch nội địa do trung ương, vùng, miền tổ chức; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện các giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tự đánh giá an toàn Covid trên hệ thống phần mềm trực tuyến của Tổng cục Du lịch...

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/