Yên Bái phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa
Ngày xuất bản: 12/04/2019 8:17:00 SA
Lượt đọc: 80042

Yên Bái là tỉnh miền núi có nền văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, trong đó có một số di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia như: lễ Cấp sắc của người Dao và nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ...

Đảo xanh trên hồ Thác Bà

Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng đã và đang được các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở tạo điều kiện phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để "ngành công nghiệp không khói” ngày càng phát triển.

Tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Cụ thể, năm 2018 vừa qua, tỉnh đã đón trên 560.000 lượt khách, trong đó có gần 26.000 lượt khách quốc tế, còn lại là khách nội địa, tăng gần 10% so với lượng khách du lịch đến địa phương năm đầu nhiệm kỳ 2015 và tăng 21% doanh thu từ dịch vụ du lịch.

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 DSVH, trong đó trên 700 DSVH vật thể và trên 400 DSVH phi vật thể.

Xác định giá trị của DSVH là một trong những tiềm năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là DSVH phi vật thể gắn với phát triển du lịch bền vững.

Điển hình là 5 DSVH: Lễ cầu mùa của dân tộc Dao đỏ, xã Khai Trung (Lục Yên); Lễ hội Thác Bà, thị trấn Thác Bà (Yên Bình); Lễ cúng rừng của dân tộc Mông, xã Nà Hẩu; nghệ thuật trình diễn, làm sáo mũi cúc kẹ và hát dân ca của dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, Lễ hội đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ (Văn Yên).

Ngoài ra, một số nghề truyền thống dân tộc cũng đang được bảo tồn, như: nghề đan rọ tôm của dân tộc Cao Lan; nghề nấu rượu đao của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn của dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của các dân tộc Mông, Thái, Mường…

Cũng giống các tỉnh trong khu vực có ngành du lịch phát triển như Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu…, Yên Bái đang nỗ lực bảo tồn các làng cổ dân tộc thiểu số nhằm thu hút du khách đến tham quan, du lịch và tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động. Thậm chí, cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian; cùng sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống như làng cổ Pang Cáng của dân tộc Mông, xã Suối Giàng; làng cổ Viềng Công của dân tộc Thái, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn)… hiện còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa về kiến trúc, khuôn viên làng nghề thủ công, nhà cửa và văn hóa phi vật thể như: chữ viết, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội…

Trên cơ sở các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị DSVH, tỉnh đã mở tuyến du lịch văn hóa "về cội nguồn" nhằm giới thiệu tiềm năng, khai thác lợi thế du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế địa phương như: tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đêm giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái giữa lòng thủ đô Hà Nội; Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ”; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và Lễ hội quế Văn Yên; du lịch trên bình nguyên xanh Khai Trung (Lục Yên); hồ Thác Bà (Yên Bình)…

Đặc biệt, năm 2013, Yên Bái đã ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng với bạn bè, du khách trong và ngoài nước bằng thành công của việc tổ chức màn đại xòe tại thị xã Nghĩa Lộ, xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Hoặc như Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia.

Cũng như nhiều nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp như: cúng thóc giống, cúng nương, cúng cơm mới, cúng hồn lúa, cầu mưa…, Cấp sắc là nghi lễ độc đáo, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao, giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Tại buổi lễ, người được cấp sắc và những người tham dự được hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc để nâng cao ý thức bảo tồn phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Đây thực sự là những giá trị di sản phong phú, đặc sắc, có vị trí quan trọng trong kho tàng DSVH các dân tộc Việt Nam cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy. Đơn cử, đã có rất nhiều giá trị DSVH của dân tộc Dao huyện Yên Bình được phát huy thông qua các hoạt động du lịch trên đảo hồ và khu vực Đông hồ Thác Bà... qua lượng du khách tăng hàng năm: năm 2012 gần 3.000/23.000 lượt khách quốc tế, năm 2016 là 5.000/30.000 lượt khách quốc tế và năm 2018 vừa qua, số lượng du khách tới tham quan khu du lịch Ngòi Tu và các xã vùng Đông hồ Thác Bà tăng trên 120.000 lượt.

Nghề đan rọ tôm của đồng bào Cao Lan được duy trì và phát triển

Những giá trị to lớn của danh thắng hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Phù Lá, Cao Lan… vùng sông Chảy đã và đang góp phần hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, mang đặc trưng riêng của Yên Bái, ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1775 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, dự kiến năm 2025, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà sẽ đón khoảng 380.000 lượt khách với trên 40.000 lượt khách quốc tế và năm 2030 sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách với trên 140.000 khách quốc tế.

Phát triển du lịch trên nền tảng DSVH cả vật thể và phi vật thể chẳng những giúp Yên Bái tôn tạo, bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa có nguy cơ bị xuống cấp, bị thất truyền mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nguồn nội lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Bộ Chính trị đã khẳng định: "…

Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các DSVH và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”. Vì vậy, cùng với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn DSVH, Yên Bái cần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân trong tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa, giá trị và tăng cường công tác bảo vệ các DSVH. Khuyến khích, động viên, khen thưởng sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/