Các món ăn mang tính biểu tượng văn hóa trong ẩm thực của người Thái đen Mường Lò
Ngày xuất bản: 14/02/2021 4:27:00 SA
Lượt đọc: 25265

Mường Lò là nơi sinh sống quần cư đầu tiên của người Thái Đen. Đây chính là quê tổ của người Thái đen không những ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác như Lào, Thái Lan, Myanma… Mường Lò còn là vựa lúa lớn thứ hai của vùng Tây Bắc với cánh đồng trải dài trên 29km2, đất đai tươi tốt, phì nhiêu, thiên nhiên phong phú và thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc Thái đen sinh sống, cư trú ổn định lâu dài tại đây và đã trở thành một dân tộc có trình độ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế, văn hóa đạt tới trình độ cao. Cùng với đó, sự phong phú về các nguồn lợi thực phẩm, thủy sản đã tạo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển đa dạng về loại hình và làm nên sự nổi tiếng về văn hóa ẩm thực của người Thái đen ở Mường Lò.

Văn hóa ẩm thực của người Thái đen Mường Lò nổi tiếng cả nước với kỷ lục Guinness Việt Nam “Mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam”. Các món ăn của người Thái đen Mường Lò được mọi người yêu thích không chỉ bởi sự đa dạng, phong phú, cầu kỳ trong việc sử dụng, lựa chọn nguyên liệu mà còn ở sự phức tạp trong khâu chế biến đối với từng loại món ăn khác nhau cho mỗi thời điểm, mỗi dịp lễ- tết- hội khác nhau mà người dân vẫn nói nôm na là: “mùa nào thức ấy”. Trong đó có rất nhiều món ăn mang tính biểu tượng văn hóa, chúng không chỉ đẹp về hình thức, màu sắc, ngon, bổ về thành phần dinh dưỡng; cách chế biến cầu kỳ với rất nhiều gia vị và phụ gia phong phú, mà chúng còn truyền tải trong đó những ý nghĩa nhân văn, những biểu tượng mang tính văn hóa cho cả cộng đồng dân tộc. Chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn như:

Pảnh xíp xí: Là loại bánh gắn liền với tết xíp xí (14/7 âm lịch) của người Thái đen ở Mường Lò. Người Thái đen không có nhiều các loại bánh như các dân tộc khác, nhưng mỗi loại bánh của người Thái lại gắn liền với những lễ hội, gắn liền với mỗi cái tết như một biểu tượng về văn hoá. Vì thế nói đến tết xíp xí, người dân nghĩ ngay tới bánh xíp xí (Pảnh xíp xí).

Trong năm, tết xíp xí là tết lớn và quan trọng nhất đối với người Thái đen. Ở tết này, người dân tạm gác lại tất cả các công việc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nghỉ ngơi và vui chơi trong những ngày tết. Đặc trưng nhất trong văn hóa ẩm thực của tết xíp xí đó là Pảnh xíp xí. Bánh síp xí được gói theo kiểu đặc biệt, 2 chiếc bánh gói thành một cặp cùng với cách chế biến độc đáo. Để làm bánh xíp xí cần có các nguyên liệu:  Bột gạo nếp, đỗ xanh, lạc, thịt gà, muối, lá chuối dùng gói bánh.

Pảnh xíp xí trong ngày tết 14/7 của người Thái đen biểu đạt một ý nghĩa vô cùng quan trọng và sâu sắc. Đó là biểu tượng cho sự phồn thực của các cư dân sản xuất nông nghiệp với mong muốn các thần thánh phù hộ cho sự sinh sôi nảy nở, vạn vật phát triển tươi tốt, mùa màng thuận lợi. Tết xíp xí là tết cầu mùa, cầu cho cây lúa với các nghi thức quan trọng trong ngày xíp xí như tổ chức lễ cúng ruộng tại bờ ruộng (tám tế na); tổ chức cúng vía trâu (tám khuôn quai) vì con trâu là “đầu cơ nghiệp” của những người sản xuất nông nghiệp. Và người dân làm pảnh xíp xí có hình dạng của bộ phận sinh dục của con trâu, dùng cúng tổ tiên trong ngày tết (đây là tín ngưỡng phồn thực của người Thái đen) với mong muốn làm pảnh xíp xí càng to, con trâu càng khỏe, sản xuất nông nghiệp càng tốt, vạn vật ngày càng sinh sôi phát triển. Chính vì thế, pảnh xíp xí mang ý nghĩa văn hóa và biểu trưng sâu sắc trong văn hóa ẩm thực của người Thái đen Mường Lò.

Khẩu cắm nhọm (xôi ngũ sắc): Vào các dịp tết Nguyên Đán, rằm tháng Giêng, tết xíp xí 14/7, lễ cơm mới, trong lễ cúng tế tổ tiên bao giờ cũng có Khẩu cắm nhọm (xôi ngũ sắc)- cơm màu xanh- đỏ- tím- vàng- trắng, với 5 màu sắc thể hiện cho tất cả các màu của các đồ vật trên thế gian mà con người muốn dâng tặng để cảm tạ tổ tiên thần thánh. Điều này mang ý nghĩa mọi thứ của trời đất mà con người có được đều muốn dâng cúng tổ tiên.

Từ các chất liệu màu của thiên nhiên, người dân đã biết chiết xuất ra các thứ màu khi xôi cơm vừa thơm ngon, vừa đẹp mắt mà hoàn toàn không hại tới sức khoẻ. 5 thành phần trong xôi ngũ sắc- một đặc sản nổi tiếng của vùng “gạo trắng, nước trong” Mường Lò được làm từ: Khẩu nửng (xôi trắng), khẩu cắm khiêu (xôi màu xanh); khẩu cắm lanh (xôi màu đỏ); khẩu cắm lăm (xôi màu tím) và khẩu cắm lương (xôi màu vàng).

Việc duy trì và cúng tế xôi ngũ sắc cho tổ tiên vào các dịp tết còn biểu hiện các giá trị đạo đức, giáo dục truyền thống cho con cháu sau này của người Thái đen phải luôn nhớ công ơn tổ tiên, nhớ ơn những người đi trước đã gây dựng cuộc sống. Bởi vậy, vào các dịp lễ tết quan trọng trong năm, con cháu phải nhớ công ơn của tổ tiên mà dâng cúng mọi thứ cho tổ tiên được thể hiện qua năm màu của cơm xôi được dâng cúng.

Pa bẳng- Pa háp (cá muối đựng ống trong lễ cưới và cá sấy): Pa bẳng- Pa háp là phần không thể thiếu được trong lễ cưới người Thái đen. Pa bẳng - Pa háp tạo thành một cặp “bẳng- háp” để dâng cúng tổ tiên của nhà gái trong lễ cưới, thể hiện lòng hiếu thảo của chú rể đối với tổ tiên và gia đình bên nhà gái trong lễ cưới truyền thống. Đây là lời cảm ơn của chàng rể, trước hết là đối với “ông bà vãi” (ông bà ngoại), bố, mẹ vợ rồi tới anh em cô dì, chú bác bên gia đình nhà gái đã có công sinh thành ra cô dâu, nuôi nấng dạy bảo khôn lớn cho tới ngày đi lấy chồng. Đồng bào cho rằng, không có ông bà vãi, không có bố mẹ sinh thành ra cô dâu thì chàng rể sẽ không lấy được cô gái đó về làm vợ. Bởi vậy, chú rể phải có lễ vật để cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của ông bà vãi, bố mẹ vợ, sau đó cảm ơn tới cô dì, chú bác của cô dâu, là những người luôn luôn dạy bảo, chăm sóc cho cuộc sống từ nhỏ đến khi trưởng thành... Chính vì vậy, lễ vật “bẳng- háp” được chế biến rất cẩn thận, cầu kỳ và đẹp mắt, đó là món quà cho mỗi người, mỗi gia đình anh em của cô dâu sau khi kết thúc lễ cưới. Món lễ quý hiếm này chỉ được trao đầu tiên cho người kính trọng nhất trong mâm cưới đó, trước hết phải là ông bà vãi và người cao tuổi nhất, sau đó mới tới những người khác trong gia đình.

Ngoài ra cá ống Pa bẳng và cá giỏ Pa háp còn mang đậm yếu tố văn hoá phồn thực của dân cư nông nghiệp. Trong lễ cưới, đồng bào dâng cúng tổ tiên cá Pa bẳng  Pa háp thể hiện cho những mong muốn về sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển của tự nhiên và con người, đồng bào luôn luôn mong muốn cho tất cả đều được phát triển, đều được sinh sôi... Chú rể làm cá Pa bẳng, Pa háp dâng cúng tổ tiên còn cầu xin cho được đông con nhiều cháu, cầu xin tổ tiên phù hộ cho được duy trì và phát triển giống nòi. Chính vì vậy mà cá Pa bẳng và Pa háp không thể thiếu được trong lễ cưới của người Thái đen ở Mường Lò. Hai món cá chế biến theo hai cách khác nhau Pa bẳng đựng trong ống nứa, Pa háp đựng trong giỏ tre nhưng không thể thiếu một trong hai thứ được và càng không bao giờ “Pa bẳng- Pa háp” đi riêng lẻ.

Cho tới ngày nay, ở Mường Lò có nhiều sự thay đổi và phát triển, một số phong tục truyền thống đã mai một nhưng tục lấy cá Pa bẳng và Pa háp làm lễ vật trong lễ cưới vẫn được gìn giữ và bảo tồn trong đời sống văn hoá của người dân nơi đây. Nó biểu trưng cho lòng biết ơn, biểu trưng cho các giá trị nhân văn cao cả.

Pa pỉnh tộp- Cá mổ lưng gấp nướng:“Pa pỉnh tộp” là món ăn đặc trưng của người Thái đen, nói đến ẩm thực Thái đen là nói đến pa (cá), mà nói đến cá là nói đến món “Pa pỉnh tộp”, đây là món ăn không thể thiếu tại vùng người Thái đen, ai đến vùng người Thái đen ở Mường Lò thì không thể không ăn món “Pa pỉnh tộp”. Sức hấp dẫn của mùi vị, sự kết hợp giữa cá, gia vị nướng trên bếp than hồng cùng với nguyên liệu đặc trưng mà món “Pa pỉnh tộp” thường xuyên có mặt trong các bữa cơm hàng ngày cho tới các mâm cỗ đãi khách quý trong các dịp lễ tết, hội hè.

Để làm món “Pa pỉnh tộp” cần có: cá, tỏi, hạt sẻn (mák khén), rau phắc nam, rau cải nương non, rau mùi, ớt, rau húng, hành, gừng, muối. Cá mổ dọc sống lưng và làm sạch sẽ, bỏ các vây, nhồi gia vị và dùng một cặp gắp bằng tre tươi cặp ngang qua mình cá khi đã được gấp đôi và dùng lạt buộc chặt đầu kia của cặp để giữ cá, sau đó nướng cá trên bếp than hồng.

“Pa pỉnh tộp” được xem là biểu trưng trong văn hóa ẩm thực của người Thái đen Mường Lò. Người dân nơi đây cho rằng, lên đến Mường Lò nếu du khách chưa được thưởng thức món “pa pỉnh tộp” thì chưa được gọi là tới Mường Lò. Điều này thể hiện sự quan trọng và đặc trưng của món ăn trong văn hóa ẩm thực của người Thái đen nơi đây.

Nguồn : Hội VHNT Yên Bái

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/