Cao lá bách thảo – nét tiêu biểu của tri thức y học dân gian của người Cao Lan xã Tân Hương, huyện Yên Bình
Ngày xuất bản: 26/07/2018 2:03:00 CH
Lượt đọc: 69718

 Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Cao Lan ở Yên Bái có 8.461 nhân khẩu sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện Yên Bình như: Tân Hương, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; 2 xã thuộc huyện Trấn Yên là Hòa Cuông, Minh Quán và các xã Yên Phú, Yên Hợp thuộc huyện Văn Yên. Người Cao Lan ở Yên Bái còn gọi Sán Chay, nói ngôn ngữ Tày – Thái.

Nhắc đến người Cao Lan là nhắc đến kho tàng văn hóa nghệ thuật, tri thức dân gian phong phú, được bảo tồn gần như còn nguyên vẹn. Những tri thức dân gian của họ rất đa dạng, được truyền lại từ nhiều thế hệ. Một trong số đó phải kể đến cao lá bách thảo, một nét tri thức y học dân gian tiêu biểu .

Người Cao Lan ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình có những kinh nghiệm sử dụng cây thuốc dân gian rất riêng. Như nhiều dân tộc khác, đồng bào có quan niệm “vạn vật hữu linh” - mọi sự vật đều có linh hồn, cho nên trong tri thức dân gian về y học họ tôn trọng và tôn vinh thần Dược. Người Cao Lan có tục lệ, người bệnh sau khi được bốc thuốc và chữa khỏi thì phải làm lễ tạ đối với thần Dược ở trên rừng hoặc tại nhà thầy lang. Lễ vật dâng cúng thường có: gà, xôi, hoa quả, rượu, tiền, một bộ quần áo hoặc một tấm vải dài.

Một trong nhiều phương thuốc gia truyền được truyền lại là nghề nấu cao từ rất lâu đời, có khả năng chữa, bổ trợ và điều trị các bệnh như liệt, bệnh phụ nữ, hậu sản, cam sài trẻ em, thấp khớp, kém ăn, mất ngủ, dạ dày, đại tràng, ho… Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là bài thuốc cổ truyền được nấu bằng hàng trăm loại thảo dược, có tên gọi là Cao Lá Bách Thảo (tiếng Cao Lan là cao Bếch Dịch- chữa được bách bệnh). Tiêu biểu cho cơ sở nấu cao Lá Bách Thảo là người Cao Lan ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Cao Lá Bách Thảo có sự tổng hợp của hơn 600 loại thảo dược với thành phần chính là 120 loại cây như: Cây sơn thục, cây nâu sành, nâu đá, tắc kè đá, ngũ gia bì, các loại nghệ đen, nghệ gió, nghệ vàng, các loại giềng, các loại gừng tía, gừng gió, xả chanh, lưỡi hổ, chuối rừng, đốm gai, cỏ ké, cây tràm lá nhỏ, cây biến hoá, gió co, gấu tàu, chè vè, cây xậy, cây mào gà, dây bong bóng, gứa đỏ, gứa gai v.v… chữa khỏi nhiều căn bệnh, giúp tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh tật. Thứ lá và cây được hái là các loại thuốc thảo dược chuyên chữa bệnh, các loại lá và cây chủ yếu ở trên rừng, số ít trồng quanh nhà.

Để ra đời sản phẩm Cao Lá Bách Thảo hoàn chỉnh là phải tuân thủ theo trình tự các bước lần lượt sau: từ khâu đầu tiên lấy thuốc mang về rồi chặt, băm thành từng miếng nhỏ rửa sạch, sau đó cho vào các nồi đun, lọc và cô đặc lại thành cao. Các nguyên liệu sau khi chuẩn bị phải phơi khô để thảo dược không bị mốc và có thể để lâu ngày.

 

Nguyên liệu nấu cao Bách Bệnh (Ảnh: Ngọc Chiến)

Khi đã đủ số dược liệu cần thiết cho một mẻ cao thì tiến hành cho thuốc và lượng nước vừa đủ: thảo dược cho vào đầy đến miệng nồi, cho nước ngập qua thuốc vào nồi đun khoảng 6 - 7 tiếng để thuốc ra hết cốt và phần tinh tuý của thảo dược.

Trong quá trình nấu nhất thiết phải tỉ mỉ ở từng khâu và từng công đoạn để có nồi cao chất lượng. Lửa phải đều, cháy to rồi giảm dần liên tục trong suốt quá trình nấu, tùy từng công đoạn để có thể cho lửa phù hợp. Được vậy cao mới tốt, mới chắt được cái tinh tuý từ các loại cây thuốc khi chúng đã nhừ, tan mịn ra thành bột vậy là hoàn thành một công đoạn.

 

Hệ thống nồi nấu Cao Bách Bệnh (Ảnh: Ngọc Chiến)

Các loại thuốc sau khi được nấu ít nhất trong 1 ngày rưỡi sau đó bỏ bã và tiếp tục nấu các nguyên liệu còn lại cho đến hết nguyên liệu. Bước tiếp theo là lọc thuốc qua 4 lớp vải trắng và đổ ra một nồi khác và tiếp tục cho lên đun “cách thuỷ” khoảng 2 ngày 2 đêm. Khi thấy nồi cao cô đúc, đặc sánh lại là được. Cuối cùng là đổ ra khuôn đợi cho đến khi nguội thì bỏ ra và cắt thành miếng to nhỏ tuỳ theo đơn hàng người mua. Người dân địa phương thường xuyên đến xin những nguyên liệu đã được nấu lấy bã mang về tắm giúp khỏe người có thể khỏi các bệnh thông thường như cảm, ho, phong hàn, các bệnh về da liễu, dị ứng. Dùng uống kết hợp với tắm bã thuốc thường xuyền giúp thuyên giảm các bệnh liệt, thoát vị đĩa đệm, vôi hóa đốt sống. Cao Lá Bách Thảo là loại thuốc gia truyền quý không gây độc hại mà lại có khả năng giúp bổ trợ, chữa khỏi các bệnh và được coi như thuốc bổ vì người dùng cao thường xuyên sẽ có một sức khoẻ tốt, ăn ngon ngủ khoẻ… Ngoài ra, bã thuốc sau khi nấu cao được người dân dùng tắm giúp hỗ trợ chữa bệnh.

Mỗi mẻ cao nấu trong vòng 7 ngày, để hoàn thành hết 1 đợt nấu của mỗi hộ gia đình hoàn thành trong 1 tháng. Cao Lá Bách Thảo nấu cũng chỉ được 2-3 đợt/năm, mỗi đợt khoảng 1 tháng, mỗi lần như vậy thu về được nhiều nhất cũng chỉ 20 - 30kg/lần. Các công đoạn nấu cao cứ liên tục nên các thành viên trong nhà phải thay phiên nhau trực và thức đêm cho đến lúc nào mẻ cao hoàn thành đổ ra khuôn thì mới được nghỉ ngơi. Mỗi lạng cao có giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, tương đương với 2.000.000 đến 5.000.000 đồng/kg. Mỗi năm số thảo dược quý ngày một ít đi và người Cao Lan ở Tân Hương đã và đang nhân giống bảo vệ các cây thuốc bằng cách mang về để trồng ở trong khu vườn của nhà mình. Đó là một trong những biện pháp nhằm duy trì phát triển nghề cao lá Bách thảo cũng như góp phần bảo vệ môi trường của người Cao Lan.

Lâu nay công dụng về Cao Lá Bách Thảo đã đồn xa từ người trong huyện, trong tỉnh, đến các tỉnh lân cận, người trong Nam ngoài Bắc như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắc Nông, Đắc Lắc… sau một thời gian sử dụng vẫn tiếp tục tìm mua. Việc gìn giữ và phát triển nghề cao Lá Bách Thảo nói riêng, tri thức y học dân gian nói chung của người Cao Lan xã Tân Hương cần được bảo tồn và phát huy nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan./.

Ly Ly

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/