Di tích Đền Bà Áo Trắng
Ngày xuất bản: 22/04/2019 10:23:00 SA
Lượt đọc: 115011

Đền Bà Áo Trắng có tên gọi khác là Đền Lũ Điền, lấy theo tên của vùng đất Lũ Điền, thuộc tổng Giới Phiên, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa trước kia. Thuộc địa phận thôn 3 xã Hợp Minh – thành phố Yên Bái, bên bờ sông Hồng, nơi hợp lưu với ngòi Lâu, đối diện với di tích lịch sử cấp quốc gia bên Âu Lâu, Đền là nơi thờ Mẫu Đệ Tam –Thoải Phủ cai quản miền sông nước.

Không gian di tích Đền Bà Áo Trắng

Theo tương truyền, Mẫu Thoải Phủ là cô công chúa út của Bắc Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình rẽ nước biển lên trần gian dạo chơi. Nhưng khi vua cha cho đóng cửa biển lại, nàng công chúa không tìm được đường về lại thủy cung nên đã ở lại trần gian đầu thai tu nhân tích đức.

Từ một cô bé, dần dần nàng đã trưởng thành xinh đẹp, ngoan hiền đức độ được người dân phong là công chúa thủy phủ, đức hạnh ngày càng cao siêu nên được mệnh danh là Mẫu Thủy Phủ, là mẹ của người dân miền sông nước. Bà thường hiển linh, phù hộ cho những người đi làm ăn trên sông nước hay biển cả khỏi sóng to gió lớn, cứu vớt những vong linh bị đuối nước đưa lên bờ để họ không còn phải chịu cảnh lạnh giá. Chính vì vậy mà bà đã được người dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp các cửa ngòi, cửa sông, cửa biển, dân gian thường gọi với cái tên thân thiện là mẹ nước. Cùng với mẹ đất (Mẫu Địa Phủ) cai quản đất đai, mẹ rừng (Mẫu Thượng Ngàn) cai quản rừng núi, mẹ trời (Mẫu Thượng Thiên) cai quản trời và mẹ nước, hay còn gọi là Mẫu Thoải Phủ cai quản miền sông nước, biển cả.

Di tích đền Bà áo Trắng còn gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra từ những năm 1945 – 1954. Đền để lại nhiều dấu ấn và là nơi có đóng góp quan trọng trong hoạt động của du kích địa phương, nơi Bộ Tư lệnh Liên khu 10 tổ chức các lớp học quân chính (1948), nơi kết nạp những cán bộ ưu tú địa phương cho Đảng xem xét, là trạm dưỡng thương cho các chiến sĩ, nơi tập kết cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn của cả nước.

Ban đầu đền được dựng bằng tre, gỗ thô sơ và rước chân nhang từ đền Hùng về thờ phụng. Trải qua thời chiến tranh cũng như những cơn lũ lớn, đền  hư hỏng và xuống cấp đã được nhân dân cùng với du khách thập phương đóng góp trùng tu, tôn tạo nhiều lần, lần đầu tiên vào năm 1936, tiếp theo là các năm 1745, 1972, cuối cùng là năm 2007 đền được xây dựng kiên cố bằng gạch, mái lợp ngói như ngày nay. Hàng năm, các lễ hội của đền đực tổ chức vào ngày 10/1 (âm lịch) lễ chay, ngày 25/2 – 27/2 (âm lịch) chính lễ, ngày 25/8 (âm lịch) lễ chay. Chính lễ diễn ra từ ngày 25 - 27 /2 âm lịch, có khi kéo dài hết ngày 28/2 âm lịch.

Hoạt động biểu diễn văn nghệ trong lễ hội Đền Bà Áo Trắng

Hiện tại di tích đền Bà Áo Trắng còn lưu giữ một số cổ vật, di vật như: lư hương cổ cỡ nhỏ và rương đượng sắc phong được sơn son, thiếp vàng mang đậm chất nghệ thuật triều Nguyễn. Song vẫn chưa được đầu tư, trùng tu, tôn tạo để xứng với tầm vóc lịch sử của mình. Ngày 10/10/2012, đền Bà Áo Trắng vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là dịp người dân và du khách thập phương thể hiện tấm lòng thành kính đối với Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hay còn gọi một cách thân thiện là mẹ nước.

Đỗ Vân

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/