Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ, một địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch miền Tây Yên Bái
Ngày xuất bản: 09/08/2018 8:48:00 SA
Lượt đọc: 63428

Thị xã Nghĩa Lộ - Cửa ngõ miền Tây của tỉnh Yên Bái nằm cách Thành phố Yên Bái khoảng 90km. Nhìn từ trên cao, Nghĩa Lộ hiện ra nhỏ bé nằm thu mình giữa cánh đồng bao la, bất tận đó là cánh đồng Mường Lò một trong 4 cánh đồng lớn nhất vùng tây bắc.

Đến với Nghĩa Lộ chúng ta có thể đi tham quan rất nhiều các bản làng văn hóa, du lịch cộng đồng, trải nghiệm nét văn hóa người Thái Đen, các khu di tích lịch sử gắn với các cuộc chiến đấu hy sinh bảo vệ vùng đất quê hương tươi đẹp này. Trong đó, phải nhắc đến khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nơi đã đánh dấu trận đánh oanh liệt, sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng đổi lấy sự bình yên cho các bản làng, cho người dân nơi lòng chảo Mường Lò này.

Đến với khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ chúng ta sẽ được nghe kể về  những chiến công hào hùng nhất, oanh liệt nhất và danh sách tên của các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, được hiểu thêm về lịch sử kháng chiến của quân ta cùng với các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Năm 1952, cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chống lại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp liên tiếp dành thắng lợi trên khắp các mặt trận, trên khắp các chiến trường từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn…vì  vậy  mà thực dân Pháp đã chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định vùng tạm chiếm, củng cố trong đó có cả vùng Nghĩa Lộ Mường Lò.

Đồn Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi) chính là nơi đóng Sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, được bố trí binh hỏa lực mạnh, hệ thống công sự kiên cố vững chắc nằm trên đỉnh một quả đồi nên rất dễ khống chế xung quanh, đây chính là một lợi thế cho quân và dân ta nhưng cũng là cái gai trong mắt bọn giặc nên chúng muốn tiêu diệt, phá hủy. Đến ngày 16 – 10 – 1952 cả Nghĩa Lộ rung chuyển, đồn Pú Chạng bị uy hiếp mạnh mẽ và đến đúng 7 giờ 05 phút ngày 17 – 10 – 1952 ta bắt đầu nổ súng tấn công Pú Chạng dưới sự chỉ huy của Trung đoàn Thủ Đô. Cuộc chiến diễn ra cực kỳ ác liệt nhưng chỉ đến 3 giờ 23 phút ta đã hoàn toàn làm chủ đồn Pú Chạng.

Căng Nghĩa Lộ nằm trên một quả đồi thấp, bằng phẳng rộng khoảng 4000m2. Đây chính là trại giam, nơi mà thực dân Pháp dùng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng: những đảng viên cộng sản kiên trung, những người con Việt Nam yêu nước dám đứng lên đấu tranh đánh đổ đế quốc phong kiến đòi độc lập tự do dân tộc. Đặc biệt hơn nơi đây còn là nơi bọn địch đã ra tay sát hại 9 đồng chí chiến sĩ cách mạng của ta, những người đã hy sinh thân mình để giải thoát cho các đồng chí khác ra ngoài trại giam tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến dành chính quyền trên khắp cả nước. Đó là các đồng chí:

1.       Nguyễn Văn Bẩy

2.       Nguyễn Văn Hiếu

3.       Nguyễn Đăng Kim

4.       Nguyễn Văn Phùng

5.       Nguyễn Doãn Duyệt

6.       Đinh Nhu

7.       Phạm Quang Thẩm

8.       Phạm Văn Vy

9.       Nguyễn Văn Hương

Hiện nay, khi đến với Căng và Đồn Nghĩa Lộ ta sẽ thấy được một khung cảnh trang nghiêm với bức tượng đài của các anh hùng trong thế hiên ngang,  với ngôi mộ tập thể chôn cất các chiến sĩ bị thực dân pháp sát hại, bia đá ghi danh các anh hùng đã tham gia vào cuộc chiến giành lại sự tự do và bình yên cho người dân Nghĩa Lộ…sự thanh tịnh với cảnh quan môi trường rợp bóng cây xanh cũng tạo cho chúng ta một cảm giác rưng rưng đầy xúc động. Mặc dù dấu tích để lại không còn nhiều nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những hy sinh mất mát, những con người quả cảm đã ngã xuống vì một đất nước độc lập tự do, vì một mảnh đất giàu bản sắc văn hóa.

Di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ được công nhận cấp quốc gia năm 1996. Trong hành trình du lịch về miền Tây Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, du khách không quên thắp nén tâm nhang tri ân những chiến sĩ  cách mạng và thêm tự hào về truyền thống cách mạng  vùng đất Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Những hình ảnh về Căng và Đồn Nghĩa Lộ :

            

Đỗ Vân

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/