Du lịch Việt Nam: Khẳng định vị thế mới
Ngày xuất bản: 08/01/2020 8:00:00 SA
Lượt đọc: 68119

Không chỉ tăng trưởng về dòng khách, du lịch Việt Nam đang khẳng định vị thế mới trên bản đồ du lịch toàn cầu với những sản phẩm đẳng cấp, điểm đến hàng đầu thế giới.

Phát triển đột phá

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều thách thức và các yếu tố không thuận lợi, song với sự quan tâm của Chính phủ, sự quyết liệt của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đột phá. Năm 2019, toàn ngành đón được 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%).

Việt Nam là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

Sức hút của du lịch Việt Nam không chỉ thể hiện qua con số 18 triệu lượt khách, mà năng lực cạnh tranh liên tục được cải thiện, xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Không những thế, Việt Nam liên tiếp được chọn là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.... Đầu tư, phát triển du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng, với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính như: Vingroup, Sun Group... nhờ đó, hạ tầng du lịch đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đến nay, cả nước có 166 khách sạn 5 sao, 291 khách sạn 4 sao, các thương hiệu quốc tế lớn trên thế giới đều hiện diện tại Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của du lịch Việt Nam năm 2019 và trong 3 năm liên tiếp (2016 - 2019) cũng đạt 22%/năm. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Thay đổi để thích nghi

Năm 2020 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt; thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng… tác động tới ngành du lịch.

Do đó, để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, kéo được thị trường khách chi trả cao, chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...

Đại sứ Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward - khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh số hóa trong du lịch, nhằm tăng tính tương tác về mặt điện tử khiến Việt Nam trở nên đặc biệt hơn trong mắt du khách quốc tế; xây dựng du lịch dựa trên những trải nghiệm và có chính sách về quản lý rủi ro cho du khách.

Trước những đề xuất đưa ra, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết: “Tôn chỉ của nhà nước là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ thực hiện theo tôn chỉ đó. Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát lại nội dung trước khi trình Chính phủ, tháo gỡ nút thắt cho du lịch Việt Nam”.

Tổng cục Du lịch cũng cho biết, trong năm 2020, ngoài việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công – tư; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá.

Theo đó, Tổng cục đã lên một chiến dịch truyền thông mới là VietnamNOW. Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) - chia sẻ, chiến dịch sẽ tập trung vào các trải nghiệm hiện đại, sản phẩm du lịch đẳng cấp thế giới của Việt Nam dành cho du khách, bên cạnh những danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch, văn hóa vốn đã nổi tiếng.

Năm 2020, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng.

Nguồn : congthuong.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/