Lễ chùa ở thành phố Yên Bái ngày xuân
Ngày xuất bản: 09/02/2018 9:21:00 SA
Lượt đọc: 85118

 Đi lễ chùa đầu năm để cầu bình an là một hoạt động không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người dân. Ở thành phố Yên Bái du khách có thể ghé thăm những ngôi chùa nổi tiếng:

1. Chùa Long Khánh có tên khác là Cổ Am tự hay Chùa Giới Phiên thuộc thôn Gò Chùa, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Du khách tới chùa có thể đi theo các tuyến Đường bộ: từ thành phố Yên Bái (Ga Yên Bái) ngược về phía Bắc theo đường Trần Hưng Đạo (1,3km) qua cầu Yên Bái (400m) rẽ trái theo Quốc Lộ 32c tới UBND xã Giới Phiên (3km) rẽ trái 300m là tới di tích.

Chùa toạ lạc trên một quả gò có hình bát úp (tục gọi là Gò Chùa), bốn phía xung quanh là những dãy đồi bao bọc như những bức tường thành. Phía Đông, là sông Hồng thả dòng, uốn lượn như những dải lụa đào ôm ấp lấy chùa.

Ảnh : nguồn Internet

Long Khánh Tự là một ngôi chùa lớn ở Yên Bái, thuộc thiền phái đại thừa. Trải qua những thăng trầm biến thiên của lịch sử. Hiện nay, ngôi chùa vẫn giữ nguyên nếp xưa cổ kính. Chùa có diện tích 643,9m2, được phân chia thành hai khu vực rõ rệt là khu khuôn viên chùa và khu nội tự chùa. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thánh (tam giáo đồng nguyên). Với triết lý vô thường, vạn vật luôn biến đổi, tượng Phật luôn được đặt tại một vị trí cao nhất, trang trọng nhất.

Chùa hiện tại có 18 pho tượng được tạc bằng hai loại chất liệu là đất nung và gỗ được sơn son thiếp vàng, tất cả các tượng đều là loại tượng tròn, với tỷ lệ bằng 1/2 người thật, đặt trên đài sen. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tương đối sống động, niên đại kéo dài từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX.

Các lễ hội chùa Long Khánh vào Rằm tháng giêng, Hội Mẹ: 3/3, Vào Hè: Tháng 4, Ra Hè: Tháng 7, Rằm tháng 7, Hội Cha: 20/8  (Thánh Trần ), Tất Niên: Rằm tháng 12   

Đây là di tích thời Lê Sơ còn tồn tại duy nhất ở Yên Bái, và được bảo tồn tương đối tốt. Di tích đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo quyết định số 395/QĐ-UB Ngày 25/9/2006.

2. Chùa Ngọc Am thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, cách ga Yên Bái khoảng 1km, chùa có lịch sử hơn 100 năm, được dựng lên vào cuối triều Nguyễn (thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) chùa có hai tên chùa Ngọc Am hay Tùng Lâm Tự (tên nhà chùa, sư, tiểu dùng một cách trân trọng). Lễ chùa được tổ chức vào dịp tết nguyên đán đầu xuân và Quốc khánh 2/9 nguyện cầu cho đất nước, nhân dân bình an. Chùa Ngọc Am thờ Phật (theo Phật Giáo Đại Thừa). Ngoài ra, chùa thờ Tam Phủ và thờ Đức Thánh Trần. Ngày nay, chùa Ngọc Am là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Hàng năm đón hàng ngàn khách thập phương đến chiêm bái và tham quan.

Ảnh : nguồn Internet

3. Khu di tích Chùa Linh Long và Đền Bách Lẫm.  Được xây dựng cuối thế kỷ 18, nằm toạ lạc trên đỉnh Gò Chùa, sát sông Hồng thuộc Tổ 2 - phố Bách Lẫm - phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái. Với lịch sử mấy trăm năm, khu di tích đền – chùa này mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đậm nét.

Ảnh : nguồn Internet

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Bách Lẫm có thờ Tam Bảo, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai và thờ Đức Phật Bà cứu tế chúng sinh. Đặc biệt, chùa còn giữ được bức bia đá "Thần Phật bi hậu ký” niên hiệu Duy Tân nhị niên - 1908. Văn bia trong sáng, chau chuốt ghi lại công đức của một tín nữ đã thành tâm hằng xả công đức cho chùa và đề cao thuyết nhân quả trong đạo Phật. Văn bia còn hàm chứa nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa: "Quê ta có dòng sông Triệu Thủy, có rừng đào Lẫm Sơn, quả là nơi danh thắng của hạt Yên Bái. Cổ tích bấy nay có đền thờ thần, có chùa phụng phật. Song, trải cơn binh hỏa giang sơn đã lắm đổi thay… ”.

4. Chùa Vạn Thắng nằm trong quần thể khu di tích Đình - Đền - Chùa Nam Cường, được xây dựng từ lâu đời và qua  thời gian ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, Chùa được trùng tu lại trên diện tích trên 2.743 m2 với mật độ xây dựng tối đa 60%, thuộc công trình cấp III. Chùa được xây dựng bao gồm 2 hạng mục: tòa tam mẫu và nhà thờ tổ quy mô 2 tầng có diện tích xây dựng trên 1.224 m2 nhà khách và nhà soạn tạo, quy mô 1 tầng có diện tích mặt sàn 178m2. Chùa Vạn Thắng được công nhận di tích lịch sử Phật giáo cấp tỉnh.

Ảnh : nguồn Internet

5. Chùa Rối (Minh Pháp tự) nằm trong quần thể khu Di tích lịch sử, văn hóa đền, chùa Rối. Chùa Rối và đền Rối có từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Đền thờ công chúa Ngọc Dung là con gái thứ 8 của vua Hùng thứ 17 đã có công bảo vệ đất nước, che chở dân làng. Trải qua chiến tranh và những thăng trầm của lịch sử, Chùa Rối và đền Rối đã bị hư hỏng. Do có những giá trị lịch sử nên năm 2005 Đền, chùa Rối được UBND tỉnh Yên Bái cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, đến năm 1991, Chùa Rối và Đền Rối được tu bổ và sửa sang lại, khánh thành với tổng diện tích gần 43.000 m2, kết cấu theo lối chữ đinh gồm 7 gian tiền đường và 7 gian hậu cung, mái chùa gồm 2 tầng, 8 mái, được thiết kế theo phong cách chùa cổ Việt Nam vùng đồng bằng bắc bộ theo kiến trúc mỹ thuật cổ triều Nguyễn. Chùa Minh Pháp khánh thành không chỉ đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của các tăng ni phật tử, du khách thập phương mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc.

Ảnh : nguồn Internet

Có thể nói, Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục thiêng liêng, tốt lành, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện chân thành, cùng với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cõi Phật để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm. Chùa ở Yên Bái cũng mang những nét kiến trúc rất đẹp, kiến trúc dân gian xen lẫn kiến trúc hiện đại, hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với chốn tôn nghiêm tu hành, du khách đến chùa còn được vãn cảnh, tìm lại cảm giác yên bình, thanh tịnh. Chính vì vậy có thể nói đi chùa lễ Phật đầu năm ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét văn hóa đẹp.

Bùi Kiểm

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/