Phong tục đón tết của người Tày xã Mai Sơn, huyện Lục Yên.
Ngày xuất bản: 17/01/2020 2:55:00 CH
Lượt đọc: 71407

Xã Mai Sơn, huyện Lục Yên là xã thuộc phía bắc của huyện Lục Yên, nơi đây có diện tích 1758,7ha, dân số 4376 người (số liệu tháng 12/2019), trong đó người Tày chiếm 79%, sống tập trung ở các thôn  Sơn Hạ, Sơn Đông, Sơn Nam. Sơn Bắc, Sơn Tây, Sơn Thượng, Sơn Trung.

Đối với người Tày nơi đây, Tết Nguyên đán là lễ Tết quan trọng nhất trong năm. Tuy  đời sống kinh tế xã hội có nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Để chuẩn bị cho Tết nguyên đán, việc rất quan trọng và đánh dấu sự khởi đầu của không khí ngày Tết đó là việc đi lấy lá dong và nứa chẻ lạt, gói bánh. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, những người phụ nữ trong bản đã rủ nhau lên núi lấy lá dong. Họ chọn lá to, không bị rách và đều nhau rồi lại chọn nứa rừng có gióng dài và cuốn lá dong vào cây nứa, sử dụng luôn làm đòn gánh và gánh lá dong về. Đoàn người đi lấy lá dong thường đi đông từ 7 đến 10 người, để cùng hỗ trợ nhau và cùng đề phòng rắn, rết.  Lá dong lấy về. được cắt cuống, ngâm vào chậu nước và đưa vào nơi râm mát để chuẩn bị gói bánh trong những ngày sau đó.

Thời gian bắt đầu chuẩn bị đón Tết được tính từ ngày 25 tháng Chạp (sau khi diễn ra nghi lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp như người Kinh). Các gia đình tập trung quét dọn, lau chùi nhà cửa, tu sửa bàn thờ tổ tiên (bàn thờ tổ tiên của người Tày ở Mai Sơn được bố trí ở gian giữa của ngôi nhà sàn 3-5 gian và đặt ở trên cao, phía trên cửa số, sát mái nhà và thờ tổ tiên họ nội). Họ sẽ mua hoa, ấm chén mới, bày bánh kẹo, mứt, trang trí cành đào, cành mận, câu đối Tết, mâm ngũ quả, vàng mã trên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa trang trọng nhất. Đặc biệt, các gia đình đều có hai cây mía còn nguyên phần rễ và là ở ngọn (buộc vào nhau hai bên bàn thờ). Không chỉ là sản vật dâng cúng gia tiên, cây mía trong thờ cúng ngày Tết đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh riêng biệt của dân tộc Tày nơi đây bởi đây được coi như như những nấc thang nối liền đất trời, âm dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu con trong những ngày đầu tiên của năm mới. (sẽ được để đến tận ngày Rằm Tháng Giêng 15/1 âm lịch mới dỡ cây mía xuống).

Ngoài ra, trước cửa ra vào của các gia đình đều cài vào mái ở cửa chính (từ 30 tết đến cả năm mới) một nhánh cây mooc- có hình dáng giống cây cau, mọc bờ suối, có hoa màu trắng, hoa nhỏ nở thành chùm, thường xuất hiện trong các nghi lễ then của người Tày- và được ông chủ nhà đi lấy và tự tay cài trên mái nhà. Theo tìm hiểu của tác giả- đây là loài cây có ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người Tày nơi đây, với ý nghĩa giữ không cho các loại tà ma đến ngôi nhà của họ, bảo vệ người thân trong cả năm khỏi bệnh tật, ốm đau và những điều không may mắn.

Tùy điều kiện mỗi gia đình, nhưng để chuẩn bị thực phẩm cho ngày tết, hầu hết các gia đình đều dành dụm nuôi một con lợn để ăn tết và thường mổ lợn, gói bánh chưng từ ngày 24-25 tháng Chạp. Bánh chưng (pẻng chày-Bánh chưng tày và pẻng gù- bánh chưng gù) là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào nơi đây. Cũng từ những nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và được gói bằng lá dong đã được chuẩn bị kỳ công từ đầu tháng, mỗi gia đình sẽ gói nhiều bánh chưng (từ 10-15kg gạo) và cùng nhau quây quần để trông bánh chưng.

Cũng từ ngày 25 đến 30 tết,các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm tất niên để cúng tổ tiên và mời anh em, bạn bè đến cùng ăn cơm. Với ý nghĩa tiễn năm cũ, mâm cơm cúng tất niên phải có bánh chưng, gà, bát canh măng, giò lụa (hoặc giò thủ) …đều là những sản phẩm của gia đình sau một năm nuôi,trồng. Mâm cơm này sẽ được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên, với gia đình có bố mẹ vợ đã qua đời, sẽ có mâm cúng riêng ở gian ngoài để  mời tổ tiên và họ nhà ngoại cùng về ăn tết cùng gia đình.

Người Tày ăn tết không thể thiếu món thịt mắm cơm đỏ

Đêm 30 tết, người Tày ở đây có phong tục tất cả mọi người trong gia đình đi đâu đều phải có mặt ở nhà trước thời khắc giao thừa. Cũng trong thời khắc tiễn năm cũ, người Tày sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên. Mâm cơm buộc phải  có một con gà trống (luộc cả con, khi thắp hương phải còn đang nóng, bốc khói nghi ngút), bánh chưng tày, bánh kẹo, mứt, hoa quả) và  chỉ cúng trong nhà. Sau nghi thức cúng này, mỗi gia đình sẽ nhờ một người xông nhà-người khách đầu tiên vào nhà của gia chủ, với ý nghĩa mang đến may mắn cho gia đình trong cả năm (được chọn hợp với tuổi ông chủ nhà). Gia đình chủ nhà sẽ lấy rượu, thịt  mời người xông nhà và phát tiền lộc, (trước kia thường được gói vào giấy đỏ, từ 5 đến 10.00đ với mong muốn người xông nhà cũng sẽ được gặp may mắn. Nghi thức này diễn ra khá đơn giản và diễn ra nhanh chóng những có ý nghĩa rất quan trọng với các gia đình người Tày nơi đây bởi trong suy nghĩ của họ, việc lựa chọn được hững người được lựa chọn xông đất đầu năm "hợp mệnh, hợp tuổi" sẽ đem đến những điều tốt đẹp cho gia chủ. Người đi xông đất xong cũng có niềm vui vì đã làm được việc phúc. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đình mình sẽ may mắn trong suốt một năm sắp tới.

Cũng với ý nghĩa giữ những điều kiêng kỵ như trong gia đình không nói những điều thô lỗ hay mắng chửi nhau, không quét nhà, thậm chí không tắm trong ngày mùng 1, đồng bào Tày ở Mai Sơn hy vọng sẽ có một năm mới nhiều điều tốt đẹp. Các gia đình trong ngày này sẽ dậy sớm, nấu cơm thắm hương tổ tiên (mâm cơm buộc phải có bánh chưng và cơm tẻ) cùng những thực phẩm như gà, giò, thịt lợn. Mâm cơm cúng tổ tiên sẽ được duy trì vào buổi sáng cho đến khi các gia đình làm lễ hóa vàng (kết thúc tết). Cũng trong ngày mùng 1, mùng 2 tết, các gia đình sẽ  dành thời gian đến thăm ông bà nội ngoại hai bên và người thân trong gia đình. Các gia đình cũng chuẩn bị quà mang đến gia đình họ nội, ngoại như  mứt, rượu, thịt gà, thịt lợn, cơm tẻ gói vào lá dong cẩn thận và mang đến nhà ông, bà, bày ra đĩa và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Đây cũng là lúc cả gia đình con cháu sẽ được quây quần bên bếp lửa, được ông bà mừng tuổi, khi thắp hương xong, mâm cơm sẽ được bày ra để ông bà, con cháu cùng ăn và chia sẻ những niềm vui trong năm mới. Khi ra về, ông bà sẽ sắp bánh chưng của ông bà cho các cháu mang về gia đình mình với ý nghĩa ông bà mong muốn con cháu luôn no đủ trong cả năm mới.

Ngoài ý nghĩa đoàn tụ và quây quần bên gia đình trong ngày tết, với cộng đồng người Tày ở xã Mai Sơn, ngày Tết cũng là dịp để bà con trong thôn gặp gỡ và cùng chơi các trò chơi dân gian. Thanh niên, nam nữ tụ tập nhau đi chơi Tết, tham gia các hoạt động vui chơi như đánh yến, ném còn ở sân của thôn.  Sau đó, họ kéo nhau đến chơi ở các gia đình bạn bè ăn cơm, uống rượu trong suốt mấy ngày Tết. Gia đình có người đến chơi Tết rất vui họ mời khách uống rượu ăn bánh chưng và thức ăn là thịt lợn, thịt gà được từ mổ từ hôm trước. Các gia đình tùy điều kiện tổ chức hóa vàng, báo cáo tổ tiên, kết thúc Tết Nguyên đán trong ngày 3-4 Tết và chuẩn bị cho Lễ hội Lồng Tồng (thường được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng).

"Tức khang" được phụ nữ Tày tham gia mỗi dịp hội làng, lễ tết

 

Ngày Tết đối với người Tày ở Mai Sơn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào. Đó không chỉ là dịp thể hiện lòng tôn kính hướng về tổ tiên nguồn cội mà còn là dịp quan trọng để người thân trong gia đình đoàn tụ, quây quần và cùng hướng đến những điều tốt lành trong năm mới. Gia đình, cộng đồng đều có niềm tin vào những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với gia đình, thôn xóm mình khi tất cả cùng đồng lòng làm những việc tốt, việc có ích. Chính từ những gía trị nhân văn ẩn chứa trong những nét văn hóa ấy của người Tày nơi đây là yếu tố quan trọng để duy trì truyền thống văn hóa tộc người từ nhiều đời nay. Phong tục đón tết của người Tày ở xã Mai Sơn huyện Lục Yên tuy có nhiều nét tương đồng với phong tục đón tết của người Kinh do ảnh hưởng của quá trình giao thoa văn hóa nhưng những nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào nơi đây vẫn được duy trì, góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.

Vân Mai-  Quốc Túy.

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/