Văn Yên đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh chùa Thiên Quang
Ngày xuất bản: 25/05/2022 8:47:00 SA
Lượt đọc: 8573

Vừa qua, Đảng bộ và nhân dân xã Mậu Đông, huyện Văn Yên tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh chùa Thiên Quang.

Đồng chí Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên trao bằng xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho chính quyền xã Mậu Đông.

Theo các nguồn tài liệu, tư liệu lịch sử và thông tin do các cụ cao tuổi sinh sống tại vùng đất Mậu A xưa (Mậu Đông và khu vực lân cận ngày nay) chứng kiến và nghe truyền lại, vùng đất làng Quạch (nay là thôn Cầu Quạch), xã Mậu Đông được biết đến là vùng đất trù phú nằm bên tả ngạn sông Hồng. Xưa kia, dân cư chủ yếu là người dân tộc Tày sinh sống, cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa, săn bắt, đánh cá, khai thác rừng... và trao đổi hàng hóa với các lái buôn đường thủy trên sông Hồng. 

Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khu vực làng Quạch, Mậu A đã trở thành khu vực giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa sôi động giữa người dân địa phương với các nhà buôn, thương lái đường thủy miền xuôi tại cửa ngòi Quạch nối với sông Hồng. 

Nhằm trấn an tinh thần, hình thành chỗ dựa trong tâm tưởng và gửi gắm mong ước về những điều bình an cho các chuyến hàng xuôi ngược, một số thương lái và chủ buôn đã chung tay dựng một am thờ Phật để mỗi lần hạ sào, họ lại xuống thuyền lên bờ cầu cúng. Khởi đầu, am có kiến trúc 1 gian nhỏ, dựng bằng vật liệu tranh tre nứa lá đơn sơ, tọa lạc bên bờ sông Hồng, gần cửa ngòi Quạch nên được gọi là am Quạch. 

Đối chiếu những sự kiện lịch sử gắn liền với vùng đất Mậu A, Mậu Đông, nhận định am Quạch được hình thành vào thế kỷ XIX. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều gia đình từ các tỉnh Nam Định, Hà Tây ngược dòng sông Hồng di cư lên lập làng, sinh sống bên hai bờ sông đã lựa chọn xã Mậu A, tổng Đông Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái xây dựng quê hương mới. 

Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất đã hình thành sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Tày bản địa với người Kinh miền xuôi. Những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo này được tập trung biểu hiện tại các thiết chế cộng đồng, gồm: am Quạch, miếu Quạch và đình Làng Vải. 

Đầu thế kỷ XX, am Quạch được tôn tạo, phát triển và trở thành thiết chế chùa, tọa lạc trên nền đất cũ bên bờ sông Hồng. Chùa có kiến trúc nhà gỗ ba gian, nền đất nện, mái lợp cọ, bưng vách bằng phên nứa nong đôi. 

Không gian trong chùa được bài trí đơn giản với một ban thờ bằng gỗ, phía trên đặt một tượng Bụt (Phật) và một bát hương nhỏ. Chùa không có sư trụ trì, không có người trông coi; phục vụ cho nhu cầu chiêm bái cầu cúng của toàn thể nhân dân và các thương lái, nhà buôn đường thủy. 

Cuối năm 1945, ngôi chùa được nhân dân dựng lại nằm sát bên ngôi đền Quạch với kiến trúc nhà gỗ ba gian, nền đất nện, mái lợp cọ, lịa ván gỗ xung quanh; người dân qua lại chủ yếu vào các dịp mồng 1, ngày rằm hay trong các ngày lễ của đạo Phật. 

Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm Trấn Yên, quân giặc từ các đồn Đại Bục, Đại Phác thường xuyên đi càn quét, lùng sục bắt bộ đội, du kích, cướp lương thực, thực phẩm và của cải của người dân... Trong những trận càn đó, chúng thường xuyên tìm tới chùa Quạch và đền Quạch vì nghi ngờ có bộ đội và du kích ấn náu tại đây. Khi đó, đền Quạch bị chúng đập phá và lấy đi nhiều đồ thờ, còn ngôi chùa thì chúng chưa từng động tới. 

Các tăng ni phật tử và đại biểu tặng hoa tại Lễ trao bằng xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương chủ trương vận động nhân dân toàn xã đi sơ tán, đền và chùa Quạch không có người qua lại, trông coi, các hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Năm 2000, người xã Mậu Đông chung tay phục dựng lại đền Quạch trên vị trí nền đất xưa và lấy tên là đền Thánh Mẫu. Do chưa có điều kiện phục dựng lại ngôi chùa Quạch để thờ Phật nên nhân dân đồng thời tôn thờ tượng Phật vào hậu cung đền Quạch để thờ phụng. 

Năm 2014, đền Thánh Mẫu được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nhằm tạo không gian thờ tự và sinh hoạt Phật giáo, nhân dân các dân tộc xã Mậu Đông cùng các xã, thị trấn lân cận đã đóng góp công sức, tiền của, đất đai dựng lại chùa Quạch tại vị trí hiện nay lấy mĩ tự là chùa Thiên Quang (Thiên Quang tự). 

Cùng với đền Quạch - đền Thánh Mẫu, sự hình thành và hoạt động của am Quạch sau đó là chùa Quạch - chùa Thiên Quang đã gắn liền với lịch sử  dân cư, di cư; quá trình khai phá, xây dựng và phát triển làng Quạch nói riêng, cũng như toàn bộ vùng đất Mậu A, tổng Đông Cuông (Đông Quang), huyện Trấn Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa trước đây (trong đó có vùng đất Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái ngày nay), đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình truyền bá, phát triển đạo Phật nói riêng của những cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng cùng sự đón nhận, dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa với tôn giáo truyền thống của cư dân miền rừng núi Mậu Đông, Văn Yên, Yên Bái nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung. 

Chùa Thiên Quang trở thành tài sản văn hóa, tinh thần vô giá, nơi quy tụ thành quả lao động sáng tạo của nhân dân, là biểu tượng thiêng liêng gắn kết cộng đồng làng xã xưa và nay, nơi phản ánh, lưu giữ, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Mậu Đông qua năm tháng và sự phát triển trường tồn của vùng đất. 

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích, ngày 28/3/2022, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 428/QĐ-UBND Quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Thiên Quang, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây vừa niềm tự hào, vinh dự, đồng thời là trách nhiệm vô cùng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mậu Đông trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/