Nét đặc sắc trong đám Sênh (đám chay) của người Sán Chay (Cao Lan), Yên Bái
Ngày xuất bản: 30/08/2021 9:26:00 SA
Lượt đọc: 13888

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 10.083 người Sán Chay sinh sống tập trung tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 5.182 nam, 4.901 nữ, tập trung đông nhất tại các huyện: Yên Bình; Trấn Yên; Lục Yên; Văn Yên; Thành phố Yên Bái. Người Sán Chay còn có tên gọi khác là Cao Lan, Sán Chởi, Sán Chấy, Sán Chí, Sán Chỉ. Tên chính thức mang tính nhà nước là Sán Chay. Theo biến âm của thổ ngữ khác nhau, Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có một nghĩa là: Người núi (Sơn tử). Người Sán Chay có 2 nhóm với 2 tên gọi khác nhau: Nhóm Cao Lan nói ngôn ngữ Tày-Thái, nhóm Sán Chỉ nói ngôn ngữ Hán (Quảng Đông - Trung Quốc). Người Sán Chay ở Yên Bái thuộc nhóm Cao Lan nói ngôn ngữ Tày - Thái. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian nhưng người Sán Chay (Cao Lan) vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội đặc sắc của mình, đặc biệt phải kể đến là đám Sênh (hay còn gọi là đám chay).                    

Đám sênh là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa của đồng bào Cao Lan, nghi thức này không được tiến hành liên tục hằng năm mà diễn ra tại mỗi thế hệ (tính theo 25 năm là một đời thì gia chủ phải tổ chức lễ hội đám Sênh một lần) nếu đời bố không có điều kiện tổ chức thì phải khất xin sang đời sau và đời con sẽ phải có trách nhiệm tổ chức nghi thức này thay cho đời trước.  Đây là một lễ thức cầu xin sự bình an cho gia đình và dòng họ của gia chủ nơi tổ chức lễ hội.

Nghi thức cầu an trong lễ hội "Đám sênh" của người Cao Lan (Yên Bình)

 

Lễ hội Đám Sênh được tổ chức ở quy mô gia đình, quy mô tổ chức to hay nhỏ, thời gian tổ chức ngắn hay dài tùy thuộc vào mỗi gia đình dòng họ, tại gia đình tổ chức lễ hội đồng bào lập hai đàn cúng, một trên nhà nơi thờ tổ tiên của đồng bào, nơi đây sẽ diễn ra các nghi thức chính của lễ hội Đám Sênh và một đàn cúng dưới sân nơi thờ thổ công và các vị thần trông coi đất đai. Lễ vật dâng cúng trong ngày lễ chính là các lễ chay có nguồn gốc từ thực vật, còn lễ vật phía đàn cúng dưới sân nơi thờ các âm binh và đoàn quân quan của các thánh là lễ mặn gồm 5 mâm cúng nhỏ có thịt lợn luộc và một mâm cúng chính gồm 1 con ngan, theo quan niệm dân gian của đồng bào là lễ chay cho nên các thần thánh và tổ tiên chỉ cần cúng lễ chay, còn các đoàn quân quan đi bảo vệ các thần thánh sẽ được cúng lễ mặn. Phần nghi lễ gia chủ mời 3 thầy cúng, trong đó có 1 thầy cả đứng tên tổ chức nghi lễ và từ 12 - 15 thầy đạo tràng liên tục viết các tờ sớ bằng chữ nôm Cao Lan để cầu xin sự bình an, ấm no hạnh phúc cho gia đình và dòng họ của gia chủ nơi tổ chức lễ hội mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, thời gian viết sớ liên tục cho tới ngày chính thức của lễ hội. Nghi lễ chính thức sẽ diễn ra liên tục từ 17h chiều cho tới sáng ngày hôm sau trong ngày cuối cùng của lễ hội.

Trong ngày khai bút gia chủ mời dân làng đến dự để thông báo về việc tổ chức lễ hội Đám Sênh của gia đình và mời uống rượu chúc mừng gia chủ, tiếp đó mỗi người có một món quà nhỏ là các sản vật của gia đình để mừng cho gia chủ đã tổ chức được lễ hội đám Sênh.

Lễ hội thể hiện sự khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mang giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đồng Giang

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/