Người vùng cao tận dụng ruộng bậc thang làm du lịch
Ngày xuất bản: 07/05/2023 9:11:00 SA
Lượt đọc: 17513

 Những năm gần đây, một số gia đình người Mông, Mường, Thái đã làm nhà lưu trú, phát triển các dịch vụ du lịch từ ruộng, nương của mình.

Du khách nước ngoài thích thú khi cùng làm ruộng với bà con xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Dựng nhà trên đồi, dẫn khách ra ruộng

Miền tây Yên Bái sắp vào mùa lúa chín. Sóng lúa đủ gam màu như dệt thảm trên cánh đồng Lìm Mông, những ruộng bậc thang Chế Cu Nha, La Pán Tẩn… Vợ chồng Vàng Thị Lỳ - Giàng A Dê (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) vừa chỉnh trang ngôi nhà lưu trú giữa đỉnh đồi, vừa nhìn nhau tủm tỉm. Mùa lúa chín, anh chị bận rộn từ sớm tới khuya để phục vụ khách du lịch. 

Chị Lỳ khoe: "Mùa lúa, khách trong nước nhiều hơn nhưng lưu trú ngắn ngày thôi. Khách quốc tế thì đến nhà mình quanh năm, họ thích cùng mình ra ruộng gặt lúa. Cuốc đất, giẫy cỏ, cày bừa… họ cũng thích lắm”.

Chị Sầm Thị Tâm (bìa phải) nghe Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến nói về văn hóa Mường Lò

Sau 7 năm nỗ lực, anh chị Lỳ, Dê có 13 phòng lưu trú ở xã La Pán Tẩn và 1 văn phòng du lịch ở huyện lị Mù Cang Chải. Họ tự thiết kế và vận hành 15 tuyến du lịch khác nhau. Ngày vợ chồng chị nêu ý định dựng nhà lưu trú trên đồi, cha mẹ, anh em 2 bên không ủng hộ, bà con trong bản bàn ra tán vào bởi nơi định làm nhà cách xa trung tâm xã, xa đường liên bản, tiền vốn lại không nhiều. 

Được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, lại được gia đình anh Hảng A Dò - một trong những người đầu tiên kinh doanh dịch vụ lưu trú - tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, vợ chồng chị Lỳ quyết tâm làm. Anh Dê tự học tiếng Anh, chị Lỳ đến Sa Pa làm phục vụ ở nhà hàng, khách sạn để vừa làm, vừa học cách nấu ăn, quản lý. 

Bây giờ, anh Dê đã tự tin giao tiếp với khách nước ngoài và làm thầy giáo dạy tiếng Anh cho trẻ con trong bản; chị Lỳ có thể nấu cho khách những món ăn của người Mông vừa ngon, vừa bắt mắt. Chị cũng có thể ngồi xe địa hình 4 bánh dẫn khách khám phá ruộng bậc thang, giới thiệu cho khách về kỳ quan di sản quốc gia ruộng bậc thang quê mình hấp dẫn không kém hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Chị nói: "Ruộng bậc thang không chỉ như dệt gấm thêu hoa trong từng tầng, nấc nước long lanh, trong lúa xanh, lúa vàng mà đó còn là pho sử về phương thức canh tác, về tâm linh, văn hóa, lịch sử, tộc người, là bí kíp tạo tác, sử dụng, bảo vệ, gieo hái, trữ nước, dẫn nước của cả cộng đồng, suốt nhiều thế hệ. Đến La Pán Tẩn khi vừa xong vụ gặt, nhìn ruộng bậc thang chỉ trơ gốc rạ, bạn sẽ cảm nhận được sự kiên cường, lãng mạn, phóng khoáng của người Mông”.

Trừ quãng thời gian COVID-19 hoành hành, doanh thu đều đặn của vợ chồng chị Vàng Thị Lỳ khoảng 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh phát triển các tuyến du lịch gặt lúa, bắt cá, cày ruộng, chị Lỳ còn chia sẻ cách làm với chị em trong bản để tận dụng tay nghề dệt thổ cẩm, làm đồ lưu niệm bán cho du khách, đồng thời tạo điều kiện cho du khách hòa vào đời sống thuần nông của những gia đình người Mông nơi này.

Hồi sinh điệu múa chai, múa đuống, múa mâm

Nhiều năm nay, hình ảnh khách du lịch nước ngoài thong dong đạp xe khắp cánh đồng Mường Lò - 1 trong 4 vựa lúa của vùng Tây Bắc - đã trở nên quen thuộc với bà con thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Chị Sầm Thị Tâm (xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ) cũng đã bước đầu thành công với mô hình du lịch nông thôn. 

2 trong 6 lao động thường xuyên tại mô hình du lịch đậm văn hóa Mường của chị Sầm Thị Tâm 

Như nhiều cô gái Mường ở Nghĩa Phúc, 16 tuổi, chị Tâm lấy chồng. Hôn nhân không hạnh phúc nên vài năm sau, chị ly hôn. Gần 20 năm trước, phụ nữ ly hôn phải đối mặt với định kiến từ bà con trong bản nói riêng và cộng đồng người Mường nói chung. Cái nhìn của cộng đồng về các vấn đề hôn nhân nay cũng ít nhiều thay đổi. Thế nhưng, mấy năm trước, khi chị Tâm quyết định làm du lịch, ai cũng bảo chị một mình nuôi con còn khó, nói gì đến kinh doanh.

Nhưng, chính những khó khăn và định kiến ấy càng khiến chị quyết tâm. Chị sang xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An tìm hiểu cách làm du lịch của các gia đình người Thái. Ông Chu Văn Luật, bà Hoàng Thị Phượng - những người đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, đưa đón du khách - đã động viên, hướng dẫn, chia sẻ nhiệt thành với chị mọi ngõ ngách trong nghề. 

Chị sửa lại ngôi nhà sàn của gia đình cho khang trang, thuận tiện, thể hiện được bản sắc dân tộc Mường từ kiến trúc đến không gian phòng ở và cảnh quan. Trong quá trình làm, chưa hiểu chỗ nào, chị lại gõ cửa các gia đình kinh doanh lâu năm, nhờ tư vấn.

Mường Lò nổi tiếng với điệu xòe Thái. Hơn 10 năm qua, tại các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch ở Mường Lò, múa xòe là một trong những chương trình không thể thiếu để phục vụ khách du lịch. Từ khi có thêm mô hình kinh doanh của chị Sầm Thị Tâm, khách du lịch đến Mường Lò còn được chếnh choáng rượu cần men lá đặc trưng, được thưởng thức các điệu múa gắn với đời sống lao động sản xuất của người Mường như múa chai, múa đuống, múa mâm chơi… do những phụ nữ Mường bận khăn tênh, áo pắn biểu diễn

Chị Tâm cho hay, năm ngoái, chị tham gia khóa tập huấn về công tác quản lý, phát triển du lịch cộng đồng dành cho cán bộ địa phương và các chủ hộ làm du lịch. Nhờ đó, chị đã biết cách kết nối các tuyến du lịch với những đơn vị trong và ngoài nước để đón khách. 

Chị phấn khởi: "Mỗi tháng, gia đình tôi đón từ 10-20 đoàn khách, doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Việc kinh doanh du lịch giúp tôi tạo được việc làm ổn định cho 6 người và mang lại thu nhập phụ cho các thành viên trong đội văn nghệ của bản”. 

 

Xây dựng nông thôn mới gắn với làm du lịch 

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đưa du lịch nông thôn trở thành một chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên phạm vi cả nước, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp nhiều giá trị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn.

 

Đào tạo nông dân làm du lịch

 

Tại hội nghị phát triển mô hình và phát triển nguồn nhân lực du lịch canh nông vừa diễn ra ở tỉnh Yên Bái, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu: "Việt Nam là một nước nông nghiệp với gần 65% dân số sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu”. 

 

Ông cho hay, ở nước ta, có 3 loại hình du lịch nông thôn cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông. Cả nước đang có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, riêng vùng trung du miền núi phía Bắc có hơn 215 mô hình và riêng tỉnh Yên Bái có 205 mô hình.

 

Ông cũng cho biết, 2023 là năm tập trung xây dựng và ban hành kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình thí điểm, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn, mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông thôn cho người dân để người dân nhận thấy du lịch là một ngành nghề đem lại thu nhập ổn định và bền vững.

 

(Theo PNO)

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/