Đao - nhạc cụ tình yêu đôi lứa của người Khơ Mú
Ngày xuất bản: 22/07/2021 8:48:00 SA
Lượt đọc: 30143

Âm thanh của cây đao chuyển tải được cả những ngôn ngữ dân ca hay lời tự sự tình tứ của con người. Bởi vậy, từ xa xưa, đao đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu của các chàng trai Khơ Mú hằng đêm đi tìm kiếm bạn tình.

Phụ nữ Khơ Mú độc tấu đao. Ảnh: dantocmiennui.

Người Khơ Mú từ xa xưa chỉ làm nương rẫy. Do vậy, nhiều loại nhạc cụ của họ cơ bản được chế tác đơn giản bằng những vật liệu sẵn có trên nương như tre, nứa để tiêu khiển hay tâm tình trong lúc nghỉ ngơi hoặc xua đuổi chim chóc phá hoại lúa, ngô. 

Trong số các nhạc cụ tre nứa ấy, phổ biến nhất là các loại pí (sáo) đàn trống, ống gõ, ống giỗ, đao và được người Thái gọi loại nhạc cụ này là hươn mạy. Khi đập một đầu ống nứa đã vát thành 2 thanh trên một đầu ống vào lòng bàn tay, đao sẽ phát ra âm thanh trầm bổng nhờ nhịp đập khéo léo từ xúc cảm âm nhạc của người chơi cùng với ngón tay điều chỉnh âm vực của lỗ âm ở đầu đao phía tay cầm. 

Do sử dụng điêu luyện loại nhạc cụ này, nên những âm thanh của cây đao chuyển tải được cả những ngôn ngữ dân ca hay lời tự sự tình tứ của con người. Bởi vậy, từ xa xưa, đao đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu của các chàng trai Khơ Mú hằng đêm đi tìm kiếm bạn tình.

Những người cao tuổi trong cộng đồng người Khơ Mú kể lại, thường vào những đêm trăng sáng, các chàng trai sẽ mang cây đao tìm đến nhà cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ để lấy âm thanh từ cây đao thay cho lời tỏ tình. Cha mẹ cô gái khi nghe thấy những âm thanh ấy ở dưới sân cũng sẽ lựa lúc để đi nằm. 

Chờ cho không gian của ngôi nhà trở nên tĩnh lặng, chàng trai sẽ tấu lên những lời trầm bổng, du dương từ những khúc dân ca với mong muốn đưa cha mẹ cô gái trở về ký ức tuổi thanh xuân từng sống, từng đắm say, tha thiết yêu nhau từ tiếng nhạc đao để nên vợ thành chồng hòa thuận, làm ăn phát đạt. Từ nghĩa tình chồng vợ, hôm nay nghe lại những bản nhạc của một thời tươi trẻ, cha mẹ sẽ lại mong muốn và tạo điều kiện cho con gái cũng tìm được người con trai như ý. Đoán chừng, cha mẹ cô gái đã chìm sâu trong giấc ngủ, chàng trai sẽ chuyển hướng tấu lên những khúc nhạc thật hay để dâng tặng cô gái. Nếu thấy trên nhà vẫn còn ánh đèn dầu, ấy là lúc cô gái đang lắng nghe những khúc nhạc của mình. 

Cứ như thế, đêm này qua đêm khác, các chàng trai chỉ mong những khúc nhạc từ cây đao của mình sẽ giữ được ánh đèn kia cứ le lói sáng. Các cô gái cũng phấp phỏng với âm thanh của cây đao mà lần đoán xem chàng trai kia là ai. 

Nghe tiếng nhạc, các cô gái cũng sẽ đoán định được tính cách, tình cảm, sự hiểu biết nông sâu của người đang tỏ tình với mình. Thế nên, tiếng đao lay động được tình cảm của các cô gái phải là những thanh âm nồng nàn, ấm áp và mê đắm được dồn nén từ tình cảm chân thành tạo nên những cung bậc của tận cùng yêu thương da diết. 

Tuy nhiên, các cô gái thường không vội vã mở lòng, vì họ cần phải có thời gian để suy ngẫm kỹ lưỡng mới quyết định làm quen; đồng thời, cũng là để thử lòng kiên nhẫn của người đang muốn đến với mình, cho dù cô gái đã rất cảm mến lời tỏ tình qua từng khúc nhạc. 

Còn với các chàng trai thì bất kể thời gian có thế nào đi nữa, họ vẫn luôn tin tưởng những thanh âm tình yêu chân thành của mình đến một lúc nào đó sẽ khiến cô gái nghiêng lòng và mang đến cho mình cảm xúc vỡ òa khi cô nhẹ gót bước ra mở cửa để mình được bước lên nhà ngồi tâm tình bên người mình hằng thương mến.

 

Yêu nhau bằng tiếng nhạc của cây đao, thế nên, các thế hệ người Khơ Mú xưa kia luôn răn dạy con cháu phải biết trau mình để trở thành người tốt, người biết sâu, hiểu rộng, tài ba để tâm hồn, sức sống của mình được toát lên thành thanh âm với sức sống mãnh liệt. Sức sống ấy được chuyển hóa thành tình yêu đôi lứa trường tồn và phát triển.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/