Giữ lửa nghề làm giấy bản của người Dao
Ngày xuất bản: 16/09/2021 9:51:00 SA
Lượt đọc: 21757

Giấy bản là một sản phẩm có vai trò quan trọng và được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào Dao. Giấy bản được người Dao dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao là một quy trình sản xuất được đúc rút và hoàn thiện qua nhiều thế hệ.

Giấy bản trong đời sống của người Dao

Theo kết quả nghiên cứu của Đề án "Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao” do Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Lào Cai) chủ trì được biết, người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) gồm 7 nhóm và chia thành các nhánh giao khác nhau. Trong đó, có các nhánh quen thuộc như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Dao Khâu…

Người Dao bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (khoảng cuối thế kỷ 17). Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này phản ánh rõ trong nhiều phong tục, nghi lễ của người Dao và được ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ.

Mặc dù sinh sống ở nhiều nơi khác nhau nhưng ở người Dao có chung một nghề truyền thống là nghề làm giấy bản, phát triển nhất là ở nhóm người Dao đỏ. Đây cũng là nhóm Dao còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kỹ thuật làm giấy bản và việc sử dụng loại giấy này trong đời sống hàng ngày và tâm linh.

Giấy bản là vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng của người Dao

Không ai biết nghề làm giấy bản của người Dao có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó gắn với đời sống của họ từ ngàn đời nay. Nghề làm giấy bản xuất hiện như một điều thiết yếu bởi người Dao có văn hóa, có tiếng nói riêng, đặc biệt họ có chữ viết. Đây là một trong những yếu tố để nghề sản xuất giấy bản ở người Dao xuất hiện và phát triển.

Từ khi có giấy bản, người Dao đã biết cách sử dụng chúng vào việc ghi lại những lời hát, văn cúng, sách dạy học, sách cổ… Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản thường rất khó phai mà những tri thức liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống… của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ít mai một.

Trong năm, người Dao thường tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau và giấy bản trở thành vật không thể thiếu, bởi chúng được sử dụng để làm tiền vàng, giấy sớ, giấy trang trí… Điển hình như, giấy bản được cắt thành nhiều mảnh nhỏ hình chữ nhật và in họa tiết để làm tiền vàng cúng cho người âm. Còn trong lễ Cấp sắc (Nghi lễ mà một chàng trai Dao sau khi thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh – PV) việc trang trí trên giấy bản là công việc quan trọng, không thể thiếu. Nếu không có trang trí thì lễ cấp sắc sẽ không linh nghiệm, thầy truyền thụ phép cho học trò không được linh ứng.

 Nghề thủ công mang hồn núi rừng

Trình độ tạo ra giấy bản của người Dao đỏ đã đạt đến trình độ nhất định, được tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, có sự khác nhau ở việc sử dụng nguyên liệu làm giấy bản giữa các nhánh Dao. Người Dao Quần Chẹt ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên bái làm giấy bản từ cọng rơm nếp cái hoa vàng, nhưng ở huyện Bắc Hà, tỉnh Hà Giang người Dao đỏ lại dùng cây vầu, nhiều nơi khác thì sử dụng nguyên liệu cây nứa, cây mai...

Anh Triệu Như Vượng (nhánh Dao Quần Chẹt ở bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: Ngày trước, cứ vào tầm tháng 7, tháng 8 ở khắp mọi sân nhà của người Dao trong bảnn đều thấy phơi khung giấy bản, nhưng hiện nay vì nhiều lý do mà không còn nhiều gia đình theo nghề nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm gia truyền, anh Vượng cho hay, việc chọn rơm để làm giấy bản vô cùng quan trọng. Rơm phải lấy từ cổ của bông lúa, nếu chọn được loại rơm nếp cái hoa vàng trồng trên nương sẽ hoàn hảo nhất. Bởi sợi rơm ở lúa nương sẽ mềm và dai hơn cổ của bông lúa trồng dưới ruộng như miền xuôi. Đó là kinh nghiệm được truyền lại trong nhiều gia đình người Dao Quần Chẹt ở Đá Gân.

Rơm nếp cái hoa vàng được dùng làm giấy bản

Sau khi thu hoạch lúa, người ta sẽ tách bỏ phần lớp áo ngoài của cây, phần rơm bên trong sẽ được giữ lại, sau đó đem cắt gốc, cắt ngọn và chỉ lấy phần thâm rơm dài khoảng 18 – 20 cm. Tuy nhiên, chỉ có rơm thôi thì chưa thể làm ra giấy nếu thiếu đi một loại cây theo tiếng Dao gọi là "Tờ - kêu” – một loại cây thân dây, có chất nhựa kết dính bột giấy mà không dính vào phên phơi. Loại cây này chỉ mọc trong rừng sâu nên bà con người Dao ở Đa Gân mỗi khi làm giấy sẽ phải đi tìm rất vất vả.

Sau khi có được rơm và cây "Tờ - kêu”, người Dao bắt tay vào làm giấy dó, công việc này có thể kéo dài cả tháng trời mới có được một mẻ giấy bản ưng ý. Trước tiên, rơm sẽ được bó thành từng bó, đem luộc với nước vôi và tro từ 10 – 12 tiếng tới khi rơm mềm. Sau đó, rơm được bỏ vào một chiếc sọt có quây bằng lá sạch và mang ra suối ngâm trong nước từ 10 – 15 ngày, thậm chí cả tháng. Rơm khi đã được ngâm kỹ, họ sẽ vớt lên rồi cho vào cối xay giã nát, lọc đi lọc lại nhiều lần để lọc lấy phần bột mịn nhất.

Công đoạn này đòi hỏi rất nhiều sức người bởi muốn có được phần bột giấy mịn thì phải giã rất lâu. Nếu càng giã lâu, rơm càng nhuyễn thì bột càng mịn, giấy được làm ra sẽ càng bền và đẹp. Sau khi đã có bột mịn, bà con người Dao lấy cây "Tờ - kêu”, cạo sạch vỏ, đập dập rồi ngâm nước khoảng một tuần. Khi cây "Tờ - kêu” tiết ra nhớt, người ta đem lọc lấy nước cốt rồi pha lẫn bột giấy khuấy đều, tạo thành hỗn hợp kết dính. Đó chính là hỗn hợp để làm thành giấy bản.

Hỗn hợp này sau đó sẽ được đổ lên một khung vải phin mỏng, được nẹp tre tạo thành một khuôn rộng 1,2 x 2 mét hoặc tùy theo nhu cầu sử dụng của từng gia đình. Hỗn hợp làm giấy được đổ đều lên mặt khuôn như người ta vẫn thường tráng bánh cuốn. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao để giấy được đổ không quá dầy cũng không quá mỏng. Giấy được đổ đòi hỏi phải đều nếu không coi như hỏng mẻ giấy. Sau khi được tráng xong, tuyệt đối không được di chuyển khung giấy, phải để yên tại nơi khô ráo, dưới ánh nắng mặt trời. Khung giấy sau khi được phơi 2 – 3 nắng sẽ khô và có thể sử dụng được. Khi đó, người ta dựng khuôn tráng lên rồi dùng một thanh tre vót mỏng, tách giấy ra khỏi khuôn, vậy là đã có giấy để dùng.

Tráng dung dịch bột rơm và chất cây tạo kết dính lên một khuôn làm bằng vải, sau đó đem phơi khô

Còn ở những nhánh Dao sử dụng các nguyên liệu như nứa, vầu non, vỏ cây dướng thì quy trình tạo ra giấy bản cũng có nhiều khác biệt. Điển hình như vùng người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai, Hà Giang... vì cây măng nứa, vầu và mai thường phát triển theo mùa nên việc lấy được nguyên liệu cũng đòi hỏi nhiều công phu. Khi tiếng sấm đầu tiên của năm mới xuất hiện cũng là lúc báo hiệu những cây măng vầu bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất. Mùa măng nứa sẽ muộn hơn vào khoảng tháng 5 – 6 hàng năm.

Theo kinh nghiệm của người Dao tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, họ ưu tiên lựa chọn những cây nứa được khoảng 40 – 50 ngày tuổi và đạt độ cao khoảng 3 – 4 mét. Họ sẽ luôn chọn lấy những cây nứa, mai và vầu non, không bị sâu đục thân, chỉ như vậy thì mới dễ làm và giấy được đảm bảo chất lượng. Chỉ cần vài cây măng non cũng sẽ có được một mẻ bột giấy đủ cho gia đình dùng trong một năm. Giấy bản được làm từ cây nứa, mai và vầu cũng trắng và đẹp hơn giấy được làm từ rơm.

Các thanh vầu, nứa sau khi lấy về sẽ được chẻ ra và buộc thành từng bó nhỏ và cho vào nồi để luộc nhừ. Vì những nguyên liệu này có chất sơ cứng nên khi luộc người Dao đỏ thường cho thêm vôi và bột nếp vào cùng để chúng nhanh chín và mềm hơn. Thời gian làm chín và nhừ nguyên liệu tốn khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ. Trong quá trình luộc nguyên liệu, người ta phải chế thêm nước lã để không bị cạn nước, lửa phải cháy đều thì nguyên liệu mới chín nhừ. Nhưng ở vùng thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, tỉnh Hà Giang lại không luộc mà chỉ ngâm vầu với nước vôi. Vầu phải ngâm nước vôi ít nhất là 2 tháng mới được vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày là sẽ mềm nhũn như sợi bún. Và sau đó họ dùng chân nhồi vò cho đến khi thành bột.

Sau khi có được bột, người Dao đỏ cũng sẽ vớt bột giấy cho vào chậu hòa với nước lã một tỷ lệ nhất định, lượng nước và bột giấy ngang nhau, nếu cho nhiều nước quá bột giấy sẽ loãng, còn nếu cho ít nước bột giấy sẽ đặc. Sau đó họ cho thêm chất kết dính được lấy từ vỏ cây bo hoặc cây vỏ dưỡng. Đây cũng là sự khác nhau về nguyên liệu kết dính được sử dụng trong làm giấy bản của các nhanh Dao.

Kỹ thuật tráng giấy của người Dao đỏ ở Thanh Sơn cũng có nhiều khác biệt, khi họ không đổ từng lớp bột lên khung như các nhánh Dao khác. Người Dao đỏ ở Thanh Sơn xây một bể chứa hỗn hộp làm bột giấy, sau đó dùng tấm sàng được làm bằng tre để khua, lắng vớt, tạo ra những màng bột mỏng, đó chính là giấy bản. Cứ thế, lớp nọ vớt lên xếp lên lớp kia, ép thủ công cho kiệt nước rồi mang ra phơi vài nắng để có được những tấm giấy bản màu vàng nhạt, dai và có một mùi khá thơm giống như giấy điệp vẽ tranh Đông Hồ nổi tiếng ở đất Kinh Bắc.

Kỹ thuật tráng giấy bản của người Dao đỏ ở Thanh Sơn

Không giống như giấy công nghiệp, giấy bản để được rất lâu, nếu bảo quản tốt giấy bản có thể để được vài chục năm. Vì vậy, đồng bào dân tộc Dao rất ưa thích và nó phù hợp trong các nghi lễ truyền thống của họ. Vào những ngày chợ ở các địa phương trong tỉnh gần giáp Tết, sản phẩm giấy bản của đồng bào Dao bày bán rất nhiều và cũng là một trong những thứ cần thiết mà người dân mua nhiều nhất để chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền.

Giấy bản bán ra thị trường chưa nhiều, do người làm giấy bản hiện nay còn ít và nghề làm giấy bản cũng chưa được quan tâm gìn giữ và phát huy, nên có nguy cơ sẽ mai một. Được biết giá bán một thếp giấy bản có khoảng 10 - 15 tờ có giá 20 - 30 nghìn đồng. Một mẻ giấy bản tốn khoảng 30 - 40 kg nguyên liệu, khi làm ra sẽ được khoảng 800 tờ giấy bản.

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống

Tháng 9/ 2018, nghề làm giấy bản thủ công của người Dao đỏ tại thôn Thanh Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề sản xuất giấy bản của đồng bào dân tộc Dao ở đây được hình thành và phát triển từ năm 1925 đến nay. Theo các già làng kể lại, năm 1920, ông Triệu Dùn Phin, một người con của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn đã học được nghề làm giấy và truyền cho con cháu trong dòng họ Triệu. Đến nay, nghề làm giấy bản đã xuất hiện ở thôn được 87 năm, duy trì theo hình thức cha truyền con nối.

Nhiều năm trở lại đây, nghề làm giấy bản của người Dao đỏ ở thôn Thanh Sơn có xu hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, nghề sản xuất giấy bản ở đây vẫn chưa được hỗ trở phát triển nghề và quảng bá, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, do xuất phát là nghề thủ công nên các công cụ sản xuất vẫn do người dân tự chế tạo, còn thô sơ, chưa có được năng suất cao.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao đỏ, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) huyện Bắc Quang, Sở KH&CN Hà Giang đã đưa dự án bảo tồn và phát triển nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao đỏ ở thôn Thanh Sơn vào chương trình đề tài, dự án KHCN cấp huyện năm 2012. Tổng kinh phí dự án là 175 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp KHCN tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, số còn lại là do các hộ trong thôn đang sản xuất giấy bản đầu tư. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 3/2012 đến tháng 11/2012.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nhân dân ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất, phát triển bền vững làng nghề truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng đưa máy công cụ cải tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giải phóng một phần sức lao động của con người. Dự án cũng sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất cho các hộ sản xuất; định hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Sau khi dự án được triển khai, các hộ sản xuất giấy bản ở thôn Thanh Sơn đã chuyển hóa một phần từ sản xuất thủ công sang ứng dụng cơ khí hóa cải tiến công cụ trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, quy trình chế biến nguyên liệu, phương pháp tráng và bể tráng giấy thì vẫn được bà con dân tộc Dao thực hiện theo phương pháp truyền thống.Theo anh Triệu Trần Minh (sinh 1978), trưởng thôn Thanh Sơn, là con cháu của dòng họ Triệu Dùn Phin, người đầu tiên học và truyền lại nghề sản xuất giấy bản của dân tộc Dao, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp giải phóng sức lao động và tăng năng suất. Như công đoạn làm nát nguyên liệu bằng cách giẫm nát, tốn rất nhiều thời gian mà hiệu quả lao động thấp. Khi sử dụng máy công cụ cải tiến gắn động cơ điện đối với công đoạn làm nát nguyên liệu, đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tăng năng suất, giải phóng sức lao động của con người…

 Được biết, nghề làm giấy bản của dân tộc Dao thôn Thanh Sơn đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Hiện có gần 100/120 hộ duy trì thường xuyên nghề sản xuất giấy bản. Trung bình mỗi hộ sản xuất trên 80 bục giấy/năm; mỗi bục hiện bà con bán tại thôn 200.000 đồng. Nghề sản xuất giấy bản đã giúp cho cuộc sống của bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn ngày càng được cải thiện.

Hiện giấy bản của bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn được tiêu thụ rộng khắp tại 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang và các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, có rất nhiều tiểu thương tìm đến hộ sản xuất để đặt hàng thu mua, có thời điểm được giá, bà con bán được 300.000 đồng/bục.

Theo ông Hoàng Quang Phùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang): Trong thời gian tới, huyện Bắc Quang không chỉ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất giấy bản của dân tộc Dao, mà sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng thôn Thanh Sơn trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thanh Sơn phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của mỗi du khách khi đến với Hà Giang.

Nguồn : Pháp Luật

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/