Hái lộc đầu năm – nét đẹp trong văn hóa người Việt
Ngày xuất bản: 11/05/2017 10:22:00 SA
Lượt đọc: 92120

  

Người Việt Nam ta có rất nhiều phong tục đẹp trong dịp Tết cổ truyền. Một trong những phong tục ấy là hái lộc đầu năm. Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước. Theo quan niệm xưa: sau lễ giao thừa, trời đất chuyển giao sang một năm mới, do một con giáp khác cai quản. Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, là thời khắc giao hòa giữa đất trời trong ngày Tết cổ truyền, tục xưa truyền lại là mỗi người hái một cành lộc nhỏ, nơi đền, chùa, miếu... rồi đưa về treo trước nhà hoặc đặt trên bàn thờ với mong muốn “Tống cựu, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm … 

Ảnh: sưu tầm

Chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền lệnh cho các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi. Thấy các con bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, Hoàng hậu thưa:  Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, trộm nghĩ, nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con, ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi...

Thế rồi, chọn ngày lành tháng tốt, chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng: Non ở nhà, già đi ấp/ Chẵn lên non, còn xuống biển. Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn. Trên đường đi nếu gặp điều gì không may, hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vảy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được.Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền…

Trước đây các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ cây sanh, si, sung, đa… vốn có sức sống mạnh mẽ. Cành lộc được nâng niu, không được cho ai, vì như vậy sẽ "mất lộc". Chút lộc ấy sau đó được đặt lên bàn thờ, đến “khai hạ” mới mang xuống và “hoá” cùng với đồ mã (có người để luôn quanh năm). Xưa người đi xin lộc chủ yếu là tại các nơi như đình, chùa với ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới. Ngày nay xã hội càng phát triển, hái lộc xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người. 

Trải qua mấy nghìn năm, cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thanh nét văn hóa tết trong đời sống của người Việt Nam. Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, nét đẹp ấy vẫn còn giữ nguyên được giá trị và sẽ lưu truyền mãi mãi làm nên một nền văn hóa Việt mang nhiều bản sắc truyền thống tốt đẹp.

Thu Hương

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/