Lễ đặt tên con của người H’Mông Hoa ( Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái )
Ngày xuất bản: 28/07/2021 8:23:00 SA
Lượt đọc: 20634

La Pán Tẩn là một xã của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 23km, cách trung tâm tỉnh lỵ 160km. Phía Bắc tiếp giáp với xã Chế Cu Nha và xã Cao Phạ, phía Đông tiếp giáp với xã Cao Phạ, phía Tây tiếp giáp với xã Dế Su Phình  và xã Chế Cu Nha, phía Nam tiếp giáp với xã Púng Luông.Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông hoa, chiếm 99% và sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần dây, cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi, đường bê tông vào đến tận bản; trạm xá, trường học, trụ sở, nhà cộng đồng đều được xây mới khang trang, đặc biệt nhiều hộ gia đình đã phát triển dịch vụ homestay, thu hút đông đảo khách du lịch đến lưu trú và tham quan những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nơi đây.

Tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người Hmông hoa ở La Pán Tẩn vẫn lưu giữ được đầy đủ các phong tục tập quán , đặc biệt các nghi lễ vòng đời từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên: lễ đặt lại tên đệm, lễ cưới, nghi lễ tang ma... Trong đó, lễ đặt tên con là một trong những nghi lễ có vị trí quan trọng, nó khẳng định sự có mặt của thành viên mới trong một gia đình. Một đứa trẻ ra đời là niềm vui của cha mẹ, gia đình và cả cộng đồng dòng họ và thành viên mới này được cộng đồng đón nhận một cách rất trân trọng.

Lễ đặt tên con của người H’Mông hoa được coi là nghi lễ đầu tiên của một đời người và trở thành nghi lễ của cả cộng đồng để công nhận thành viên mới. Nghi lễ này là dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời của một con người nên được cộng đồng rất coi trọng. Các thủ tục trong nghi lễ được đồng bào bảo lưu khá tốt với nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người. Ngoài những giá trị văn hóa độc đáo, nghi lễ này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tộc người Hmông.

Lễ cúng trình ma nhà về việc gia đình có thêm thành viên mới. Ảnh : nguồn internet

Cũng giống như người Việt, người H’Mông hoa đặt tên gồm có 3 phần chính: họ - tên đệm - tên chính. Tên đệm của con trai thường là "A", con gái thường là "Thị".

Khi đặt tên, đồng bào thường chọn lọc kỹ lưỡng về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Trong cách gọi của người H'Mông là gọi tên chính thường kèm tên đệm. Ví dụ: A Chu, A Pó, ...,

Nghi lễ đặt tên con phải qua hai lễ là lễ gọi hồn "húp plì", đặt tên và lễ cúng trình báo tổ tiên. Trong số những người đặt tên cho đứa trẻ, nhất thiết phải có sự có mặt của ông trưởng họ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bố, mẹ đẻ của đứa trẻ. Sở dĩ nhất thiết phải có sự có mặt củaông trưởng họ vìông sẽ là người biết rõ nhất những cái tên của đứa trẻ có trùng với tên của các vị tiên tổ (khoảng 3 đến 5 đời trở lại đây) hoặc ông bà chú bác trong nội tộc hay không. Nếu có thì phải đổi tên bởi đồng bào quan niệm như thế là không tôn trọng tổ tiên, hơn nữa, phần lớn những người mang tên đó là những ngườiđã khuất mà đứa trẻ mới ra đời người ta không muốn liên quan gì đến những người đã khuất vì sợ không may mắn. Đặc biệt người ta kiêng những tên đã trùng mà lại còn gắn với những bi kịch số phận không may mắn.

Sau khi sinh ra được 3 ngày, đứa trẻ sẽ được gia đình và dòng họ tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên cho bé. Nghi lễ này được coi là đặt tên khai sinh cho đứa trẻ và cái tên này sẽ theo bé suốt cuộc đời (nếu là bé gái), còn bé trai sẽ dùng đến khi đổi tên đệm.

Khi đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ đến đông đủ, lễ đặt tên của dân tộc Mông mới chính thức được tổ chức tại gia đình nơi có đứa trẻ ra đời. Chủ lễ có thể là người trong dòng họ hay chính là ông nội của đứa trẻ được đặt tên. Từ sáng sớm tinh mơ, lễ đặt tên đã được bắt đầu với việc cúng trình báo các ma nhà. Ông chủ lễ lấy gà sống và quả trứng sống đặt trên bát gạo rồi đốt 2 nén hương đặt lên trên để trước cửa chính. Trong bài cúng, ông trình báo cho ma cột chính và các ma nhà (ông bà, tổ tiên) thông báo gia đình đã có một đứa trẻ mới ra đời cầu các ma cho nó được mạnh khỏe, lớn khôn.

Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức đặt tên thì mọi người mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quét dọn nhà cửa để cúng tổ tiên… Khi công việc chuẩn bị đã xong, anh em, gia đình dòng họ cùng quây quần quanh gian chính ngôi nhà. Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em họ hàng và mọi người đến tặng cho trẻ trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc trẻ sẽ khôn lớn, biết làm ruộng nương, giỏi đi rừng.

Theo quan niệm của người H’Mông, lễ đặt tên con là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của một con người, nên mọi người từ đầu bản đến cuối bản ai ai cũng háo hứcđến chúc mừng thành viên mới của gia đình, của bản làng, của dòng họ và cùng cầu chúc cho đứa trẻ sẽ khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn trong suốt cuộc đời. Gia đình đứa trẻ cũng cử người đại diện cảm ơn bà con đã đến chia vui và giúp đỡ.

Từ sau lễ đặt tên này đứa trẻ đã chính thức có tên, đây chính là tên khai sinh của đứa bé. Đối với những đứa bé gái thì sẽ mang tên đặt trong nghi lễ này suốt cuộc đời, còn đối với bé trai, khi đến tuổi trưởng thành, lấy vợ, sinh con đầu lòng sẽ làm lễ đổi lại tên đệm và tên đó sẽ duy trì trong dòng họ và đời sống tín ngưỡng của người Mông.

Hình ảnh em bé người H'Mông mới sinh. Ảnh : nguồn internet

Lễ đặt tên con là một tập quán xã hội mang tính chất truyền thống của cộng đồng người H'Mông hoa nói chung cũng như người H’Mông ở Yên Bái nói riêng. Đây là nghi lễ đầu tiên của một người Hmông trong nghi lễ vòng đời, là nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang ý nghĩa nhân văn cao cả cần được bảo tồn và phát huy./.

Trần Chiến

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/